Cử nhân ra trường “héo hắt” xin việc

Chủ Nhật, 20/07/2014, 13:42
ĐBSCL được xem là vùng trũng của cả nước về giáo dục. Thế nhưng những năm gần đây, các trường ĐH mọc lên như “nấm”, tạo điều kiện cho học sinh vùng sâu vùng xa đặt chân vào giảng đường ĐH. Nhưng hệ lụy của việc này, hàng năm có hàng ngàn sinh viên ra trường nhưng không có việc làm.

Em Nguyễn Thị Bích Hạt, cựu sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp, cho biết: “Khi nhận giấy báo trúng tuyển ĐH vào ngành Sư phạm Kỹ thuật nông nghiệp của Trường ĐH Đồng Tháp, gia đình em ai nấy cũng vừa mừng vừa lo. Cái lo lắng lớn nhất là nhà em nghèo, không biết lấy tiền đâu cho em học ĐH”.

Thế rồi 4 năm ĐH cũng trôi qua, cha Hạt đi làm công nhân để kiếm tiền lo cho con. Nhưng khi ra trường, Hạt thật sự thất vọng khi cầm tấm bằng cử nhân đi xin việc nhưng chẳng nơi nào nhận. “Lớp của em có 53 bạn nhưng khi ra trường chỉ có 7 bạn là xin việc đúng với chuyên môn mình học. Những bạn còn lại thất nghiệp, tự tìm việc khác hoặc ngồi chơi xơi nước”, Hạt buồn bã nói.

Trường hợp của cử nhân L.V.K. (ngụ xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) càng bấp bênh hơn. Năm 2004, K. thi đậu vào ngành Sư phạm Sử của Trường ĐH Cần Thơ. Bốn năm miệt mài học tập, khi ra trường với tấm bằng loại khá, K. nộp hồ sơ vào Sở Giáo dục - Đào tạo Vĩnh Long chờ ngày phân công đi dạy.

“Tôi nộp hồ sơ vào tháng 8 năm 2008 nhưng mòn mỏi đợi tới 1 tháng sau mới biết mình bị… rớt. Từ đó, tôi làm nhiều nghề kiếm sống vì bằng sư phạm rất khó tìm việc ở những lĩnh vực khác”, K. kể lại những ngày đầu ra trường. Vì cuộc sống bấp bênh, K. ra Phú Quốc làm thuê trên tàu đánh bắt cá của ngư dân. Thấy cuộc sống trên biển lênh đênh, đối mặt với nhiều nguy hiểm, K. trở về quê xin vào các công trình xây dựng làm phụ hồ.

Tương tự, trường hợp của bạn D.N.T. (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cầm tấm bằng cử nhân Ngữ Văn của trường ĐH Cửu Long nhưng không xin được nơi dạy, đành phải đi phụ quán bán cà phê. “Sau khi tốt nghiệp, tôi có học thêm tín chỉ sư phạm mong được đi dạy nhưng xin việc hoài không được, đành lên TP Vĩnh Long bán quán cà phê để kiếm tiền nuôi sống bản thân”, T. chia sẻ.

Không riêng gì những ngành sư phạm, kể cả những ngành “hot” như hiện nay, sinh viên ra trường cũng đành ngậm ngùi cất tấm bằng cử nhân vào tủ. Bạn Trần Thị Ngọc (xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) đã tốt nghiệp ngành Kinh tế tài chính của Trường ĐH Cửu Long từ năm 2010 nhưng sau khi ra trường Ngọc phải vất vả tìm việc. Ngọc đã nộp đơn xin việc làm ở rất nhiều ngân hàng nhưng đều bị từ chối. Cũng trong khoảng thời gian này, Ngọc được một số công ty ở địa phương nhận vào với mức lương khởi điểm rất thấp không đủ sống. Thế nhưng, chỉ được vài ba tháng thì Ngọc lại bị mất việc vì phía công ty bảo không đáp ứng nhu cầu của đơn vị.

Theo một lãnh đạo Trường ĐH Đồng Tháp, trước năm 2000, số sinh viên ngành Sư phạm ra trường cộng với nhiều nguồn khác vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu giáo viên của vùng, do đó nhiều trường ĐH tại ĐBSCL mở thêm nhiều ngành Sư phạm là: ĐH Cần Thơ, ĐH An Giang, ĐH Đồng Tháp, ĐH Tiền Giang, ĐH Bạc Liêu.

Tuy nhiên, ngành Giáo dục của vùng không đánh giá được số lượng sinh viên sư phạm ra trường là bao nhiêu và nhu cầu xã hội là bao nhiêu. Cộng thêm nguồn sinh viên sư phạm từ TP Hồ Chí Minh đổ về, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, dư thừa. Nhiều sinh viên không được Sở Giáo dục-Đào tạo phân công đã làm trái nghề hoặc thất nghiệp.

Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp cho biết, hằng năm có khoảng 60% số thí sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, số sinh viên này ra trường tìm được việc làm rất hạn chế. Đặc việt, đối với ngành Sư phạm. Tích luỹ nhiều năm, hiện tỉnh Đồng Tháp còn hơn 2.000 cử nhân tốt nghiệp Sư phạm không tìm được việc làm.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, chạy theo số lượng nên nhiều trường đào tạo sinh viên không quan tâm đến chất lượng. Đặc biệt là ngành Sư phạm, đi theo lối mòn nên đào tạo sinh viên ra trường chẳng biết làm gì khác ngoài chuyện dạy học. Và nếu không được làm việc đúng chuyên môn thì chẳng khác gì con gà công nghiệp yếu ớt.

Trong khi đó, hiện nay ĐBSCL có quá nhiều trường ĐH mở ồ ạt với các ngành tương tự nhau, thí sinh dù đạt dưới điểm sàn cũng có thể bước chân vào giảng đường ĐH. Chính điều này đã tạo ra một lực lượng lao động dư thừa.

Ông Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp) cho rằng: cần có cuộc điều tra chính xác về nguồn nhân lực ĐBSCL để định hướng cho phát triển. “Vì hiện nay, có rất nhiều đánh giá cho rằng, ĐBSCL là vùng có nguồn nhân lực thấp kém. Mỗi năm, vùng ĐBSCL có không dưới 40% thí sinh thi đậu vào ĐH, CĐ. Vấn đề là chúng ta không thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, mà do chưa phát triển sản xuất để tạo việc làm cho người lao động”, ông Lê Vĩnh Tân nói

Văn Vĩnh - Như Anh
.
.
.