Con nghỉ hè, bố mẹ “chạy sô”

Thứ Tư, 06/06/2012, 11:13
Chạy đôn chạy đáo gửi con. Chạy “sô” đưa đón con tại các lớp học hè là tình cảnh của nhiều phụ huynh khi ở tất cả các bậc học nghỉ hè. Nhiều trung tâm, câu lạc bộ ở Hà Nội đã chật kín và trở nên quá tải, nhưng lượng phụ huynh đến đăng ký, tìm kiếm suất học cho con vẫn không ngừng tăng.

Tuy nhiên ngoài những địa chỉ tin cậy, khẳng định uy tín trong nhiều năm, thì chất lượng của nhiều chương trình du học hè ở nước ngoài, khóa học kỹ năng sống, các lớp năng khiếu nghệ thuật, ngoại ngữ… được mở ra ào ạt trong dịp hè vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Quá tải các điểm học hè

Xòe 5 phiếu thu và lịch học hè 5 môn học của 2 cô con gái, chị Lê Trang, ở Phương Mai, Hà Nội than thở: “Con được nghỉ hè, mẹ chạy hết hơi”. Lịch học của cô con gái 5 tuổi của chị Trang là tuần 2 buổi tối thứ hai và thứ năm học múa ở CLB Họa Mi; sáng thứ tư và thứ bảy học kể chuyện tại Cung Thiếu nhi. Còn cô con gái lớn 10 tuổi thì tối thứ sáu và thứ bảy học Dance Sport ở CLB Chí Anh; sáng thứ tư và thứ bảy học hát; tối thứ ba và thứ năm học Karate ở Cung Thiếu nhi. Như vậy là lịch học được xếp kín đặc các ngày trong tuần, chỉ cần chạy xe đưa con đi học, canh thời gian đón con về đã khiến bà mẹ này vã mồ hôi trong khi vẫn phải đảm bảo công việc cơ quan. Những bà mẹ như chị Trang không phải là hiếm khi chứng kiến cảnh các bậc phụ huynh chen nhau đăng ký suất học hè cho con tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Trao đổi với PV Báo CAND, bà Dương Việt Hà, Phó Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, đã có trên 10.000 lượt học sinh đăng ký học hè ở cả 64 bộ môn tại Cung. Cho dù tất cả các lớp học đều đã quá tải, số lượng học sinh/lớp đông hơn dịp trong năm, nhưng trước nhu cầu lớn, các lớp đều phải nới rộng nhận thêm học sinh. Theo thống kê của Cung Thiếu nhi Hà Nội, thì xu hướng những năm gần đây, các bậc phụ huynh thường lựa chọn các môn học hè về văn hóa, nghệ thuật, kỹ năng giao tiếp, ứng xử xã hội, kỹ năng sống, ngoại ngữ… nên các lớp học này thường phải đăng ký từ rất sớm thì mới có chỗ học.

Trong dịp hè này, Cung Thiếu nhi cũng phải sử dụng tới trên 300 cộng tác viên là giáo viên, huấn luyện viên của các trường văn hóa, nghệ thuật…, tăng khoảng 100 người để có thể bố trí hết công suất 5 ca học/ngày từ 7h30 đến 21h. Bà Hà cho biết, hiện tại Cung vẫn tiếp tục nhận đăng ký các môn học cho phụ huynh và học sinh có nhu cầu, nhưng cũng khó đảm bảo là phụ huynh sẽ lựa chọn được giờ học và môn học theo mong muốn.

 Các lớp học hè tại Cung Thiếu nhi đều chật kín.

Còn tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển thanh niên Hà Nội, nơi đang nổi lên với chương trình Học kỳ Quân đội, bà Huỳnh Thị Hà, Trưởng phòng Phát triển dự án cũng cho biết, dịp hè năm nay, trung tâm tổ chức 2 khóa với chủ đề “Trải nghiệm làm chiến sĩ”. Toàn bộ các em học sinh từ 11 đến 17 tuổi muốn tham gia chương trình phải được sơ tuyển từ tháng 4. Mỗi khóa học chỉ nhận 100 em, học phí cũng khá cao 3.450.000 đồng nhưng khóa nào cũng có trên 150 em đăng ký.

