Công chức, viên chức y tế được làm thêm ngoài giờ

Chủ Nhật, 01/11/2009, 15:14
Lần chỉnh sửa mới nhất, dự Luật Khám bệnh, chữa bệnh trình Quốc hội quy định mở: cho phép công chức, viên chức y tế làm ngoài giờ, thành lập các loại cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân nhưng không được thành lập, tham gia thành lập và quản lý bệnh viện tư nhân.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai giải thích: một trong các nội dung lớn của dự luật là quyền và nghĩa vụ của người bệnh (chương 2). Về quyền được cung cấp thông tin, tiếp cận với hồ sơ bệnh án, nên cân nhắc việc quy định người bệnh có quyền được cung cấp thông tin chi tiết về bệnh tật, điều trị và chi phí trong quá trình khám chữa bệnh ở phạm vi nào, trong điều kiện nào, nếu mở rộng quá thì sẽ khó khăn và dẫn đến quá tải nhiệm vụ của cán bộ y tế tại các bệnh viện. Mặt khác, trong trường hợp đối với người bị bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo mà lại cung cấp thông tin chi tiết về bệnh tật cho họ thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của họ và khả năng tử vong sớm hơn rất dễ xảy ra.

Cán bộ, công chức y tế được mở phòng khám riêng.

Với bệnh nhân nặng và trong tình trạng tâm lý không ổn định, nếu thực hiện quyền từ chối điều trị, chuyển cơ sở khác thì người bệnh cũng có thể tử vong... Vấn đề này nên quy định theo hướng là quyền của thầy thuốc được quyết định trong một số trường hợp nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng người bệnh.

Liên quan việc công nhận chất lượng đối với cơ sở khám chữa bệnh, một số ý kiến cho rằng, cần xem xét để bổ sung các quy định cụ thể về tiêu chuẩn quản lý chất lượng, quy trình công nhận chất lượng đối với cơ sở khám, chữa bệnh và các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận. Khi xảy ra sai sót chuyên môn, chỉ nên quy định mời người bệnh hoặc đại diện của người bệnh đã khiếu nại tham dự một số phiên họp của hội đồng để cung cấp thông tin có liên quan và nghe công bố kết luận. "Bởi vì, nếu để họ tham gia tất cả các phiên họp sẽ gây áp lực cho các nhà chuyên môn trong việc ra phán quyết trung thực và khoa học" - bà Mai nói.

Dự thảo luật cho phép công chức, viên chức y tế làm ngoài giờ, thành lập các loại cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân nhưng không được thành lập, tham gia thành lập và quản lý bệnh viện tư nhân. Ủy ban nhận định: Những nội dung quy định của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh tập trung vào các quy định chuyên môn kỹ thuật y tế. Để Luật Khám bệnh, chữa bệnh thực sự mang lại hiệu quả, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hạn chế một phần tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên và mục tiêu hướng đến của luật phải là chất lượng khám, chữa bệnh, cơ chế ưu tiên trong khám, chữa bệnh đối với bệnh nhân là người có công với cách mạng, người nghèo, nhân dân vùng sâu, vùng khó khăn, trẻ em, người cao tuổi, hiệp hội của người hành nghề, những vấn đề liên quan đến khám, chữa bệnh từ thiện, nhân đạo...

Đại biểu Rcom Sa Duyên (Gia Lai): Yếu tố tinh thần cũng là phương thuốc quý

Về y đức, người hành nghề trong cơ sở khám, chữa bệnh công hay cơ sở khám, chữa bệnh tư cần đề cao y đức nghề nghiệp lên hàng đầu do hành vi của người làm nghề y luôn ảnh hưởng đến sự sống và sinh mạng của con người. Vấn đề này khó kiểm soát và đánh giá được bởi nó thể hiện qua một số các hình ảnh như ánh mắt, cử chỉ hoặc thái độ, lời nói, kiến thức, kỹ năng... Với cơ chế thị trường hiện nay, vì lợi ích cá nhân nên một bộ phận những người hành nghề khám, chữa bệnh làm ảnh hưởng đến uy tín của nghề y.

Tại Điều 40 nên đề cao và nhấn mạnh hơn nghĩa vụ, trách nhiệm và lương tâm đạo đức nghề nghiệp. Trên thực tế Bộ Y tế đã xây dựng quy định về 12 điều y đức và quy tắc ứng xử với người bệnh và gia đình người bệnh. Khám, chữa bệnh ngoài phương pháp khoa học, kỹ thuật chuyên môn, phác đồ điều trị, nhưng còn phải có yếu tố tinh thần, đây là phương thuốc quý của người hành nghề khám, chữa bệnh.

Đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc): Cho phép công chức, viên chức y tế làm ngoài giờ

Tôi thống nhất với dự thảo luật quy định về việc cho phép công chức, viên chức y tế làm ngoài giờ, thành lập các loại cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân nhưng không được thành lập, tham gia thành lập và quản lý bệnh viện tư nhân. Bởi lẽ thực trạng hiện nay thì số lượng cán bộ y tế của nước ta còn thấp so với yêu cầu phải đảm bảo. Trong điều kiện và thực tiễn như vậy, quy định này nhằm góp phần giải quyết nhu cầu khám, chữa bệnh ngoài giờ hành chính của người dân ngày càng tăng, tránh cho người dân phải xin nghỉ việc mà có thể tranh thủ thời gian trưa, tối để được khám, chữa bệnh.

Đại biểu Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai): Kỹ năng kém gây hậu quả cho người bệnh, xử lý ra sao?

Trong khám, chữa bệnh, rủi ro nghề nghiệp xảy ra gây tổn hại sức khỏe người bệnh là điều không ai mong muốn và do rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân do người thầy thuốc chỉ là một. Vì vậy tôi quan tâm những quy định nhằm xác định rõ trách nhiệm của người hành nghề và của cơ sở khám, chữa bệnh, những quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người bệnh và gia đình người bệnh và cả những quy định bảo vệ người thầy thuốc hành nghề trong trường hợp xảy ra sự cố rủi ro nghề nghiệp. 

Trong thực tế có trường hợp người hành nghề không vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị, không vi phạm quy định chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, không xâm phạm quyền của người bệnh, hết sức tận tâm, tận lực với người bệnh nhưng do trình độ, khả năng không chuẩn đoán ra bệnh, không đánh giá được tình trạng bệnh tật, không tiên lượng được diễn biến của bệnh, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh. Trường hợp này chưa được quy định, tôi đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung thêm vào dự thảo luật.

P.Đăng - Đ.Tuấn
.
.
.