Còn những nguồn tài liệu quý hiếm về Hà Nội cổ

Thứ Năm, 23/12/2004, 07:52

UBND thành phố Hà Nội vừa ra quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn khoa học xây dựng bộ sưu tập Di sản thư tịch Thăng Long - Hà Nội phục vụ chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, uỷ viên Hội đồng, có rất nhiều tài liệu quý về Hà Nội cổ vẫn được lưu giữ tại các bảo tàng, trong nhân dân.

Phóng viên báo CAND đã có cuộc trao đổi với Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc về nhiệm vụ của Hội đồng Tư vấn khoa học.

- Thưa ông, ông cho biết nhiệm vụ của Hội đồng Tư vấn?

- Hội đồng Tư vấn có 4 nhiệm vụ chính: Thứ nhất là tư vấn cho Ban chỉ đạo nghiên cứu xây dựng, tổ chức thực hiện đề án, dự án liên quan đến thu thập, biên tập, biên soạn các thể loại sách phục vụ chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thứ hai là nghiệm thu đánh giá nội dung, chất lượng giá trị của các đầu sách, tài liệu, thư tịch đệ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thứ ba là tư vấn về giá và đề xuất các ấn phẩm cần phải thu thập hoặc mua lại trong nhân dân và các tổ chức khác. Cuối cùng là Hội đồng Tư vấn có thể mời thêm chuyên gia thuộc các lĩnh vực có liên quan để phục vụ cho công tác thẩm định thu thập và xuất bản những ấn phẩm cần thiết.

- Hiện nay, Hội đồng đã thu thập được những tài liệu gì?

- Chúng tôi đã tư vấn cho Thư viện Hà Nội thành lập Phòng Địa chí và từ lâu đã sưu tập được những sách, những bản đồ từ nhiều nguồn liên quan đến Hà Nội. Ví dụ như tất cả các loại sách liên quan đến Thăng Long- Hà Nội cổ bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ, và một số bản đồ cũ. Những nguồn tư liệu này đã phục vụ rất đắc lực cho việc nghiên cứu về Hà Nội, thu hút không chỉ giới nghiên cứu trong nước mà cả các nghiên cứu sinh của nước ngoài đến tham gia nghiên cứu.

Chúng tôi hiện có khoảng vài ngàn đầu sách liên quan đến Thăng Long - Hà Nội ở Phòng Địa chí, song như thế vẫn còn quá nhỏ, quá ít ỏi so với bề dày 1.000 năm văn hiến. Chúng tôi còn phải sưu tập thêm bằng nhiều cách, vận động nhân dân đi mua lại những tài liệu thư tịch cổ về Hà Nội trong nhân dân.

- Thưa ông, nguồn tài liệu quý nhất hiện nay đang nằm ở đâu? Có cách nào để chúng ta sưu tầm được?

- Theo tôi, các nguồn tư liệu quý nhất hiện nay vẫn đang nằm ở Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội, Thư viện thành phố Hồ Chí Minh và các nguồn tư liệu chúng ta đang có ở Viện Hán Nôm, Viện Sử học v.v... Ngoài ra còn một địa chỉ nữa đó là các tủ sách tư nhân ở trong nhân dân. Có những gia đình, dòng họ có những thư viện gia đình lớn, nhất là những dòng họ có đời ông cha làm quan lại trong triều đình. Đáng lẽ vào thời điểm này tôi đang có mặt ở Thanh Hóa để xem và giám định tủ sách của một dòng họ ở Hậu Lộc. Nghe báo cáo, tủ sách dòng họ này có rất nhiều sách Hán Nôm và nhiều tư liệu liên quan đến Thăng Long, Hà Nội cổ.

Còn cách nào để sưu tầm được nguồn tài liệu quý nói trên có lẽ phải đi nhiều đọc nhiều. Nhất là phải đi vào nhân dân, tìm kiếm tỉ mẩn trong nhân dân, đặc biệt là nguồn tư liệu ảnh hiện nay chủ yếu nằm trong các album gia đình. Về lâu về dài, chúng ta phải liên hệ với các tủ sách ở nước ngoài có liên quan đến Việt Nam trong quá khứ như: Nhật, Pháp, Trung Quốc v.v...

- Theo ông, trong những tài liệu vừa sưu tầm được, tài liệu nào có giá trị nhất?

- Đó là các bộ sách trực diện về địa lý Hà Nội. Ví dụ: Cuốn Hà Nội địa dư viết bằng chữ Hán của tác giả Dương Bá Cung, một Đốc học thời Tự Đức. Cuốn Hà Nội Sơn Xuyên Phong Vực cũng viết bằng chữ Hán của tác giả khuyết danh. Phần thi tập: Long Biên cảnh nhị vinh (Vịnh 102 cảnh của Long Biên, Hà Nội) của cụ Bùi Cơ Túc. Cuốn Thăng Long Thập Tứ Thủ của Vũ Tông Phan. Phần lớn các cuốn thơ vịnh cổ nói về phong cảnh Thăng Long đều có phần chú giải, tiểu dẫn rất quý giá, bổ ích cho việc nghiên cứu lịch sử, địa danh Hà Nội. Ngoài ra, các tập bài thi Hương, thi Hội của các cụ xưa cũng là nguồn tài liệu quý, qua đó chúng ta tìm hiểu được tư tưởng của các ông Nghè, ông Tú ở thời đó.

Chúng tôi cũng vừa thu thập được một tư liệu vô cùng quý giá, đấy là tấm bản đồ Babonneau vẽ năm 1885 cho thấy tất cả phố và làng cũ Hà Nội xưa được vẽ rất rành rọt

- Xin cảm ơn ông

Hương Giang
.
.
.