Công trình xây không phép, gây lún, nứt nhà dân

Thứ Hai, 26/09/2011, 13:33
Đã gần một năm nay, những người dân sống trên địa bàn tổ dân phố Trần Phú, thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín, Hà Nội) đều lo lắng cho những thành viên sống trong hai ngôi nhà số 67 và 71 trên địa bàn. Hai ngôi nhà này đang trong tình trạng lún móng, rạn nứt tường và bị nghiêng do một công trình xây dựng không phép nằm ở giữa.

Không giấy phép vẫn xây dựng

Tháng 11/2010, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Dịch vụ thương mại Nam Tiến, Giám đốc là ông Vũ Xuân Thủy đã cho khởi công xây dựng một công trình khá quy mô, với hơn mười tầng và hệ thống hầm hiện đại tại số 69, tổ dân phố Trần Phú, thị trấn Thường Tín. Trong một thời gian ngắn, việc đào móng và ép cọc sâu 14m đã hoàn tất. Nhưng không một ai nghĩ rằng, với một công trình (nếu hoàn thành) được coi là cao nhất thị trấn lại không có giấy phép xây dựng, dù tất cả mọi công việc đều diễn ra giữa ban ngày. Người dân không biết, đến chính quyền thị trấn và chính quyền huyện Thường Tín cũng không hay biết!

Công trình của ông Thủy có thể đã "xuôi chèo mát mái", nếu như không có việc hai hộ gia đình tại số 67 và 71 làm đơn kêu cứu, vì công trình của ông Thủy gây lún, nứt và làm nghiêng nhà họ. Đến lúc này, thanh tra xây dựng thị trấn Thường Tín mới có mặt, để lập biên bản về việc xây dựng không phép.

Ngày 17/12/2010, biên bản vi phạm hành chính được lập, trong biên bản nêu rõ Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Dịch vụ thương mại Nam Tiến phải cho ngừng việc xúc đất đào móng và cho máy ra khỏi công trình. Nhưng tại thời điểm lập biên bản, công trình của ông Thủy gần như đã hoàn tất việc đào móng, ép cọc.

Như vậy là sau hơn một tháng khởi công công trình, thanh tra xây dựng thị trấn Thường Tín mới biết công trình xây dựng này không có giấy phép. Qua trao đổi với phóng viên, ông Thủy cho biết: "Việc đào móng, ép cọc là tôi làm trước lấy ngày thôi. Và vì còn thừa một số cọc từ những công trình xây dựng trước nên nhân tiện tôi cho công nhân làm luôn".

Việc "nhân tiện" cho công nhân đào móng kiên cố, ép cọc sâu đến 14m của ông Thủy, đã khiến cho gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, nhà số 67 và gia đình bà Dương Thị Tứ, nhà số 71 bị ảnh hưởng nghiêm trọng (nhà bà Hoa liền kề bên trái, nhà bà Tứ liền kề bên phải công trình của ông Thủy).

Nhà bà Hoa, mới xây dựng xong vào tháng 10/2010 nhưng đến nay do việc đào móng, ép cọc từ công trình của ông Thủy mà nhà bà Hoa đã xuất hiện nhiều vết rạn nứt, chỗ rộng nhất là 3cm. Nền móng nhà bà Hoa cũng bị lún do công trình của ông Thủy ép cọc quá sâu. Còn nhà bà Tứ cũng xuất hiện những vết nứt trên tường. Nghiêm trọng hơn, việc đào móng, ép cọc tại mảnh đất số 69, giữa hai nhà số 67 và 71 còn làm hai ngôi nhà này bị kéo nghiêng về phía công trình của ông Thủy. Hiện tại, nhà bà Hoa đã nghiêng sang phía công trình của ông Thủy gần 3cm.

Hai ngôi nhà số 67 và 71 đã gần 1 năm trong tình trạng chống đỡ bằng 8 thanh sắt.

