Cứ mùa khô là thiếu điện

Thứ Năm, 10/04/2008, 17:19

Chưa vào hè mà người dân ở các thành phố lớn cảm thấy khá “bí bách” vì bị cắt điện. Các chuyên gia dự báo, mùa khô năm 2008 tình hình thiếu điện có thể còn gay gắt hơn năm ngoái. Trong thời gian tới, đặc biệt vào những ngày nắng nóng và giờ cao điểm, Hà Nội và nhiều tỉnh thành sẽ bị cắt điện luân phiên. Bao giờ thì dân thành phố hết cảnh “đèn dầu giữa đô thị”?

Miền Bắc trong tình trạng "gay gắt"

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 3 tháng đầu năm 2008, tình hình vận hành nguồn điện thực tế của tập đoàn có nhiều diễn biến bất lợi hơn nhiều so với kế hoạch dự trù.

Các nhà máy đang vận hành liên tục gặp “sự cố”. Nhiệt điện Cà Mau 1 chỉ cung cấp được khoảng 42% sản lượng so với kế hoạch; nhà máy điện Uông Bí mở rộng 1 do Lilama làm tổng thầu vận hành không ổn định, cho tới nay vẫn chưa triệt để khắc phục được các sự cố đóng xỉ và rung gối trục tua bin. Sự cố tổ máy số 1 Thủy điện Tuyên Quang phải dừng dài ngày từ 5/2/2008 đến 14/3/2008. Các nguồn khí Cửu Long và Nam Côn Sơn cung cấp cho sản xuất điện không ổn định...

Trong khi đó, các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đã phải thực hiện 3 đợt xả nước để phục vụ sản xuất vụ Đông - Xuân, với tổng lưu lượng xả khoảng 2.2 tỷ m3 nước, tương đương 430 triệu kWh điện. Bên cạnh đó, hàng loạt các công trình, dự án điện rơi vào tình trạng chậm tiến độ như: nhà máy điện Cà Mau 2 và Nhơn Trạch 1 khó có thể vận hành trước cuối tháng 5/2008...

Nguồn cung bị hao hụt nhiều so với dự trù, nhưng “cầu” vẫn tăng đều đều. Vẫn theo EVN, trong tháng 2/2008 vừa qua, có ngày sản lượng điện tiêu thụ của toàn hệ thống lên đến 206,1 triệu KWh, tăng 15,96% so với cùng kỳ năm 2007, công suất cao nhất ghi nhận được đạt 10.571 MW, tăng 15,3% so với năm 2007. Sản lượng tiêu thụ điện trung bình ngày toàn hệ thống là 180,4 triệu KWh, tăng 15,64%, trong đó sản lượng miền Bắc tăng 22,8%, miền Trung tăng 11,1% và miền Nam tăng 13,4% so với năm trước.

Nhà máy thuỷ điện Na hang (Tuyên Quang).

Thông báo ngày 8/4/2008 của EVN cũng khẳng định: “Tình hình đặc biệt gay gắt đối với khu vực miền Bắc”. Bởi, phụ tải miền Bắc tiếp tục tăng trưởng cao, dự kiến ở mức 78.8 triệu kWh/ngày trong tháng 4 (tăng 21.38%) và 83 triệu kWh/ngày trong tháng 5 (tăng 17.57%) do thời tiết ấm lên và phụ tải công nghiệp phát triển mạnh. Thêm vào đó, các tổ máy nhiệt điện than phía Bắc do phải huy động cao liên tục trong mùa khô nên rất dễ xảy ra sự cố.

Và hệ quả là trong thời gian tới, đặc biệt vào những ngày nắng nóng và giờ cao điểm, Hà Nội và nhiều tỉnh thành sẽ bị cắt điện luân phiên.

Trước thực tế này, một chuyên gia ngành điện thở dài: “Tình hình cung ứng điện năm nay rất khó khăn” và “Trong những ngày tới đây, nếu lũ tiểu mãn không về hoặc về muộn vào giữa tháng 6 thì tình hình sẽ đặc biệt căng thẳng. Việc cung ứng điện đang trông chờ vào tiến độ các nguồn điện như Cà Mau 2, Nhơn Trạch 1. Nếu các nguồn điện này không được đẩy nhanh tiến độ sẽ gây ảnh hưởng đến cân bằng năng lượng và công suất của hệ thống…”

Hướng đến một nền an ninh năng lượng

Theo đánh giá của một chuyên gia năng lượng thì hậu quả của việc thiếu điện sẽ vô cùng nghiêm trọng, không thể tính bằng tiền. Nó sẽ ảnh hưởng đến toàn dân, làm ngừng trệ mọi hoạt động sản xuất.

Với một nước đang phát triển như Việt Nam, công nghiệp chiếm xấp xỉ 50% tổng GDP cả nước, chỉ cần mất điện một giờ, mức thiệt hại có thể vượt quá 1.000 tỷ đồng. Những ngành công nghệ cao, công nghiệp căn bản như ximăng, hoá chất, đạm, thép sẽ hoàn toàn tê liệt. Trên thế giới, người ta đo thiệt hại do thiếu điện bằng đơn vị phút.

