Xây nhà nghỉ trên đỉnh Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng:

Của riêng còn một chút này..

Thứ Hai, 10/09/2007, 17:40
Việc chính quyền quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, đang ráo riết chuẩn bị xây dựng hàng loạt quầy bán hàng lưu niệm, nhà nghỉ chân, nhà hàng bán cơm chay, đồ uống giải khát… (tạm gọi là trạm dừng chân) trên hòn Thủy Sơn, thuộc khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận...

Hiện có hai luồng ý kiến trái ngược nhau về sự việc này…

Phương án đã… "lên nòng"

Sáng 8/9, sau nhiều lần điện thoại liên lạc, chúng tôi gặp ông Nguyễn Đình Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn. Ông Thư tranh thủ trước giờ vào họp tại trụ sở UBND TP Đà Nẵng để trao đổi cho chúng tôi tất cả tài liệu liên quan đến việc chuẩn bị xây dựng công trình trạm dừng chân trên hòn Thủy Sơn, một trong số năm ngọn núi của khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Theo đó, được biết: Cách đây hơn hai năm, ngày 18/7/2005, UBND TP Đà Nẵng có Quyết định số 5847/QĐ-UB phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết khu sân vườn, nhà nghỉ chân, quầy lưu niệm tại hòn Thủy Sơn. Khu đất có diện tích 2.848m2 nằm sau lưng chùa Tam Thai, phía Đông giáp động Linh Nham, phía Tây giáp động Huyền Không. Trên khu đất sẽ bố trí nhà bán nước giải khát, hai quầy bán hàng lưu niệm, 7 chòi nghỉ chân, rồi đài vọng cảnh, sân vườn, hồ nước, đường giao thông…

Đến đầu tháng 3 năm nay, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận Ngũ Hành Sơn lập tờ trình gửi UBND quận xin phê duyệt chủ trương đầu tư một số hạng mục khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng, trong đó 1 tỷ đồng cho việc xây dựng trạm dừng chân trên hòn Thủy Sơn. Và tới thời điểm này thì đã có hai doanh nghiệp là Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng KT&H và Công ty Tư vấn Kiến trúc Miền Trung tham gia… trình bản thuyết minh, khái toán kinh phí xây lắp trạm dừng chân.

Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng KT&H đưa ra 4 bảng khái toán kinh phí, quy mô nhất với 12 hạng mục xây dựng hết 2,969 tỷ đồng và nếu rút gọn còn 4 hạng mục (khu vực giải khát, 2 nhà nghỉ chân, sân vườn và giao thông, sân bãi), chí ít cũng mất 999 triệu đồng. Còn Công ty Tư vấn Kiến trúc Miền Trung đưa ra 4 hạng mục thi công có giá trị dự toán 994,427 triệu đồng…

Của riêng còn một chút này…

Ngay sau cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Thư, chúng tôi đến hòn Thủy Sơn. Leo qua hàng trăm bậc đá chạm chân đến cổng chùa Tam Thai, đập vào mắt chúng tôi là dãy hàng quán bán nước giải khát, kẹo cao su… che bạt trông rất nhếch nhác.

Phía sau chùa, bên lối đi dẫn về động Huyền Không, hàng quán cũng chen nhau, che dù, căng bạt đủ màu sắc trông chẳng khác cảnh buôn bán lộn xộn ở chợ là mấy. Trên mỏm đá cao cạnh đường qua động Vân Thông là một chòi lợp tranh, vách ván bên trong kê một tủ bán hàng lưu niệm. Chòi này là nơi làm việc của một tổ công tác Ban Quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn, việc buôn bán hàng lưu niệm đã bị nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan phê phán, song chẳng hiểu sao nó vẫn cứ tồn tại (?!)…

Hàng quán nhếch nhác trước cổng chùa Tam Thai.

Hiện trường quận Ngũ Hành Sơn chuẩn bị xây dựng trạm dừng chân là một bãi đất có nhiều cây dương liễu, nằm đối diện với một nhà vệ sinh được xây dựng kiên cố, kiểu dáng hiện đại.

Dù đã được xem bảng thiết kế về trạm dừng chân, nhưng chúng tôi không thể nào hình dung nổi tại một khu đất trên lối vào động Huyền Không lại xuất hiện một khu nhà bán cơm chay, đồ giải khát rộng 116m2, 4 quầy bán hàng lưu niệm (mỗi quầy 24m2) và 4 cái chòi nghỉ (mỗi chòi 12m2) được bố trí ken dày. Thảo nào, dự án trạm dừng chân trên hòn Thủy Sơn đã làm xôn xao dư luận…

Rõ ràng, không thể kéo dài cảnh hàng quán che bạt tạm bợ buôn bán nhếch nhác trên danh thắng Ngũ Hành Sơn. Tuy nhiên, có nên xây dựng một khu buôn bán có quy mô như đã thiết kế ngay trên đỉnh hòn Thủy Sơn?

Theo chúng tôi, chỉ nên xây dựng vườn hoa, một vài ngôi nhà giả cổ theo kiểu "phong đình" bố trí cho phù hợp với cảnh quan danh thắng. Bên trong những "phong đình" nên để tủ bán đồ giải khát cho du khách. Còn lại, không nên dựng lên các quầy bán hàng lưu niệm. Bởi vì, ngay dưới chân danh thắng Ngũ Hành Sơn là làng nghề điêu khắc đá, với hàng trăm quầy bán hàng lưu niệm cũng đã thỏa mãn việc mua sắm của du khách

Long Vân
.
.
.