Cứ vô tư hút thuốc đi, có ai bị phạt đâu mà sợ!

Thứ Ba, 30/03/2010, 16:20
UBND đã triển khai đặt biển cấm hút thuốc lá ở nơi làm việc, có các thông báo và phối hợp với các bệnh viện, trường học tổ chức triển khai vận động, tuyên truyền, nhắc nhở người dân cấm hút thuốc lá. Nhưng, không có cán bộ chuyên trách để kiểm tra, xử lý vi phạm. Các bệnh viện cũng không có cán bộ chuyên trách làm việc này. Hiện chỉ có bộ phận bảo vệ phát hiện thì nhắc nhở, quá lắm chỉ dập tắt được điếu thuốc chứ không xử phạt được.

TP Hà Nội đã ban hành quy định xử phạt hành chính một số hành vi vi phạm nơi công cộng như cấm hút thuốc lá, cấm tiểu tiện, cấm xả rác nơi công cộng… Nhưng giữa văn bản và thực tế lại có một khoảng cách khá xa. Người vi phạm thì không bị xử phạt, còn người có quyền xử phạt thì không biết xử phạt theo quy chế nào.

"Ai cấm mặc ai"

Đã tròn 3 tháng quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng có hiệu lực (Theo Quyết định 1315/QĐ-TTg). Nhưng ở những nơi được quy định chính xác như bệnh viện, trường học, nơi tập trung đông người, các trung tâm thương mại… người ta vẫn vô tư vi phạm mà không ai bị nhắc nhở.

Sáng 29/3, bên trong Bệnh viện K, Hà Nội một thanh niên ngồi chờ đến lượt khám bệnh với điếu thuốc lá cháy liên tục. Còn bên ngoài cổng, ngồi bên ấm nước trà vỉa hè, hai người đàn ông trầm ngâm suy nghĩ, phì phèo điếu thuốc lá. Cạnh đó, một người đàn ông khác liên tục rít thuốc, nhả khói, điếu này nối điếu khác khiến người phụ nữ ngồi bên cạnh phải lấy tay che miệng, mũi để tránh hít phải khói thuốc.

Vô tư hút thuốc ở cổng Bệnh viện K Hà Nội.

Trước cổng một số trường học trên địa bàn Hà Nội vào giờ tan trường, nhiều phụ huynh trong lúc chờ đón con tranh thủ lấy thuốc ra hút. Tình trạng trên cũng xuất hiện thường xuyên tại các bến tàu, bến xe. Thậm chí, ngay cả khi lên xe buýt, nhiều thanh niên mang cả thuốc lá đang đốt dở lên xe, khiến cho lái xe và phụ xe phải nhắc nhở…

Một trong những hành vi thực hiện nơi công cộng sẽ bị xử lý hành chính ở mức 60.000 đồng - 100.000 đồng chính là hành vi tiểu tiện nơi công cộng. Thế nhưng, dường như thách thức các cơ quan chức năng, tại những điểm "nhạy cảm", khuất lấp, thậm chí ngay cạnh di tích lịch sử, người ta cũng vẫn ngang nhiên làm các việc cần giấu đi ấy.

Phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội luôn trong tình trạng bốc mùi. Những người dân hay khách du lịch đi bộ qua phố này đều phải khéo léo tránh nước và vết bẩn do người thiếu ý thức tiểu tiện tại đây. Trên hai phố Triệu Quốc Đạt và Phủ Doãn liền kề nhau được lắp đặt hai nhà vệ sinh di động. Ấy thế mà giữa hai nhà vệ sinh ấy lại có một đoạn phố bị sử dụng làm nơi đi vệ sinh của những người lái xe ôm, xe taxi và khách vãng lai… Vi phạm diễn ra mọi nơi, mọi lúc, ngày qua ngày, mất mỹ quan đường phố, nhưng chẳng có đại diện cơ quan chức năng nào đến bắt quả tang để xử phạt người vi phạm.

