Công nhân phải ngừng việc do COVID-19 cần được hỗ trợ kịp thời

Thứ Hai, 24/05/2021, 06:30
Những ngày qua, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đang tấn công trực tiếp vào các khu công nghiệp gây ra những ảnh hưởng rất lớn cho xã hội. Không ít doanh nghiệp phải dừng hoạt động, hàng chục vạn công nhân ảnh hưởng đến việc làm, khiến cuộc sống gặp không ít khó khăn. Hiện 1/3 số ca mắc của làn sóng dịch thứ 4 là công nhân lao động.


Chưa bao giờ đội ngũ công nhân, người lao động lại đối mặt với nhiều nguy cơ như hiện nay. Xung quanh câu chuyện đại dịch COVID-19 đang “hoành hành” ở các khu công nghiệp, PV đã có cuộc trao đổi với ông Ngọ Duy Hiểu, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc phòng, chống dịch và bảo vệ an toàn cho công nhân, người lao động.

PV: Đã trực tiếp đến các vùng dịch để nắm tình hình đời sống của công nhân, đặc biệt là tâm dịch như Bắc Giang, ông có thể nói cụ thể về làn sóng dịch lần thứ 4 này đã ảnh hưởng đến đội ngũ công nhân, người lao động như thế nào?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Khác với 3 đợt dịch trước đó, đợt dịch thứ 4 đã tấn công trực tiếp vào các khu công nghiệp và một bộ phận công nhân. Số công nhân bị nhiễm Sars-CoV-2 chiếm tỷ lệ gần 1/3 trong tổng số người bị nhiễm.

Ông Ngọ Duy Hiểu.

Vì vậy mà tác động, ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đối với việc làm, đời sống công nhân lao động là trực diện và có mặt gay gắt hơn. Trước hết, đó là những ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, tinh thần, đặc biệt là đối tượng F0 đang phải điều trị bệnh, trong khi thể trạng, sức đề kháng của một bộ phận công nhân không tốt.

Dịch trực tiếp tác động vào các khu công nghiệp làm cho anh chị em công nhân hoang mang, lo lắng, cuộc sống bị đảo lộn; một số công nhân thuê nhà trọ ở các khu vực bị phong tỏa không đi làm được ngoài bị giảm thu nhập, các nhu cầu sinh hoạt, ăn uống hàng ngày bị hạn chế, có người gặp khó khăn, thiếu thốn, cần sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Đặc biệt, việc làm, thu nhập của các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp như F0, F1, F2, người trọ hoặc làm việc ở khu vực bị phong tỏa khó khăn hơn bao giờ hết. Hàng chục vạn công nhân tạm ngừng việc do doanh nghiệp không thể hoạt động. Không chỉ vậy, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 này đang tác động rất lớn đến sản xuất, đời sống của cả nước, có nguy cơ tác động đến việc làm, thu nhập, đời sống của hàng chục triệu công nhân lao động.

PV: Ở góc độ là đơn vị đại diện và bảo vệ quyền lợi cho hàng chục triệu công nhân, người lao động, trong bối cảnh này Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những chăm lo, hỗ trợ cho người lao động như thế nào thưa ông?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, bên cạnh việc chỉ đạo phòng, chống dịch có hiệu quả, giảm thiểu lây lan, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nắm tình hình cơ sở, khảo sát thực tế, kịp thời quyết định nhiều chủ trương, chính sách phù hợp hỗ trợ công nhân lao động.

Chúng tôi đã kịp thời thăm hỏi, động viên các CBCS tuyến đầu chống dịch; thăm và động viên, tặng quà công nhân các địa phương có nhiều công nhân bị nhiễm Sars-CoV-2; quyết định chi hỗ trợ khẩn cấp cho các đối tượng bị ảnh hưởng như: F0 với mức tối đa 3 triệu đồng; F1 bị cách ly theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tối đa 1,5 triệu đồng; các đối tượng khác, công nhân đang ở khu vực bị phong tỏa… mức tối đa 500 ngàn đồng.

Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các cấp công đoàn bám sát địa bàn, mua, vận chuyển kịp thời các nhu yếu phẩm cho công nhân ở vùng bị phong tỏa; xã hội hóa, kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội hỗ trợ công nhân.

Tại các doanh nghiệp, chúng tôi yêu cầu công đoàn cơ sở tích cực thương lượng với người sử dụng lao động để đảm bảo an toàn trong sản xuất, có phương án sử dụng nhân sự hợp lý vừa đảm bảo an toàn, vừa duy trì việc làm cho người lao động; đồng thời thực hiện đúng và tốt hơn các quy định về lương, thưởng trong bối cảnh COVID-19. Đến nay, các cấp công đoàn cả nước đã chi và xã hội hóa được hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ kịp thời cho công nhân lao động với phương châm “không để công nhân nào bị thiếu đói vì COVID-19”.

PV: Đã có thông tin rằng, một số doanh nghiệp lợi dụng vào dịch bệnh này để đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động. Phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những hành động cụ thể như thế nào để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thưa ông?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Qua cả 4 đợt dịch, lần nào cũng có tình trạng doanh nghiệp lợi dụng tình hình để đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động. Chúng tôi đều nắm được và chỉ đạo các cấp công đoàn vào cuộc đối thoại, thương lượng, yêu cầu người sử dụng lao động chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Nhiều chủ doanh nghiệp đã phải tiếp nhận lại người lao động.

