Cư dân mạng cần cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo online
Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Interrnet và thông tin trên mạng bắt đầu có hiệu lực từ 1/9/2013. Nghị định này kỳ vọng sẽ mang lại một không gian “Internet sạch”, đặc biệt có nhiều quy định “cởi trói” cho game online. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra không ít lo lắng là ngành game online sẽ phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy khi các hình thức lừa đảo online quay trở lại và cũng phát triển không kém.
Những thủ đoạn lừa đảo tinh vi qua mạng
Tình trạng ăn cắp mật khẩu nick chat, đóng giả người quen để lừa tiền trên mạng đã diễn ra và được cảnh báo, tuy nhiên vẫn có người bị lừa bởi thủ đoạn này của những kẻ tội phạm.
Phản ánh đến đường dây nóng của Báo Công an nhân dân, chị Phan Thị Thu Ngân, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: khi đang chát trên mạng yahoo, chị được người cậu ruột đang làm ăn tại TP Hồ Chí Minh “nhảy” vào chát cùng. Sau vài câu hỏi han, trò chuyện cùng chị, ông cậu ngỏ ý đang kẹt tiền, nhờ chị mua hộ 5 chiếc thẻ cào điện thoại, mỗi cái trị giá 200.000đ để nạp. Vì nghĩ là cậu mình thật, chị Ngân không nghi ngờ gì, đã chạy ra cửa hàng mua 5 chiếc thẻ điện thoại rồi cào số và đọc cho cậu nạp. Ông cậu cảm ơn rối rít, hẹn khi nào có tiền sẽ gửi ra trả chị.
Khoảng 2 ngày sau, ông cậu lại “nhảy” vào chát cùng chị. Lần này ông cậu cũng nhờ cháu nạp hộ 3 chiếc thẻ điện thoại nữa. Chị Ngân thắc mắc thì ông cậu kêu “có việc làm ăn, cần gọi điện nhiều”. Thấy cậu giục “ời ời”, chị Ngân nghi ngờ nên kể chuyện này với chồng. Chồng chị lập tức gọi điện cho cậu thì được trả lời: 2 ngày trước cậu không hề chát với chị Ngân và không nhờ chị mua hộ 5 thẻ điện thoại nào cả. Trong khi ấy, “ông cậu giả” vẫn ở trên mạng, giục cháu mua thẻ điện thoại. Nick chat của cậu chị đã bị đối tượng này “ăn cắp” và đóng giả là cậu ở xa để lừa cháu. Bức xúc, chị Ngân cho biết: “Tôi không hề nghi ngờ gì vì nghĩ là cậu mình thật. Ai ngờ đây lại là thủ đoạn của bọn tội phạm”.
Người chơi game cần cảnh giác trước các trò lừa đảo online. |
Mới đây Công an tỉnh Quảng Trị và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao, Công an TP Hà Nội đã khám phá nhóm tội phạm lừa đảo online gồm 15 đối tượng (hầu hết đều là học sinh) do Nguyễn Đức Bi, trú tại khu phố 1, phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị cầm đầu. Bằng cách thông qua trang web nước ngoài để tạo các đường link rồi sửa lại cho giống như yahoo, facebook và cài phần mềm gián điệp, chúng đã gửi đường link có chứa phần mềm gián điệp này cho người có tài khoản yahoo, facebook. Khi nhấn vào đường link này, chương trình gián điệp sẽ tự động cài đặt trong máy tính của chủ tài khoản yahoo, facebook và gửi các thao tác bàn phím, sao chụp màn hình về hộp thư của đối tượng. Các đối tượng sẽ xâm nhập vào tài khoản yahoo, facebook để đổi mật khẩu, đồng thời nghiên cứu các mối quan hệ để nói chuyện và thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách nhờ nạp thẻ game, thẻ cào điện thoại. Các đối tượng lấy mã số thẻ cào bán lại cho các đại lý, hoặc bạn bè với giá rẻ hơn.
Nhiều người lo lắng rằng, khi Nghị định 72 có hiệu lực với một số quy định thông thoáng hơn thì tình trạng lừa đảo online càng có cơ hội bùng nổ. Theo khuyến cáo của cơ quan điều tra, người sử dụng Internet cần phải cảnh giác với các nick chat hỏi vay tiền, nhờ nạp thẻ điện thoại… Khi nhận được những đề nghị trên, cần phải gọi điện hỏi lại người đề nghị để tránh bị sập bẫy kẻ lừa đảo, tiền mất tật mang.
Cư dân mạng cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo
Sau nhiều năm gần như đóng băng, ngành Game online sẽ được “cởi trói” nhờ Nghị định 72 có hiệu lực vào 1/9 này. Tuy nhiên, đi cùng với nó là hệ lụy kéo theo: lừa đảo game online xuất hiện ngày một nhiều thêm. Theo một nhà cung cấp game, qua thống kê có tới trên dưới 20 website lừa nạp card điện thoại, thẻ game… hoạt động, tất cả đều mô phỏng theo chương trình khuyến mãi, tặng thêm thẻ cào.
Cần cảnh giác trước những website nạp card điện thoại. |
Hiện nay, có nhiều thủ đoạn lừa đảo game online, có những thủ đoạn giống như ma trận khiến người chơi game không biết mình đã bị lừa từ khi nào, như: giả mạo bang chủ, chiến hữu để vay tiền; trò ảo thuật từ các con số khi giao dịch; bán củ, vật phẩm bằng thẻ điện thoại; yêu cầu cung cấp mật khẩu để nhận code; giả mạo GM; lừa bán vật phẩm rồi đồ sát lấy lại… Lừa đảo online ngày càng tinh vi, có những trang web lừa đảo lập nên với các trò khuyến mại, trúng giải thưởng làm người chơi lầm tưởng.
Người chơi game vẫn chưa quên vụ lừa đảo game mobile online ngoạn mục khi lợi dụng trò game được chơi nhiều nhất là Game Avatar - thành phố diệu kỳ của nhà sản xuất Teamobi. Kẻ lừa đảo đã rao bán xu với giá rẻ hơn nhiều lần so với tổng đài để dụ người chơi vào bẫy. Chúng xây dựng lòng tin cho người chơi bằng cách kiểm tra tài khoản nhân vật và kèm theo những lời đảm bảo. Người chơi chỉ gửi tin nhắn có chứa mã thẻ điện thoại Vinaphone hoặc Viettel tương đương với mệnh giá tiền muốn mua xu vào một số điện thoại mà đối tượng cho trước, lập tức sẽ chuyển xu vào nhân vật game của người chơi, nhưng thực tế là không có xu nào được chuyển vào tài khoản.
Trong buổi hội thảo về những vấn đề liên quan đến thực trạng cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến hiện nay do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây đã cho thấy, công tác quản lý trò chơi trực tuyến hiện còn nhiều bất cập. Việc Nghị định 72 có hiệu lực từ ngày 1/9/2013 sẽ mở ra cho ngành phát triển game ở Việt Nam có nhiều cơ hội, nhưng thách thức cũng không phải ít. Làm thế nào để quản lý được các trò chơi trực tuyến phát triển lành mạnh, là sân chơi công nghệ số cho cộng đồng cũng không hề đơn giản.
Theo đại diện của nhiều đơn vị truyền thông thì ngoài tăng cường kiểm tra, quản lý và giám sát các trò chơi trực tuyến của cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cần phải cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo online rất tinh vi. Chỉ chơi những trò chơi đã được cấp phép, đặc biệt là nên cân nhắc, xem xét kỹ các lời mời hoặc các chương trình khuyến mại hấp dẫn