ĐBSCL: Chợ tự phát “át” chợ chính thống

Thứ Tư, 02/10/2013, 19:30
Chính quyền 2 xã An Tức và Lương An Trà, huyện Tri Tôn (An Giang) đã vào cuộc quyết liệt để giải tỏa chợ tự phát trên cầu Lò Gạch, nhưng chợ vẫn tồn tại. Trong khi đó, khu chợ mới chính thống được xây dựng trên địa bàn xã Lương An Trà với vị trí thuận lợi lại bỏ hoang từ nhiều năm qua…

Ông Nguyễn Hoàng Vĩnh- Chủ tịch UBND xã Lương An Trà, cho rằng: “Việc di dời các hộ dân buôn bán dưới chân cầu Lò Gạch phải được tiến hành quyết liệt và đồng bộ. Phải di dời tất cả các hộ mua bán ở 2 xã vào chợ Lương An Trà. Chỉ như vậy tình trạng này mới không tiếp diễn nữa”. Theo ông Vĩnh, chợ Lương An Trà được khởi công xây dựng từ năm 1997, đến năm 2005 thì hoàn thành. Sau khi đưa vào sử dụng, hầu hết tiểu thương ở cầu Lò Gạch đều đồng thuận chuyển về đây mua bán. Tuy nhiên, do lúc này chợ chưa được xây dựng hoàn thiện các hạng mục, một số tiểu thương cứ nấn ná buôn bán trên cầu Lò Gạch dẫn đến chợ hoạt động không hiệu quả. Nản lòng, những tiểu thương đăng ký vào chợ Lương An Trà đã đã quay trở lại bán ở chân cầu Lò Gạch.

Theo ý kiến của hầu hết các tiểu thương buôn bán trái phép dưới chân cầu Lò Gạch thì đa số đều có nguyện vọng vào khu chợ đàng hoàng hơn để kinh doanh. Bà Trịnh Thị Huệ bán rau cặp mé kênh Mới, cho biết: “Nếu chuyển qua chợ mới (chợ Lương An Trà) thì những người dân ở 2 xã phải cùng chuyển đi hết. Mỗi lần chuyển, chỉ một số hộ đi, còn nhiều hộ ở lại thì người dân vẫn giữ thói quen đi chợ cũ”.

Còn tại Hậu Giang, dù đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng chợ Mái Dầm (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang) đang rơi vào tình trạng buôn bán ế ẩm. Tiểu thương bỏ chợ, trong khi đó, chợ cóc, chợ tạm, chợ tự phát lại nhộn nhịp, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Chợ Mái Dầm được quy hoạch tại trung tâm của thị trấn, thuận lợi cả giao thông thủy và bộ. Song chỉ hoạt động được 1 năm thì số tiểu thương bỏ lô sang nơi khác, số còn lại hoạt động cầm chừng. Hiện tại, chợ chỉ có một số sạp bán hàng thực phẩm sống, rau củ là còn hoạt động, còn hàng chục ki-ốt dù nằm ở mặt tiền thì đìu hiu. Thậm chí đóng cửa bởi không có người mua. Hiện nay, cả chợ chỉ có khoảng 50 lô, sạp đang kinh doanh hàng ngày. Trong khi đó, chợ Mái Dầm được đưa vào sử dụng năm 2010 với diện tích trên 2.398m2, kinh phí đầu tư 4,3 tỉ đồng, với 46 ki-ốt; 91 lô, sạp kinh doanh thực phẩm, hàng tươi sống; 55 lô buôn bán các mặt hàng tự tiêu, tự sản…

Cảnh buôn bán trái phép ở chợ tự phát dưới chân cầu Lò Gạch, huyện Tri Tôn (An Giang) từ nhiều năm nay.

Trái ngược với chợ Mái Dầm, chợ tự phát tại KCN Sông Hậu lại luôn tấp nập dù chỉ cách gần 3km. Mọc lên từ năm 2012, nhưng mấy tháng trở lại đây chợ tự phát này phát triển mạnh mẽ, với trên 100 tiểu thương kinh doanh đủ các loại hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Chợ hoạt động từ sáng sớm đến 7h tối, nhưng thật sự nhộn nhịp từ 3h chiều trở đi. Khách chủ yếu là công nhân ở KCN và người dân địa phương.

Chị Nguyễn Thu Minh (công nhân trong KCN Sông Hậu), cho biết: “Là công nhân, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nên tôi thường chọn chợ này là nơi mua sắm vì ở đây hàng hóa hợp với túi tiền”. Được biết, các tiểu thương kinh doanh nơi đây đều là những tiểu thương “chạy chợ”, vì thế giá cả một số mặt hàng cũng “mềm” hơn.

Trên thực tế, là chợ cóc, chợ tự phát nên nhưng nơi đây đã trở thành điểm nóng về tình trạng mất TTATGT, tình trạng nước thải, rác thải không thể kiểm soát được. Điển hình, theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh có 14 điểm tụ tập, họp chợ, lấn chiếm lòng đường, buôn bán ngay dưới dốc cầu, cả trên tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ và hương lộ. Trong đó, các chợ tạm dọc theo tuyến QL1A là nơi tập trung đông dân cư, lưu lượng xe lưu thông nhiều, nguy cơ xảy ra TNGT luôn ở mức cao. Điển hình như chợ Trà Quýt, chợ Trà Cuôn, chợ Phú Lộc, chợ Đại Hải trên tuyến QL1A; các chợ trên các tuyến tỉnh lộ ở nhiều huyện như Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung. Dù nhiều địa phương trong tỉnh đã có quy hoạch và xây dựng những khu chợ cố định, nhưng do việc di dời hay quy hoạch không hợp lý nên để tiện lợi, cả người bán và người mua vẫn họp chợ, buôn bán ở lòng, lề đường, dưới dốc cầu, bất chấp những hiểm nguy đang “rình rập”…

Theo ông Nguyễn Thanh Hoàng- Phó Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang, các chợ đang gặp khó khăn bởi quy hoạch còn nhiều bất cập. Phần lớn chợ xây dựng theo quy hoạch mạng lưới chợ từ lâu, không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế hiện nay. Chính vì thế, trong thời gian tới, ngành cần quy hoạch lại hệ thống chợ theo nhu cầu thực tế của từng vùng, từng địa phương

Văn Đức
.
.
.