Ngoài sự tham gia của tổ chức công đoàn, chúng tôi mong muốn chủ doanh nghiệp phải thể hiện trách nhiệm xã hội cao hơn, nhiều hơn, không nên sa thải người lao động trong hoàn cảnh khốn khó khi doanh nghiệp còn có thể sử dụng họ (hầu hết là sa thải người lao động lớn tuổi). Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm.

PV: Sự “tàn phá” của dịch bệnh trong công nhân, đặt ra vấn đề môi trường làm việc của nhiều doanh nghiệp và ý thức, trách nhiệm của nhiều chủ doanh nghiệp trong phòng, chống dịch. Trong khi đó, một số địa phương chưa có các kịch bản cụ thể để phòng, chống dịch trong công nhân. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát vào đầu năm 2020, chúng ta đã dự liệu dịch bệnh có thể tấn công các khu công nghiệp và công nhân nếu chúng ta không có các giải pháp mạnh ở khu vực này. Điều này sẽ gây nên những hậu quả rất lớn do công nhân làm việc tập trung, đi cùng phương tiện, thuê nhà trọ gần nhau… Đợt dịch thứ 4 này cho thấy sức lây lan của dịch trong công nhân là rất nhanh, mạnh.

Qua theo dõi tình hình dịch bệnh trong công nhân ở các doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy vẫn còn một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp có môi trường làm việc chưa tốt, nguy cơ lây nhiễm cao, các biện pháp phòng, chống dịch chưa chặt chẽ, khoa học. Một bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp còn lơ là, mất cảnh giác; một số anh chị em công nhân còn đơn giản, coi thường dịch. Có những địa phương chưa dự liệu tình huống dịch xảy ra trong công nhân và các khu công nghiệp, các kịch bản chưa được xây dựng cụ thể, chi tiết để đối phó khi dịch xảy ra. Tôi hy vọng rằng, các tỉnh, thành phố có đông công nhân, dù chưa có ca nhiễm Sars-CoV-2 trong công nhân, nhưng cần có các kịch bản tình huống dịch xảy ra tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, nếu tình huống thực tế xảy ra, chúng ta sẽ kích hoạt kịp thời, hiệu quả.

Cần nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ cho công nhân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

PV: Ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của hàng triệu công nhân, người lao động hiện nay đã quá rõ ràng. Theo ông, chúng ta cần phải có những giải pháp căn cơ, mang tính lâu dài như thế nào để bảo vệ người lao động cả trong phòng, chống dịch và việc làm, thu nhập?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Công nhân là những người trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, là yếu tố vô cùng quan trọng để đảm bảo cho hoạt động bình thường của các doanh nghiệp, do vậy, công nhân là đối tượng rất cần được quan tâm nhiều hơn trong hoạt động phòng, chống dịch. Để tìm kiếm các giải pháp căn cơ đảm bảo an toàn cho công nhân trước đại dịch, tôi cho rằng chúng ta cần nghiên cứu và triển khai một số biện pháp cơ bản sau: Thứ nhất, thúc đẩy việc nhập khẩu vaccine, quan tâm tiêm vaccine cho công nhân các khu công nghiệp có nguy cơ bùng phát dịch và lây nhiễm cao.

Thứ hai, quan tâm xây dựng các thiết chế phục vụ công nhân, trước hết là nhà ở, hạn chế việc công nhân thuê trọ trong các khu dân cư, khi có ca bệnh từ khu dân cư thì công nhân trở thành tác nhân mang bệnh đến toàn nhà máy. Thứ ba, các doanh nghiệp tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo nhà xưởng thông thoáng, sạch đẹp, duy trì giãn cách, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Thứ tư, các địa phương tích cực chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch.

Tại mỗi doanh nghiệp cần thành lập Ban chỉ đạo, tổ an toàn phòng, chống COVID-19. Nâng cao năng lực phòng, chống dịch cho Ban Quản lý các khu công nghiệp – khu chế xuất; cho chủ doanh nghiệp thông qua tập huấn, diễn tập. Thứ năm, trong việc quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp – khu chế xuất, chúng ta cần lưu ý các giải pháp kỹ thuật để phòng ngừa lây lan dịch bệnh, an toàn trật tự…

PV: Với ảnh hưởng rất lớn đến việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động, chắc chắn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ kiến nghị với Đảng, Nhà nước về việc hỗ trợ người lao động chứ thưa ông?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Đúng vậy, chúng tôi đang xúc tiến cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các bộ liên quan để kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, ban hành chính sách mới hỗ trợ công nhân, người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Mục tiêu là các đối tượng bị ảnh hưởng phải được hỗ trợ kịp thời, với mức hỗ trợ phù hợp trên cơ sở một chính sách thông thoáng, được thảo luận kỹ, lấy ý kiến đông đảo người lao động, khắc phục những hạn chế của các chính sách trước đó.

Bên cạnh hỗ trợ người lao động, chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, vì khi doanh nghiệp vượt khó, khôi phục sản xuất thì người lao động mới có việc làm và thu nhập. Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cũng đang hết sức quan tâm vấn đề này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang vào cuộc rất tích cực, tôi tin là chúng ta sẽ có một chính sách thật tốt, khả thi hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phan Hoạt
.
.
.