Còn nhiều cơ sở lạm dụng lao động trẻ em
Bỏ học từ năm lớp 2, mới 13 tuổi, Nguyễn Thị Hằng đã trở thành một lao động chính của gia đình. Cha người Bắc, mẹ người Nam, đã từng có tiếng trong giới giang hồ Đắk Lắk. Người cha bị bắt đi cải tạo, hoàn lương trở về, cả gia đình chọn TP HCM như một chốn dung thân an toàn, tránh xa các mối quan hệ cũ. Hàng ngày, cha đi bốc vác, Hằng theo mẹ nhặt ve chai, ai thuê gì làm nấy.
Mấy năm gần đây, khi nhiều doanh nghiệp phát hiện nguồn lao động giá rẻ vô tận tại các xóm lao động nghèo, các sản phẩm cần lao động thủ công: thêu trang trí quai quốc, dép, may đồ gia công được đưa về tận xóm, Hằng nghiễm nhiên trở thành một lao động chính trong gia đình. Toàn bộ nguyên liệu: quai guốc, kim, chỉ, hạt nhựa do chủ cung cấp.
Công việc mỗi ngày của Hằng là ngồi kết theo đúng nguyên mẫu đưa xuống. Hằng kể rằng, mới nhìn qua thì có vẻ nhẹ nhàng nhưng ngồi kết từ 7 giờ sáng, trưa nghỉ 1 tiếng rồi làm đến 9, 10 giờ đêm thì mỏi lưng không chịu được. Tuy nhiên, so với nhiều đứa trẻ ngoại tỉnh khác, Hằng may mắn hơn vì chỉ làm với mẹ, mỏi quá thì nghỉ nhưng vẫn phải đảm bảo số lượng sản phẩm đạt 10.000 đến 15.000 đồng/ngày. Chịu áp lực nhiều nhất là những đứa trẻ bị ở chung với chủ, được cha mẹ gửi lên theo diện người quen, nhận lương trọn gói từ 4 triệu đến 8 triệu/năm/người, tùy theo tính chất công việc: cắt chỉ, may, thêu…
Mang tiếng là ở cơ sở sản xuất nhưng thực tế chỉ là ngôi nhà thuê tạm bợ, con gái tập trung ngủ ở gác trên, con trai ngủ ở phía dưới. Mọi giờ giấc sinh hoạt, ngủ nghỉ đều bị kiểm soát rất chặt. Thời điểm hút hàng, chúng phải làm từ sáng đến tận khuya.
Thất học, mù chữ, không có điều kiện phát triển đầy đủ cả về thể thất lẫn tinh thần, dễ bị lạm dụng… Có cả ngàn lẻ những hệ lụy cho những đứa trẻ phải lao động sớm. Hành lang pháp lý để xử phạt các cơ sở vi phạm sử dụng lao động trẻ em, các bậc phụ huynh, những người có trách nhiệm giám sát các em đã từng bước dần được hoàn thiện nhưng để vận dụng xử phạt và xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm này trong thực tế thì ngay cán bộ cơ sở cũng còn nhiều lúng túng.
Theo kết quả thanh, kiểm tra mới đây của Sở lao động, Thương binh và xã hội TP HCM, có 69,4% số cơ sở bị kiểm tra không có giấy phép kinh doanh, 85,5% số cơ sở này không đăng ký lao động, 96,8% không có sổ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả theo khai báo của chủ cơ sở.
Thực tế, có cả ngàn lẻ một phương thức để các chủ cơ sở "lách luật": Không khai báo tạm trú tạm vắng, khai báo ít hơn nhiều lần con số thực, khai khống tuổi hoặc nhận dưới dạng nuôi con cháu để phụ giúp công việc trong nhà… Đó là chưa kể phần lớn các chủ cơ sở lẫn đối tượng lao động trẻ em đều là người ngoại tỉnh, đến địa bàn thuê nhà tạm thời. Có khi văn bản phạt hành chính đưa đến nơi thì tất cả đã di chuyển đi nơi khác. Nhiều cơ sở chấp nhận phạt vì thực tế, so với mức lợi nhuận thu về thì tiền phạt chưa đáng bao nhiêu…
Thậm chí, một cán bộ Phòng Lao động thương binh xã hội quận 10 còn kể với chúng tôi câu chuyện dở khóc dở cười rằng khi kiểm tra, có chủ cơ sở còn trưng ra cả giấy cảm ơn của chính quyền một xã ở tỉnh Thanh Hóa vì ông đã tạo điều kiện cho con em của xã có việc làm, có thu nhập để thoát nghèo.
Khi có dịp về thực tế tại xã theo một dự án trẻ lang thang, anh mới té ngửa, với rất nhiều gia đình ở đây, con số vài triệu đồng tiền công mỗi năm của con em từ thành phố gửi về là khoản tiền rất lớn, phải cậy nhờ quen biết mới có được suất lao động ấy. Thế nên, làm thế nào để hạn chế tình trạng vi phạm sử dụng lao động trẻ em, lạm dụng việc trẻ em lao động hiện nay vẫn là câu hỏi không dễ giải quyết với các địa phương tại các thành phố lớn.
Trao đổi về vấn đề này, hầu hết các cán bộ công tác trong ngành đều cho rằng giải pháp tích cực nhất hiện nay vẫn chủ yếu là tuyên truyền cho chính các chủ cơ sở sử dụng lao động và sự tích cực tạo điều kiện, giúp đỡ các em được đến với các lớp học văn hóa bổ túc ban đêm, các sinh hoạt vui chơi giải trí dịp lễ, Tết và thành lập, cung cấp những địa chỉ tin cậy cho các em tìm đến cầu cứu kịp thời trong trường hợp bị lạm dụng qua mức…