Những quy định xử phạt trong các lĩnh vực đã nói ở trên mặc dù được đưa ra, tuyên truyền rầm rộ nhưng lại không có ai xử phạt và không ai bị xử phạt. Các quy định này đã bị "treo" ngay khi mới ban hành và chắc chắn sẽ còn tiếp tục bị "treo" dài dài. Vậy, nguyên nhân nào khiến cho các văn bản pháp luật xa rời thực tế, không đi vào cuộc sống?

Xử phạt: con số 0

Ai cũng biết, để quy định đi vào thực tiễn, ngoài biện pháp tuyên truyền, vận động, thì việc kiểm tra, xử phạt và ban hành chế tài xử phạt lại mang tính chất quyết định. Tuy nhiên, có những quy định ra đời mà hiệu quả thực tiễn lại không cao. Cấm hút thuốc lá nơi công cộng là ví dụ điển hình. Cho đến nay, tại Hà Nội chưa xử phạt được hành vi nào hút thuốc lá ở nơi công cộng.

Hàng Bông là một trong những phường trung tâm của Hà Nội, nơi có 4 bệnh viện lớn và 4 trường học, nhưng đến nay chưa xử phạt được 1 trường hợp nào hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng. Theo bà Vũ Bích Hiền, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông, sở dĩ chưa xử phạt được vì không có chế tài thực hiện. UBND phường đã triển khai đặt biển cấm hút thuốc lá ở nơi làm việc, có các thông báo và phối hợp với các bệnh viện, trường học tổ chức triển khai vận động, tuyên truyền, nhắc nhở người dân cấm hút thuốc lá. Nhưng, không có cán bộ chuyên trách để kiểm tra, xử lý vi phạm. Các bệnh viện cũng không có cán bộ chuyên trách làm việc này. Hiện chỉ có bộ phận bảo vệ phát hiện thì nhắc nhở, quá lắm chỉ dập tắt được điếu thuốc chứ không xử phạt được.

Không riêng Hàng Bông, nhiều địa phương khác cũng nằm trong cảnh tương tự. Theo Thanh tra Bộ Y tế, từ khi có Quyết định 1315 của Chính phủ về xử phạt hành chính hút thuốc lá ở nơi công cộng nhưng chưa xử phạt được trường hợp nào. Bởi đến nay vẫn chưa ban hành được Thông tư hướng dẫn xử phạt.

Hành vi xả rác ra nơi công cộng nay cũng bị xử phạt từ 100 đến 300 nghìn đồng. Tuy nhiên, ai đứng ra rình cả ngày để bắt quả tang và xử phạt mới là điều khó. Do vậy, rác vẫn bị xả trộm, còn thủ phạm thì vô can. Xử phạt hành vi tiểu tiện ra nơi công cộng hay xử phạt hành vi nấu cơm, rửa rau… trên vỉa hè xem ra chỉ là con số 0 vì Hà Nội vẫn còn rất nhiều điểm bị phóng uế bừa bãi; hàng nghìn nhà hàng, quán ăn, hộ gia đình sử dụng vỉa hè để nấu nướng, chế biến thực phẩm và xả nước thải ra đường đi.

Những quy định xử phạt hành chính khó thực hiện có một phần là do lĩnh vực quy định đó liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, diễn ra hằng ngày, hằng giờ ở mọi địa điểm, trên diện rộng. Bởi vậy, dù các cơ quan chức năng chỉ định rõ trách nhiệm xử phạt thì cũng không thể đủ lực lượng để thực hiện triệt để. Chúng ta nên có một cuộc rà soát lại các quy định xử phạt này để đưa ra chế tài cụ thể hơn. Hoặc, đối với việc tiểu tiện trên đường phố, thành phố có thể giải quyết bằng cách tăng cường nhà vệ sinh lưu động và miễn phí sử dụng. Có vậy, các quy định xử phạt hành chính mới đi vào cuộc sống

Nhóm PVPL
.
.
.