Công trình giao thông “cản bước” người đi đường

Thứ Năm, 31/03/2011, 15:29
Thời gian gần đây, TP Cần Thơ thực hiện nhiều dự án mở rộng và xây dựng mới một số dự án giao thông. Điều đáng nói, trong quá trình xây dựng các cây cầu mới đã gây khó khăn cho việc đi lại của người dân và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

Đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, là dự án giao thông mới, có tổng chiều dài gần 4km, quy mô cấp 2 gồm 4 làn xe và lộ giới là 34m, được đầu tư kinh phí gần 132 tỷ đồng. Đây là tuyến đường huyết mạch nối trung tâm TP Cần Thơ với huyện Phong Điền, phá thế độc đạo của đường tỉnh 923, đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thế nhưng từ hơn một năm nay, trong quá trình xây cầu vượt rạch Rau Răm và vượt đường Nguyễn Văn Trường thuộc dự án này, nhiều người dân, nhất là các đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải, chở hàng hóa kêu ca với cây cầu này.

Bởi công trình xây dựng cầu gần như cắt đứt giao thông vận chuyển hàng hóa vốn là tuyến lợi nhất cho các phường vùng ven của quận Ninh Kiều và Bình Thủy - đó là tuyến đường Nguyễn Văn Trường. Điểm đầu tuyến đường Nguyễn Văn Trường nối tỉnh lộ 923 (đi huyện Phong Điền và các vùng phụ cận thuộc tỉnh Hậu Giang), chạy qua phường An Bình và nối Lộ Vòng Cung, thuộc phường Long Tuyền, quận Bình Thủy.

Khi thực hiện dự án đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (trong đó có cầu vượt rạch Rau Răm và vượt đường Nguyễn Văn Trường), chủ đầu tư chấp nhận cho thiết kế và xây dựng cây cầu vượt này chỉ với chiều cao chưa tới 2m(?!). Với nhiều phương tiện xe máy và người đi bộ qua cầu, cũng phải cúi đầu, sợ va đập vào dầm cầu. Với các phương tiện xe tải, kể cả xe tải nhỏ nhất cũng hoàn toàn "bó tay" vì không thể chui qua gầm cầu được.

Cầu Ninh Kiều (quận Ninh Kiều), được xây dựng và đưa vào sử dụng gần 4 năm qua, nhưng từ đó đến nay càng lộ rõ sự bất cập. Nằm cặp khuôn viên UBND TP Cần Thơ, cầu Ninh Kiều bắt qua rạch Khai Luông nối từ đường Nguyễn Trãi qua cồn Cái Khế (phường Cái Khế). Để đảm bảo giao thông thủy, cầu Ninh Kiều được xây dựng cao, đảm bảo độ thông thuyền cho phượng tiện thủy. Thế nhưng, chính vì độ cao nên khi phương tiện qua cầu là xuống dốc. Nhưng, ngay dưới dốc cầu là ngã tư, với mật độ phương tiện lưu thông đông đúc, rất nguy hiểm khi lưu thông. Đây là điểm bất cập lớn trong xây dựng, bởi nguy cơ tiềm ẩn TNGT rất cao. Thời gian qua, đã có nhiều vụ TNGT xảy ra ngay dưới dốc cầu này (thuộc đường Nguyễn Trãi).

Để chống chế với những bất cập - vì cầu đã lỡ xây rồi, ngành Giao thông Cần Thơ cho lắp đặt biển báo, cấm rẽ trái và đi thẳng đối với phương tiện từ trên dốc cầu chạy xuống. Từ đây, biển báo vô tình trở thành cái bẫy đối với người tham gia giao thông từ nơi khác đến, do thiếu quan sát biển báo.

Từ năm 2004, TP Cần Thơ khởi công xây dựng dự án mở rộng, nâng cấp tỉnh lộ 923. Dự án được bắt đầu (đoạn từ Cái Răng đến thị trấn Phong Điền) với chiều dài toàn tuyến là 11,3 km bao gồm 7 cây cầu: Cái Sơn, Rau Răm, Mỹ Khánh, Ông Đề, Rạch Chuối, Rạch Kè và Trà Niền, dự kiến năm 2006 sẽ hoàn thành. Thế nhưng, đến nay đã hơn 5 năm trôi qua mà dự án vẫn còn… đang xây dựng và khắc phục.

Cầu bắc qua rạch Rau Răm và vượt đường Nguyễn Văn Trường, có chiều cao chưa tới 2m, ngay cả xe tải nhỏ cũng không thể qua lại được.

Sở dĩ có chuyện lạ nói trên là sau một thời gian xây dựng hệ thống 7 cây cầu, đơn vị chủ đầu tư đã thay đổi thiết kế 3 cây cầu (Cái Sơn, Mỹ Khánh và Trà Niền). Theo thiết kế ban đầu, tất cả các cây cầu đều xây dựng bằng bê tông, phần đường dẫn được đổ cát và đắp taly. Khi thay đổi thiết kế, đơn vị thi công đã đóng cọc và đổ kè bê tông cao hai bên làm đường dẫn lên cầu. Việc thay đổi thiết kế dẫn đến hàng loạt hệ lụy, nhiều sự cố xảy ra. Tại cầu Trà Niền, do không chịu nổi một khối lượng bê tông và đất (đường dẫn lên cầu), đã xảy ra sụt lún ngả đổ xuống sông. Từ ngày xảy ra sụt lún, công trình này vẫn nằm ì một đống, chưa thể dọn dẹp và xây dựng tiếp, dù thời gian đến nay đã hơn một năm.

Tương tự, tại cầu Mỹ Khánh, khi làm xong phần cầu, đơn vị thi công đóng cọc, đổ bê tông kè hai bên đã dẫn ra hiện tượng lún. Vì vậy, đến nay công trình vẫn nham nhở, chờ lún. Tuy nhiên, điều bất cập nhất trong quá trình thay đổi thiết kế xây dựng cầu Cái Sơn, Mỹ Khánh, Trà Niền là tạo dưới chân cầu thành ngã tư, ngã năm. Điển hình như tại cầu Cái Sơn.

Theo thiết kế cũ thì đường dẫn lên cầu cách xa ngã ba đường Cái Sơn Hàng Bàng, nhưng giờ đây, kè bê tông đường dẫn đến ngay ngã ba này, cùng với hai đường dân sinh cặp hai bên khối bê tông kè, tạo ra giao thông rất phức tạp và nguy hiểm. Tại cầu Mỹ Khánh cũng xảy ra điều tương tự. Tuy nhiên, điểm cầu này phức tạp hơn, là đường dẫn lên cầu hình cong vẹo và giữa dưới dốc cầu là chợ Mỹ Khánh, khiến việc đi lại, buôn bán của người dân gặp rất nhiều khó khăn, giao thông càng trở nên phức tạp.

Vì vậy, ngành Giao thông TP Cần Thơ cần xem xét lại những bất cập trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Bởi, số vụ TNGT xảy ra nhiều, chưa phải hoàn toàn là do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện mà nó còn nhiều nguyên nhân khác, trong đó có việc bất cập trong xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông

Nam Giao
.
.
.