Con trẻ và vấn nạn xâm hại tình dục

Thứ Sáu, 17/03/2017, 23:11
Theo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB-XH), mỗi năm tại Việt Nam có hơn 2.000 vụ xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em, trong đó trẻ bị xâm hại chiếm đến 70%. Trong đó, trẻ bị xâm hại tình dục chiếm gần 70%. Trung bình một giờ, trên lãnh thổ Việt Nam có một trẻ bị xâm hại và bị bạo hành...

Tại buổi tọa đàm “Chống xâm hại tình dục trẻ em” do báo Tiền Phong phối hợp với Trường Đại học Văn Hiến tổ chức có sự tham gia của nhiều chuyên gia của nhiều ban ngành đã đưa ra nhiều ý kiến và việc nhận diện các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em và nêu ra cách để dạy trẻ nhận thức được hành vi bị xâm hại. 

Ông Đặng Hoa Nam– Cục trưởng cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho hay, số liệu 2.000 trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành chỉ là con số phát hiện được, được lập biên bản xử lý. Còn thực tế con số trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành lớn hơn rất nhiều. Chỉ trong những ngày đầu năm 2017, các vụ xâm hại lớn đã diễn ra tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu. Có những vụ xâm hại tình dục trẻ em quá nghiêm trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phải chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ.

Quang cảnh buổi tọa đàm

PGS-TS Trần Thị Kim Xuyến - Phó Khoa KHXH và NV, chuyên ngành Xã hội học - Tâm lý học, Trường ĐH Văn Hiến, cho hay, xâm hại tình dục trẻ em đã xảy ra từ rất lâu nhưng thời gian gần đây các vụ xâm hại được dư luận quan tâm là do điều kiện thông tin tuyền trên lan nhanh. 

Những vụ xâm hại tình dục không chỉ xảy ra ở ngoài gia đình mà ngay bên trong gia đình, nơi được cho là môi trường an toàn cho các em cũng bị xâm hại. Chiếm tỷ lệ cao trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em là các đối tượng thuộc diện người thân, người quen thường xuyên tiếp xúc với các em. Những di chứng về mặt tinh thần sau các vụ xâm hại khiến các em mất đi niềm tin, bị lệch lạc về tinh thần. 

Vấn đền xâm hại tình dục đang được rất nhiều ban ngành quan tâm

“Trẻ bị xâm hại thông báo cho người thân nhưng ít khi được người thân quan tâm khiến trẻ em bị đơn độc và giữ kín vụ việc trong khoảng thời gian dài, có khi là cả cuộc đời. Phụ huynh cần bàn thảo với nhau và nói với con cái về vấn đề xâm hại tình dục, phải tạo sự an toàn cho các em, hướng dẫn các em nhận diện đối tượng, mô tả thủ phạm” - PGS-TS Trần Thị Kim Xuyến nhấn mạnh. 

Về khía cạnh xã hội, PGS-TS Trần Thị Kim Xuyến nhận xét, xâm hại tình dục trẻ em ngày một gia tăng một phần do việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, còn cứng nhắc trong giải quyết, trong khi đó các tổ chức xã hội, nhà trường chưa trang bị đầy đủ kỹ năng sống, kiến thức về giới tính, tình dục cho các em.

Nhiêu ý kiến về vấn đề XHTD được các chuyên gia thảo luận

TS Xã hội học Phạm Thị Thuý - Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, việc xâm hại trẻ em để lại hậu quả ghê gớm đối với nân nhân nhưng chưa phụ huynh nào nghĩ đến việc phải điều trị, hỗ trợ tâm lý cho các em. Nhiều phụ hunh cứ bắt trẻ nhớ và kể lại câu chuyện bị xâm hại. 

Với việc làm như vậy, vô tình phụ huynh đã gieo tâm lý lo lắng cho trẻ. Trẻ sẽ nhìn nhận mọi việc theo thái độ bất an, nhìn đâu cũng không thấy an toàn. “Có nhiều vụ xâm hại khiến trẻ nghĩ quẫn và tìm đến cái chết, vì sao như vậy? Đó chính là do người thân, cơ quan báo chí, các đơn vị điều tra hỏi đi hỏi lại vụ việc bị xâm hại quá nhiều, trong khi kẻ xâm hại vẫn còn trong bóng tối khiến trẻ mất niềm tin và nghĩ quẫn.” - TS Thúy nhận định.

 Theo Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang - Chuyên ngành Nhi khoa phát triển hành vi, Khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, trẻ bị xâm hại người lớn lại tỏ ra căng thẳng thì rất khó xử lý. Cái cần làm ở đây là phải dạy bé cách biết yêu thương cơ thể mình, phụ huynh không quá bao bọc khiến bé không tự mình tự vệ được trước ý đồ của kẻ xấu. Cần cho bé hiểu cơ thể của bé là của bé, người khác không được đụng vào, nhất là những khu vực nhạy cảm.

Các chuyên viên nêu lên những giải pháp phòng ngừa và xử lý XHTD ở trẻ em

Một vấn đề được đặt ra trong buổi tọa đàm đó là việc trẻ bị XH còn quá nhỏ, lấy lời khai khó. Làm sao để trẻ tin tưởng và chịu kể với người lớn. Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, phụ huynh cần bình tĩnh, trấn an trẻ vượt qua cú sốc rồi từ từ nghe con tâm sự. Để thu thập được thông tin hãy nhẹ nhàng ghi âm lại lời con kể, chụp hình cơ thể, lưu lại các vật chứng (quần áo) và hãy đưa bé đến yêu cầu cơ quan chức năng trưng cầu pháp y rồi đưa trẻ đi khám. 

Về việc làm thế nào bảo vệ trẻ không bị xâm hại khi đang ở trường, lớp học, ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 chia sẻ: “Tại trường học cần tổ chức nhiều hoạt động, nhiều sân chơi bổ ích, trí tuệ cho học sinh và giáo dục sinh lý giới tính cho các em. Tuổi nào thì cũng có thể bị xâm hại, học sinh luôn luôn cần được bảo vệ. Nhà trường cần mời các chuyên gia tâm lý đến chia sẻ, nói chuyện với học sinh. 

Thượng tá Phạm Văn Phòng nêu ý kiến trong buổi tọa đàm

Thượng tá Phạm Văn Phòng - Phó Trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự- Bộ Công an cho biết Thông tư 06 đã nêu rõ, thời hạn 30 ngày giải quyết đơn bình thường nhưng với vụ phức tạp thì cần thời gian điều tra 2 tháng. Những vụ án được chuyển lên đội trọng án thì chắc chắn vụ việc rất phức tạp nên cần thời gian dài hơn. Về vấn đề xâm hại tình dục rất rộng và nan giải. Cơ quan điều tra phải tập trung về vật chất, như tinh dịch, lông, tóc… Nếu thời gian quá dài, chứng cứ vật chất không còn sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra. Có những bất cập trong luật đang được Cơ quan tiến hành tố tụng kiến nghị sửa đổi để phù hợp.

M.Đ
.
.
.