Cùng ngư dân mở cửa biển đầu năm

Thứ Hai, 22/02/2016, 08:14
Khi tiết trời xuân còn chớm lặng, cây đào cây quất vẫn còn vương vấn ngày tết nhưng hàng vạn ngư dân miền Trung đã xuống thuyền ra biển. Trên biển cả bao la, ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa luôn được ngư dân Việt ngàn đời xem như quê hương trên biển đang chờ đợi họ.


Có lẽ không một lý lẽ nào chân thực hơn để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là vùng biển đảo ngàn đời của nước Việt bằng chính cuộc đời của hàng vạn vạn ngư dân. Mùa lộc biển đã bắt đầu, mong cho trời quang, mây tạnh, biển lặng, sóng ru để tiếng cười của ngư dân chan đầy trên mặt sóng.

Huynh đệ trên biển cả

Những năm gần đây, Biển Đông luôn dậy sóng, những hiểm nguy luôn rình rập cuộc sống của những ngư dân vốn dĩ rất hiền lành. Để hạn chế những rủi ro giữa mênh mông biển cả, hàng ngàn ngư dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam... đã thành lập được hàng ngàn tổ đoàn kết đánh cá trên biển. Các ngư dân đã giúp đỡ nhau khi trái gió, trở trời; kêu gọi nhau tránh bão; chung sức đồng lòng ngăn cản tàu nước ngoài xâm nhập vùng biển của Tổ quốc… Những việc ngư dân đang làm đong đầy tình huynh đệ giữa biển khơi.

Thắp nén nhanh lên bàn thờ cho chồng, bà Trương Thị Thuyết, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) kéo vạt áo chấm nước mắt: “Vừa ăn xong bữa sáng, ông nói ông phải tranh thủ đi một chuyến, vì sắp có dông nên cá vô nhiều, ai ngờ lần đó ông đi rồi đi luôn để lại tui một mình”.

Hoàn cảnh bà Thuyết rất thương tâm, hai vợ chồng cưới nhau khi tuổi mười tám, đôi mươi, sống gần hết cuộc đời họ vẫn không có con nhưng vì “tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng” nên họ không nỡ chia lìa. Mấy năm trước, chồng bà Thuyết xin một bé gái về nuôi cho vui cửa, vui nhà và mong nương cậy tuổi già. Từ ngày có con, ông đi biển liên tục vì theo ông “phải kiếm cấy chi cất trữ cho con về sau”…

Với ngư dân miền Trung, ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa luôn được xem như là quê hương trên biển cả.

Dọc theo triền cát trắng miền Trung, nhiều gia đình ngư dân cha còn lênh đênh trên biển, con đã chuẩn bị xuống tàu ra khơi đánh cá. Biển cả chan hoà nhưng cũng đầy bất trắc, bão tố, bởi vậy không ít phụ nữ ở dải đất còn nghèo này trở thành vọng phu khi vừa mới bước chân về nhà chồng.

Để giữ lấy nghề đánh cá biển, trung bình một chuyến ra khơi, ngư dân phải thức trắng từ 10-40 ngày. Thuyền cập bến trừ hết chi phí, mỗi ngư dân cũng nhận được khoảng gần chục triệu đồng tháng. Trước đây, chỉ cần đánh bắt quanh quẩn gần bờ cũng có cá, giờ ngư dân phải đóng tàu lớn, giong thuyền ra tận biển xa mới có ngư trường. Chính vì vậy nỗi nguy hiểm cũng tăng lên theo chiều con sóng. Khi đi biển ngư dân buộc lòng chấp nhận thi gan với biển cả. Song không phải ai cũng thắng, có nhiều người mãi mãi nằm lại giữa biển khơi.

Mới đây, ngày 15-2 (mồng 8 Tết Nguyên đán 2016), tàu cá QB 92671 TS do ông Nguyễn Ngọc Hải, trú thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch, Bố Trạch làm chủ tàu, cùng 6 thuyền viên đang đánh bắt thủy - hải sản ở tọa độ 17-59 N; 110-12 E thì bị sóng đánh chìm. Ba ngư dân trên tàu gồm: Nguyễn Văn Côi (SN 1972), Nguyễn Văn Nòi (SN  1992) cùng trú xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch và Nguyễn Văn Tọa (SN 1964) hiện vẫn còn mất tích.

