ĐBSCL: "Đau đầu" vì thiếu bác sĩ

Thứ Tư, 24/09/2014, 10:46
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là vùng trũng của cả nước về nguồn nhân lực y tế. Trong đó tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ/vạn dân khá thấp. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là hiện nay nhiều sinh viên ngành Y ra trường lại không chịu về địa phương công tác.

Thiếu bác sĩ trầm trọng

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến cuối năm 2013, ĐBSCL chỉ có 4,8 bác sĩ/vạn dân, 0,41 dược sĩ/vạn dân. Tỷ lệ này còn thấp so với bình quân chung cả nước. Ông Võ Trọng Hữu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa-Xã hội (Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ) cho biết: "Toàn vùng còn 323 trạm y tế xã chưa có bác sĩ. Thậm chí, tại huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang), toàn huyện chỉ có 6 bác sĩ. Căn cứ vào Quyết định 122 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đến năm 2020, ĐBSCL có 9 bác sĩ/vạn dân và 2,2 dược sĩ/vạn dân nên từ đây đến đó, vùng phải đào tạo thêm 7.000 bác sĩ và hơn 3.000 dược sĩ".

Theo ông Trần Văn Út, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, tỉnh này có tỷ lệ bác sĩ/vạn dân rất thấp, chỉ đạt 5,37 bác sĩ/vạn dân. Với tình trạng thiếu bác sĩ như hiện nay thì đến năm 2015 sẽ không đạt chỉ tiêu mà nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, Vĩnh Long đã xây dựng thêm nhiều bệnh viện chuyên khoa và đến cuối năm 2015 sẽ đưa vào hoạt động như: lao, tâm thần… nên còn thiếu đến 75 bác sĩ.

Báo CAND phối hợp tổ chức khám bệnh cho người dân nghèo tại ĐBSCL.

Theo bà Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, Cần Thơ có nhiều bệnh viện đa khoa, chuyên khoa. Điển hình như toàn vùng chỉ có Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, không chỉ phục vụ cho trẻ em Cần Thơ mà còn ở các tỉnh còn lại nên số lượng cán bộ, bác sĩ thiếu hụt rất lớn. Theo ông Quách Việt Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, địa phương này cũng đang thiếu bác sĩ gây mê. Đối với ngành này, không có em nào chịu tự giác đi học.

"Sinh viên tốt nghiệp đi đâu hết"

Trong khi vùng ĐBSCL thiếu bác sĩ trầm trọng nhưng nghịch lý là nhiều sinh viên trường y tốt nghiệp ra trường không chịu về địa phương công tác. Theo ông Võ Trọng Hữu, qua thống kê cho thấy, tỷ lệ sinh viên ngành Y dược tốt nghiệp ra trường rồi trở về các địa phương trong vùng công tác khoảng 40%, tỷ lệ này đối với bác sĩ răng hàm mặt là 23,81%, dược sĩ 18,64%, cử nhân điều dưỡng là 50%, cử nhân y tế cộng đồng là hơn 42%.

"Tôi không biết cơ chế chính sách thu hút các em về của từng tỉnh như thế nào nhưng với tỷ lệ sinh viên ra trường về tỉnh làm như trên là thấp", ông Hữu băn khoăn. Tại hội nghị về nguồn nhân lực y tế ĐBSCL tổ chức vào giữa tháng 8/2014 vừa qua tại TP Cần Thơ, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cũng lo lắng trước việc sinh viên ra trường rồi "đi đâu hết".

Năm 2014, Sóc Trăng có 39 sinh viên tốt nghiệp tại ĐH Cần Thơ nhưng không ai chịu về tỉnh nhận công tác. "Những năm trước, mỗi năm Sóc Trăng có từ 50-60 sinh viên tốt nghiệp tại các trường ĐH ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ nhưng chỉ về tỉnh có 2-3 em, số còn lại đi hết. Trong năm 2014, địa phương có 5 dược sĩ và 1 bác sĩ tốt nghiệp được đào tạo theo địa chỉ sử dụng, chúng tôi đang  bố trí cho 5 dược sĩ này về tỉnh nhận công tác nhưng còn 1 bác sĩ thì không chịu về", vị lãnh đạo này chia sẻ.

Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An kiến nghị: "Cần có giải pháp căn cơ cho việc sinh viên không chịu về địa phương công tác, nếu không tình hình này 10 năm nữa cũng chưa ổn định. Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cần kiến nghị với Trung ương có cơ chế chính sách, sinh viên tỉnh nào ra trường thì về tỉnh đó công tác. Tuy luật không bắt buộc nhưng trong tình huống này phải làm dứt khoát".

Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực y tế, các tỉnh, thành ĐBSCL đề nghị Trường ĐH Cần Thơ tăng chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét chỉ tiêu đào tạo cho các trường ĐH Y dược Cần Thơ và ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh theo hướng ưu tiên chỉ tiêu xét tuyển thí sinh sinh sống ở 22 huyện nghèo, khó khăn của vùng

Văn Vĩnh - Như Anh
.
.
.