Cụm loa tuyên truyền - giải pháp hiệu quả của giao thông Hà Nội

Thứ Bảy, 10/01/2015, 11:02
Dừng ở mỗi ngã tư đường phố của Hà Nội, ta bắt gặp tiếng nói tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, đường sắt phát ra từ trên loa. Có thể lần đầu mọi người chưa chú ý lắm, nhưng dần dần thành quen rồi trở nên thân thuộc. Mạch lạc, khúc chiết, những kiến thức cơ bản, những khuyến cáo cần tránh khi tham gia giao thông như một cuốn cẩm nang đi vào lòng người. Và không ai bảo ai, có những ngã tư đường phố, mọi người tắt máy xe để lắng nghe.

Tuyên truyền pháp luật cứ thế, từ từ, nhẹ nhàng thấm vào lòng người, làm thay đổi ý thức và hành vi của con người một cách hiệu quả.

Nhắc tới mô hình cụm loa tuyên truyền, Trung tá Nguyễn Văn Tài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt, Công an TP Hà Nội hồ hởi cho biết: "Cụm loa tuyên truyền đã thực hiện từ năm 2013, nhưng năm 2014 tiếp tục nhân rộng hệ thống loa tuyền truyền thêm 16 nút giao thông, nâng tổng số lên 32 cụm" (22 cụm loa đường bộ và 10 cụm loa đường sắt).

Bác Nguyễn Văn Hiệp, người dân sống ở Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai cho biết: "Mỗi lần dừng chờ tàu ở trên đường Giải Phóng để về nhà là tôi lại được nghe tiếng loa tuyền truyền. Hiệu quả rất bổ ích, chúng tôi biết thêm nhiều về quy định bảo vệ hành lang ATGT đường sắt hơn. Có thể những ngày thường mình vi phạm nhưng không chú ý, nay được nghe nhắc nhở trên loa giúp mình cẩn thận hơn, phòng tránh được tai nạn giao thông".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Đội Tuyên truyền phối hợp với Công an các quận, huyện có đường sắt đi qua đã phát trên loa các bài tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân sống dọc 2 bên đường sắt không vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Năm 2014, có đột phá mới là loa tuyên truyền không phát vào giờ cao điểm nữa, mà kéo dài thời gian tuyên truyền hằng ngày từ 6h30’-11h và từ 15h-20h, thu hút hàng triệu lượt nghe. Ngoài ra, công tác phòng cháy chữa cháy cũng được phát trên loa mỗi ngày nửa tiếng vào buổi sáng và nửa tiếng buổi chiều.

Qua khảo sát của chúng tôi ở những nút giao thông đặt cụm loa tuyên truyền, hầu hết người dân đều đồng tình, ủng hộ việc tuyên truyền Luật Giao thông trên loa phát thanh. Cũng chính bởi hiệu quả mang lại và những hiệu ứng của dư luận xã hội mà Hà Nội đã trở thành thành phố đầu tiên trong cả nước ứng dụng thành công mô hình cụm loa tuyên truyền.

Loa tuyên truyền đặt ngay ở nhịp đèn tại ngã tư Cửa Nam, giúp người dân được nghe hướng dẫn về ATGT.

Hiện nay, đã có 4 Phòng CSGT Công an các tỉnh như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Hòa Bình có công văn đến học tập trao đổi kinh nghiệm. Mô hình này cũng được Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và chỉ đạo nhân rộng, đề nghị các địa phương học cách làm hay, sáng tạo của Hà Nội.

Ngoài cụm loa tuyên truyền, theo Trung tá Nguyễn Văn Tài thì Phòng CSGT đã tạo bước đột phá mới trong công tác tuyên truyền, như: phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật về TTATGT, dán đề can tuyên truyền quy định của Luật Giao thông trên 7 tuyến xe buýt với 155 xe buýt phục vụ công tác tuyên truyền và tại 150 nhà chờ đón, trả khách, các điểm trung chuyển xe buýt và đầu bến xe. Phối hợp với Sở GD& ĐT tổ chức trao tặng 5.400 cuốn vở có in hình ảnh tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho học sinh Trường Tiểu học Nhật Tân và Tiểu học Đan Phượng...

Một trong những bước đột phá của Hà Nội là tổ chức tập huấn sơ cứu thương cho người tham gia giao thông khi gặp nạn do say nắng, say nóng, choáng, ngất, bị thương trong các vụ TNGT... cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng CSGT đường bộ, đường sắt.

Mỗi ngày, tại Việt Nam xảy ra hàng trăm vụ TNGT và những tình huống bất ngờ trên đường, trong đó có nhiều trường hợp chết oan do không được sơ cứu ban đầu, hoặc sơ cứu, đưa người bị nạn đến bệnh viện không đúng cách. Người đi đường không biết sơ cứu đã đành, ngay cả cán bộ khi tốt nghiệp các trường CAND cũng chưa được tập huấn công tác sơ cứu thương ban đầu.

Khi làm việc gặp các trường hợp như trên, lực lượng CSGT gặp rất nhiều khó khăn trong công tác này. Trong khi đó, việc chờ cấp cứu của ngành Y tế trong một số trường hợp chưa kịp thời, nạn nhân không được sơ cứu kịp dẫn đến bị thương nặng hoặc tử vong. Việc mở lớp tập huấn này đã được đánh giá cao và được coi là việc làm mang tính thực tiễn hết sức cấp bách trong tình hình TNGT diễn biến phức tạp như hiện nay.

Trần Hằng
.
.
.