Cứu sống một cháu bé uống nhầm thuốc

Thứ Hai, 26/04/2010, 10:11
Anh trai bé Ng. nhặt được một lọ thuốc hiệu digoxin dạng viên. Không biết tác hại của thuốc nên em để trên bàn ăn cơm. Bé Ng. 3 tuổi tưởng kẹo nên lấy và điềm nhiên ăn. Sau đó, bé có hiện tượng đau bụng, nôn mửa, loạng choạng…

Ngày 24/4, các bác sĩ (BS) khoa tim mạch Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP HCM) đã cứu sống thành công một trường hợp bệnh nhi tên Tr.A.Ng. (nam, 3 tuổi), ngụ tại Vĩnh Long bị ngộ độc do uống nhầm thuốc digoxin (một loại thuốc điều trị bệnh tim mạch).

Được biết, anh trai của em Tr.A.Ng. (10 tuổi) trong lúc chạy nhảy chơi đùa, có nhặt được một lọ thuốc hiệu digoxin dạng viên (hàm lượng 0,25mg). Không biết tác hại của thuốc nên em để trên bàn ăn cơm. Cậu em trai 3 tuổi tưởng kẹo nên lấy và điềm nhiên ăn.

Khi được đưa tới các bác sĩ, không rõ số lượng thuốc em nuốt là bao nhiêu viên chỉ biết rằng, sau khoảng 1 giờ uống nhầm thuốc, bé Tr.A.Ng. có hiện tượng đau bụng, nôn mửa, loạng choạng. Khi nhập viện qua thăm khám và đo điện tâm đồ, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi rối loạn nhịp tim, nhịp tim chậm chỉ số lúc này chỉ còn đo được 40-55 lần/phút, huyết áp tụt. Các BS đã quyết định đặt máy tạo nhịp tạm thời cho em. Nhờ phương pháp này mà em đã được cứu sống.

Ngày 25/4, sau nhiều biện pháp tích cực và cố gắng của các bác sĩ BV Nhi đồng 1, em Th.N.Q.A. (10 tuổi, nữ, ngụ tại Cai Lậy, Tiền Giang) đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch do mắc sốt xuất huyết (SXH) độ III kèm suy hô hấp rất nặng.

Trước đó, ngày 13/4, em Q.A. được đưa tới Khoa Hồi sức BV Nhi đồng 1 với chẩn đoán SXH độ III ngày thứ 4. Trước đó, tại BV địa phương em có triệu chứng sốt cao liên tục 3 ngày, sau đó đau bụng, ói ra máu lợn cợn nâu, tay chân lạnh. Các bác sĩ đã thực hiện truyền dịch chống sốc theo phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế, được truyền dịch 12 giờ nhưng diễn tiến bệnh tiếp tục xấu, bệnh nhi có biểu hiện khó thở, bụng chướng căng phình, nên đã đưa lên BV Nhi đồng 1 TP HCM.

Tại đây, em tiếp tục có hiện tượng khó thở, mạch nhanh nhẹ, và bụng chướng căng. Kết quả siêu âm bụng và ngực còn phát hiện bị tràn dịch màng phổi, màng bụng lượng nhiều. Tình trạng suy hô hấp nặng, rối loạn đông máu, kèm xuất huyết tiêu hóa.

Em được điều trị truyền dịch chống sốc với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại như: đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, chọc dò màng bụng, màng phổi giải áp, và đặt nội khí quản thở máy. Để chấm dứt tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa nặng ở bệnh nhi, các BS đã thực hiện truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, và tiểu cầu đậm đặc...

Hiện cả 2 trường hợp trên đều đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực tại BV Nhi đồng 1

H.Nga
.
.
.