Để ngư dân một mình tự chống chọi với biển khơi chắc chắn không đủ sức. Những năm gần đây, các tỉnh dọc miền Trung đã quyết định thành lập các tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển. Cùng chung sức với ngư dân ngoài Sở Nông nghiệp, còn có lực lượng Biên phòng, Hội Nông dân, các hợp tác xã… Cũng từ đó ngư dân không còn lẻ loi trên con đường chinh phục biển khơi.

Từ Trường Sa tới Hoàng Sa

Có lẽ không một lý lẽ nào chân thực hơn để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là vùng biển đảo ngàn đời của nước Việt bằng chính cuộc đời của hàng vạn vạn ngư dân. Từ Nghệ An, đến Hà Tĩnh, Quảng Bình… đi đâu chúng tôi cũng gặp những làng biển có truyền thống từ 5 đến 7 trăm năm đi biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Nhấp chén trà tết còn để lại, ông Phạm Minh Hồng ở thôn Thượng Đức, xã Đức Trạch tự hào về công việc đóng tàu đi biển của mình. Từ lâu, ông Hồng được ngư dân đi biển miền Trung xem như “vua” đóng tàu bởi tay nghề lão luyện, cũng như tâm hồn ông gửi vào mỗi con tàu. Ông Hồng nhìn xa xăm nói: “Đến đời tui là hơn 10 đời gia truyền đóng tàu đi biển, gốc gác cụ tổ ở vùng biển Nghi Lộc, Nghệ An. Xa xưa, ông bà tui chỉ đóng ghe bầu. Loại thuyền nhỏ để đánh cá gần bờ, rồi chở hàng vào vùng biển Phan Thiết bán cho các lái buôn đưa hàng qua Pháp. Rồi mỗi đời phát huy nghề đóng tàu, giờ thì đóng lớn thẳng tiến Hoàng Sa, Trường Sa. Tính ra làng tui đã hơn 500 năm đi biển Hoàng Sa".

Ngư dân miền Trung đang đóng tàu lớn để chinh phục biển cả. 

Không riêng gì ở xã Đức Trạch, hàng trăm, hàng ngàn ngôi làng ở miển Trung, hiện rất nhiều gia phả của các dòng họ đều di huấn với con cháu, ngư trường Hoàng Sa là vùng biển của quê hương. Chính vì vậy, hàng trăm năm qua bà con ngư dân nhiều làng biển miền Trung đều xem vùng biển, đảo Hoàng Sa như quê hương trên biển của mình. Trời yên, biển lặng bà con đánh bắt thủy hải sản, khi gặp dông lốc, bão tố bà con lại cho thuyền cập đảo tránh trú. Trước đây, bà con ngư dân chỉ lo chống chọi với sự giận dữ, hay hào sảng quá mức của thiên nhiên, những năm gần đây ngư dân còn canh cánh nỗi lo bị cướp, phá trên biển. Vì vậy việc thành lập các tổ đoàn kết đã giúp đỡ được ngư dân rất nhiều.

Ngư dân Nguyễn Hải Đàn ở Nghi Lộc, Nghệ An cho biết, giờ đây ngư dân đều biết nâng đỡ, giúp nhau trong công việc, và nhất là khi hoạn nạn. Khi tàu bạn gặp nạn, những tàu đánh bắt gần đó sẵn sàng bỏ cả chuyến đánh bắt để ứng cứu. Không chỉ cứu giúp nhau, các tổ đoàn kết ở miền Trung còn biết nương tựa vào nhau góp phần bảo vệ vùng biển khơi thiêng liêng của mình. Nhiều ngư dân cho biết, mỗi khi thấy tàu đánh cá lạ xâm nhập trái phép vùng biển của mình và gây chuyện, các tổ đoàn kết lại báo cho nhau qua máy Icom, đoàn kết nhau lại để xua đuổi tàu lạ.

Ngư dân Nguyễn Văn Võ bộc bạch “Tui nói với các con, ngư trường Hoàng Sa là biển của mình đời này qua đời khác, mình cứ đánh bắt, nếu mình sợ không ra đánh bắt thì khác chi dâng ngư trường của ông bà mình để lại cho kẻ khác. Chúng tôi giữ ngư trường là giữ cho chính mình và con cháu mình sau này”. Tình yêu quê hương, đất nước được ngư dân miền Trung bộc bạch giản đơn như quy luật nước thủy triều, sáng biển dâng, chiều biển rút nhưng lòng biển luôn thăm thẳm chiều sâu.

Dương Sông Lam
.
.
.