Nguyên nhân của việc đó là do chúng ta không có lộ trình, kế hoạch phát triển, không đo lường cân đối lượng điện. Từ nay đến năm 2010 cả nước sẽ phải “ăn đong” điện do chưa có nguồn điện dự phòng. Điều này tác động vô cùng xấu tới nền kinh tế. Tất cả các nước đều đặt vấn đề an ninh năng lượng lên hàng đầu. Lượng điện dự phòng của Hoa Kỳ là hơn 40%, Nhật Bản: hơn 45%, Trung Quốc: 15-20%.

Thiếu điện ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống sản xuất. Giám đốc một công ty thép cho biết "Những ngày thiếu điện, sản lượng phôi của công ty giảm 50%, thép phế mua về chất đống. Các lò điện của chúng tôi luôn hoạt động hết công suất nên không thể tăng sản lượng để bù đắp số phôi bị thiếu hụt được, vì vậy chắc chắn phải nhập khẩu phôi thay thế".

Nhiều nhà kinh tế nhận định: Thiếu điện, nhiều ngành sẽ điêu đứng vì phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, hàng hoá cho tiêu dùng. Tất cả các mặt hàng thiết yếu vì vậy mà bị đẩy giá lên cao, làm thâm hụt cán cân thương mại.

Chủ tịch Hiệp hội đầu tư xây dựng năng lượng Việt Nam ( VICPA), ông Trần Viết Ngãi trao đổi: Chuyện cứ mùa khô là thiếu điện không thể đổ hết lỗi cho ngành điện. Bởi, hiện chưa có một quy hoạch đúng về lộ trình phát triển của ngành này.

Ông dẫn chứng, việc xây dựng một nhà máy nhiệt điện, thủy điện phải mất 5-6 năm thậm chí là lâu hơn. Vậy mà những nhà quản lý lại chỉ xây dựng những kế hoạch cung ứng điện trong vòng 5 năm như các tổng sơ đồ đã lập đối với ngành điện từ trước đến nay. Như thế là rất không hợp lý. Và theo ông, phải xây dựng kế hoạch cung ứng điện có lộ trình từ 15-20 năm thì mới có thể giải quyết được vấn đề.

Bên cạnh đó, ngành điện không chỉ phấn đấu giải quyết được 100% nhu cầu điện của hệ thống mà cần phải có nguồn dự trữ. Ở những nước tiên tiến, nguồn điện dự trữ của họ thường chiếm từ 20-30% tổng cung.

Đề cập đến việc giải quyết tình hình thiếu điện trong mùa khô tới,  ông Ngãi cho biết. Hy vọng đầu tiên là hệ thống các nhà máy điện Cà Mau 2, Nhơn Trạch 1, Tuyên Quang và một số dự án khác.

EVN phải thông báo một cách nhanh chóng, rõ ràng lịch cắt điện luân phiên để cơ quan, xí nghiệp, công sở chủ động điều tiết sản xuất.

Ngoài ra, biện pháp cấp bách nhất là phải tăng cường việc tiết kiệm điện. Các nhà máy, xí nghiệp nên khuyến khích chuyển sang ca ba làm việc (vì chỉ thiếu điện vào những giờ cao điểm). Cũng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền cho các cơ quan Nhà nước nâng cao ý thức tiết kiệm điện, đề ra những nguyên tắc, kỷ luật trong việc tiết kiệm điện.

Xa hơn, ông Ngãi tham mưu, ngành điện có thể “hy sinh” 3-5 năm để bắt tay vào thực hiện một lộ trình sản xuất điện. Sẽ có những kế hoạch dài hạn để cung ứng đủ, thậm chí thừa ít nhất là 20% tổng sản lượng điện tiêu thụ của cả nước.

Điện (và cả ngành năng lượng nói chung) có thể nói là một trong những xương sống của nền kinh tế. Chỉ cần ngành này “hắt hơi, sổ mũi” là nền kinh tế có nguy cơ bị đình trệ. Bởi vậy, theo nhiều chuyên gia về năng lượng, Nhà nước cần phải có một chế tài về An ninh năng lượng. Nó sẽ có nhiệm vụ đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, công suất, đáp ứng được yêu cầu sản xuất và sinh hoạt, có dự trữ. Đồng thời sẽ phải thiết lập đợc cơ chế quản lý, phân phối, quy trình sử dụng trong nhân dân.

Để làm được điều này, ông Ngãi góp ý, rất cần phải xây dựng một tổ chức đủ mạnh để quản lý, giám sát các nguồn năng lượng. Đó có thể là việc tái lập Bộ Năng Lượng hoặc xây dựng Ủy ban năng lượng quốc gia để giúp Chính phủ lập kế hoạch phát triển cũng như quản lý ngành năng lượng như thế giới đã làm và mang lại hiệu quả rất tốt…

Ngày 8/4/2008 tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết dự án cụm cảng trung chuyển nước sâu ở quần đảo Nam Du và Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương công suất 4.400 MW. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 7,7 tỷ USD giữa  tập đoàn Tân Tạo với các công ty Black& Veatch; FHDI; Tư vấn xây dựng Điện 2.

Đây là dự án nhiệt điện lớn nhất tại Việt Nam do doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư.

Dự kiến kế hoạch phát triển các nhà máy nhiệt điện được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: 1200 MW, vận hành năm 2013-2014 (dự kiến khởi công năm 2009); giai đoạn 2: 1200 MW, vận hành năm 2015-2016; giai đoạn 3: 2000 MW, vận hành năm 2017-2018. Với dự án này, ngoài giải bài toán về thiếu năng lượng còn góp phần thúc đẩy kinh tế vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Minh Tiến
.
.
.