Sau khi thấy hiện tượng lún, nứt và nhà của hai gia đình số 67 và 71 bị nghiêng sang phía công trình của mình, ông Thủy thực hiện "gia cố" bằng cách mua tám thanh sắt chữ I để chống hai đầu vào tường nhà của hai gia đình trên. Và tình trạng trên đã diễn ra trong gần một năm. Hai hộ gia đình liền kề công trình của ông Thủy đang rất lo lắng không chỉ cho ngôi nhà mà còn là tính mạng của con người.

Ông Phạm Ngọc Quyên, chồng bà Dương Thị Tứ, nhà số 71 cho biết: "Nhà đổ còn có thể làm lại, nhưng nếu ảnh hưởng đến tính mạng con người thì biết tính sao? Việc chống đỡ hai nhà chúng tôi bằng mấy thanh sắt thế này sẽ giữ được bao lâu, ai biết khi nào nhà đổ xuống?".

Cần xử lý kiên quyết, triệt để

ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thường Tín khẳng định sự việc ông Thủy xây dựng công trình, mà không có giấy phép là có thật. ông Việt cho biết thêm: "Chúng tôi không hề nhận được bất cứ một văn bản, hồ sơ nào từ phía công ty của ông Thủy, để xin cấp giấy phép xây dựng công trình tại số 69, tổ dân phố Thường Tín. Việc ông Thủy xây dựng không phép, gây ảnh hưởng đến hai hộ dân liền kề, cũng đã được lãnh đạo huyện triển khai, chỉ đạo giải quyết sao cho thỏa đáng nhất giữa các bên".

Khi được hỏi về việc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Dịch vụ thương mại Nam Tiến khởi công xây dựng mà không có giấy phép, ông Nguyễn Huy Đức, Phó Chủ tịch huyện Thường Tín nói: "Sau khi biết được sự việc, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo đơn vị tham mưu (Phòng Thanh tra xây dựng và Quản lý đô thị huyện) nhanh chóng giải quyết sự việc. Khẩn trương cho ông Thủy tiến hành xây dựng tiếp sau khi có giấy phép để tránh gây ảnh hưởng đến hai gia đình liền kề".

Về phía UBND thị trấn Thường Tín, sau khi nhận được đơn thư kêu cứu từ gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, trực tiếp Chủ tịch UBND thị trấn đã giải quyết sự việc, mời các bên gia đình lên hòa giải và thỏa thuận việc đền bù. Nhưng sau nhiều lần thỏa thuận vẫn chưa đi đến thống nhất. Nguyên nhân của việc này là do ông Thủy không đồng ý với mức bồi thường mà gia đình bà Hoa đưa ra là 200 triệu đồng. Sự việc kéo dài đã khá lâu, cho đến nay vẫn không giải quyết triệt để.

Ông Lê Tuấn Tú, Chủ tịch UBND thị trấn Thường Tín cho biết: "Sau khi phát hiện công trình của ông Thủy xây dựng không phép, chúng tôi đã lập biên bản cho dừng thi công và yêu cầu phía công ty ông Thủy phải có trách nhiệm gia cố và bồi thường thiệt hại cho hai gia đình liền kề. Việc chưa thống nhất được mức bồi thường không do chúng tôi, mà từ phía các gia đình. Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm".  

Vừa qua, lãnh đạo UBND thị trấn Thường Tín có văn bản gửi ông Thủy với nội dung do công trình xây dựng chưa có giấy phép, nên bắt buộc phải dừng thi công. Nếu ông Thủy muốn tiếp tục thi công công trình thì phải có giấy phép xây dựng, đồng thời phải đạt được thỏa thuận đồng ý với hai gia đình liền kề. Nhưng sau gần một năm, hai ngôi nhà 67 và 71 vẫn trong tình trạng phải chống đỡ bằng tám thanh sắt. Cho dù sau này có giấy phép xây dựng nhưng nếu không thỏa thuận đền bù được giữa các gia đình, việc xây dựng vẫn không được tiến hành. Đề nghị UBND thị trấn và huyện Thường Tín cần có biện pháp giải quyết triệt để, để tránh gây ra hậu quả nghiêm trọng

Huyền Sim
.
.
.