Dù mỗi khóa học chỉ diễn ra trong 7 ngày, nhưng chương trình được thiết kế linh hoạt với 40% kiến thức quân đội;  40% kỹ năng thực hành xã hội và 20% kỹ năng làm việc nhóm, khiến các bậc phụ huynh ở thành phố rất kỳ vọng vào sự trưởng thành của con sau khóa học thực nghiệm này. Trong khi đó, các khóa học hè ở nước ngoài như New Zealand, Mỹ… với học phí “khủng” cũng được nhiều bậc phụ huynh khá giả đầu tư.

Kiểm định chất lượng còn bỏ ngỏ

Đấy là băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh khi đăng ký cho con tham gia các lớp kỹ năng sống, khi mà thời gian gần đây nhiều công ty đã đua nhau mở, tiếp thị tới tận trường, tận nhà. Đặc biệt là sự nở rộ của các khóa Học kỳ Quân đội. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển TN Hà Nội cho biết, hiện có rất nhiều đơn vị đang quảng bá những chương trình Học kỳ Quân đội với cách thức làm riêng. Để phân biệt với các chương trình này, Thành đoàn Hà Nội đã xây dựng logo biểu trưng cho chương trình, đăng ký bản quyền để phân biệt với tất cả những chương trình Học kỳ Quân đội do các tổ chức khác thực hiện.

Trước thực trạng này, mới đây nhất Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã có văn bản dừng chương trình Học kỳ Quân đội của các công ty, đơn vị không trực thuộc hệ thống Trung ương Đoàn do chưa có sự thống nhất về nội dung của chương trình (theo thống kê có đến trên 60 công ty, đơn vị đang thực hiện mở Học kỳ Quân đội). Bắt đầu từ năm 2012, Tổng cục Chính trị và TW Đoàn sẽ thống nhất nội dung của chương trình, ký văn bản liên tịch giữa hai cơ quan làm cơ sở triển khai mô hình giáo dục này trên phạm vi toàn quốc.

Không chỉ Học kỳ Quân đội mà các lớp rèn luyện kỹ năng sống tự lập cũng được nhiều công ty khai thác tối đa với đủ loại như lên rừng, xuống biển, về nông thôn làm nông dân, tu hành nơi cửa phật… Học phí cũng rất đa dạng từ bình dân 1-2 triệu đồng/khóa đến mức “khủng” từ 4 đến 7 triệu đồng/khóa, thậm chí đến vài nghìn đến chục nghìn USD cho một khóa học hè ở nước ngoài.

Nhưng điều đáng bàn là tất cả các chương trình này đều chưa có một bộ, ngành, tổ chức nào đứng ra kiểm định chất lượng. Chỉ có bản thân các em học sinh và phụ huynh sau khi trải nghiệm mới có câu trả lời. Và thực tế là không phải đứa trẻ nào cũng trưởng thành lên sau khóa học thường chỉ kéo dài từ 7 đến 10 ngày.

Theo nhiều chuyên gia về giáo dục thì sự trưởng thành, thay đổi hành vi phải trải qua một quá trình giáo dục hoàn thiện liên tục, với nhiều yếu tố liên quan đến môi trường giáo dục, gia đình, nhà trường và xã hội. Cùng quan điểm này, các chuyên gia, huấn luyện viên đang tham gia giảng dạy kỹ năng sống tại các trung tâm cũng cho rằng khi đến trung tâm các em được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng sống, ứng xử bài bản nhưng khi về nhà cha mẹ không thay đổi, vẫn theo nếp chiều con thái quá thì khó đạt được kết quả.

Từ thực tế và nhu cầu chính đáng của các gia đình có con em trong độ tuổi đến trường vào mỗi dịp hè, thiết nghĩ Bộ GD&ĐT cùng nhiều Bộ, ngành, đoàn thể liên quan đến việc chăm lo phát triển thế hệ tương lai cần có những chương trình chuẩn và có sự giám sát kiểm định các chương trình học hè, để mỗi kỳ nghỉ hè không còn là gánh nặng của mỗi gia đình

Thu Uyên
.
.
.