Công nhân thắt chặt chi tiêu thời bão giá

Thứ Ba, 26/07/2011, 09:40
Do giá cả thị trường liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, ảnh hưởng chung đến mọi người trong xã hội nhưng riêng đối với công nhân thì số tiền lương mỗi tháng không đủ chi tiêu cho sinh hoạt. Tại Khu công nghiệp Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên - Huế), công nhân không khỏi ngậm ngùi khi nhắc đến chuyện tiền lương của mình.

Dạo quanh một vòng tại các nhà trọ quanh khu công nghiệp Phú Bài, nhiều công nhân đã đi về sau khi ca việc thứ hai của mình kết thúc. Vì lương thấp nên hầu hết công nhân đều tăng ca làm việc để kiếm thêm thu nhập. Tuy là đã tăng ca đều trong cả tháng nhưng số tiền lương ít ỏi mà họ nhận được có khi còn thiếu cho việc trang trải chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày của mình, và hiếm có người có thể dư dả để gửi về cho gia đình được ít nhiều.

Em Lê Quốc Tuấn (21 tuổi, tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền) học hết cấp 3, thi đại học không đậu em đã làm hồ sơ xin vào làm tại công ty Gạch men Tuynen Hương Thủy (thuộc KCN Phú Bài) được hơn một năm nay. Nhưng số lương hàng tháng mà Tuấn nhận được chỉ từ 3 triệu đến 3,1 triệu/tháng tính cả tiền tăng ca ban đêm. Mỗi tháng gần 500.000 đồng tiền phòng trọ; mỗi ngày ăn cơm bụi vì đi làm cả ngày mỗi bữa ăn 15.000/suất/người, nhưng đang tuổi thanh niên nên ăn cơm mỗi bữa cũng hết 20.000/ suất, cả ngày cũng đến trên dưới 50.000 đồng tiền ăn rồi, vậy mà nhiều bữa không dám ăn no. Tiền điện thoại, chi tiêu lặt vặt…mỗi ngày cũng đã phải chi ra đến gần 80.000 đồng.

Tuấn cho biết: "Một năm trước khi mới vào làm ở đây tiền cơm mỗi suất chỉ có 10.000 đồng  nhưng đến đầu năm nay giá cơm bụi cũng đã tăng lên 15 - 20.000 đồng rồi. Cái chi cũng tăng mà tiền lương của em tăng chưa đến 100.000 trong vòng một năm qua". Một năm đi làm công nhân Tuấn chưa mua sắm hay tiết kiệm được gì mang về. Để tiết kiệm tiền ở trọ em đã phải ở cùng với hai người bạn cùng quê trong căn phòng chật chội.

Giá thực phẩm từng ngày leo thang, khiến cuộc sống của công nhân gặp nhiều khó khăn.

Đối với gia đình chị Lê Thị Na (28 tuổi, quê ở Hương Khê, Hà Tĩnh) thì mọi chi tiêu lại càng phải thắt chặt hơn để có tiền mua sữa cho đứa con trai 16 tháng tuổi. Chị Na tốt nghiệp CĐ Phương Đông, Đà Nẵng nhưng chưa tìm được việc làm nên đã phải xin vào làm công nhân để kiếm tiền chi tiêu cho gia đình. Số tiền ít ỏi 2.300.000 đồng cũng chỉ đủ để mua sữa và thức ăn cho cả gia đình.

"Hai vợ chồng phải gửi con về cho bà ngoại chăm sóc để có thời gian đi làm, vì gửi con cho nhà trẻ cũng cần có kinh phí mà ban đêm đi tăng ca không ai trông cháu cho…". Chồng chị cũng theo công ty xây dựng đường bôn ba khắp nơi kiếm sống. Cuộc sống hằng ngày bộn bề khó khăn nhưng vẫn phải tiết kiệm từng ngàn lẻ một để có tiền mua thêm sữa cho con. 

Tiền điện cũng được các chủ nhà trọ lấy giá cao gấp đôi, gấp 3  giá mà Nhà nước bán. "Hiện một bình ga mini được bán với giá 9000 đồng/bình cho hai ngày nấu có khi còn không đủ. Trước đây một năm, một ký thịt heo (lợn) chỉ khoảng 50 - 60.000 đồng, nhưng đến nay một ký thịt heo lên đến 100 - 120.000 đồng". Điều này khiến nhiều bạn trẻ và gia đình không biết đến mùi thịt cho bữa ăn hàng ngày đòi hỏi cần nhiều đạm vì công việc vất vả. Tiền phòng trọ mỗi năm được chủ trọ điều chỉnh đến mấy lần làm cho nhiều công nhân phải ở chung, khiến cho tình trạng lộn xộn mất trật tự, mất cắp đồ xảy ra. Cũng nhiều công nhân đã bỏ việc để đi làm việc khác.

Hiện đang là mùa cưới, hơn 5 cái đám cưới chị Na tính cũng hết hơn một nửa số tiền lương của mình tháng nay. Như vậy là sau mùa cưới thì số tiền chi tiêu lại phải vay mượn bạn bè để bù đắp vào chi tiền tiêu hàng ngày. Mọi thứ đều đua nhau tăng lên chóng mặt, duy chỉ có lương của công nhân "giậm chân tại chỗ" làm công nhân thêm khó khăn trong chi tiêu

Ngô Hiền
.
.
.