Con đường trăm tỷ "treo" vì chậm giải phóng mặt bằng

Thứ Ba, 24/08/2010, 16:00
Năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An quyết định đầu tư 117 tỷ đồng xây dựng đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh vào trung tâm xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Con đường tiền tỷ này dự kiến hoàn thành trong vòng 30 tháng, song đến nay vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Đường làm dang dở nên chỉ sau một trận mưa, người dân muốn ra trung tâm xã, huyện phải đi bằng xe trâu.

Chuyện không đáng có

Dự án xây dựng đường vào trung tâm xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 5430/QĐUB ngày 31/12/2007 và được khởi công vào ngày 6/6/2009, với tổng mức đầu tư 117,6 tỷ đồng. Theo dự kiến con đường dài 18km chạy qua 2 xã Nghĩa Hành và Phú Sơn này sẽ được khánh thành sau 30 tháng khởi công.

Việc đầu tư xây dựng con đường này là chủ trương đúng đắn, nhân văn của tỉnh Nghệ An nhằm thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tốt đẹp cho người dân vùng núi nghèo nơi đây. Có lẽ vì ước mơ ngàn đời muốn có một con đường, nên khi Ban giải phóng mặt bằng huyện Tân Kỳ (Ban GPMB) tiến hành đo đạc, đền bù giải tỏa hàng trăm hộ dân sống hai bên đường đều hưởng ứng một cách tích cực. Và cuối năm 2009, hầu hết người dân đều đã nhận tiền đền bù giải toả, trả lại mặt bằng để thi công con đường. Song, chỉ sau đó vài tháng, có gần chục hộ dân ở xóm 5 xã Nghĩa Hành cảm thấy việc đền bù chưa thoả đáng nên làm đơn đòi xem xét lại việc đền bù giải tỏa. Và khi chưa được Ban GPMB huyện giải quyết, những hộ dân này tiếp tục kéo nhau về các cấp lãnh đạo, ban ngành ở tỉnh khiếu nại… Điều đáng nói, khi đơn vị thi công tiến hành giải phóng mặt bằng, thì các hộ dân nhất quyết không chịu cho thi công, chính vì vậy con đường trăm tỷ đến nay vẫn ách tắc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lý do mà một số ít hộ dân ở xóm 5 kiến nghị không cho giải phóng mặt bằng là: Các hộ dân này chưa được chính quyền địa phương cũng như các đơn vị xây dựng đường thông báo rộng rãi, công khai việc áp giá đền bù giải toả. Bên cạnh đó, các hộ dân cho rằng việc áp giá đền bù giải toả đối với gia đình họ chưa thỏa đáng. Chẳng hạn, anh Trần Văn Liệu cho rằng, nhà anh có sân bê tông 90m2, giải phóng mặt bằng và đền bù hết 62m2 được 34 triệu đồng, như vậy còn 28m2 sân còn lại sao không được đền bù, bởi vì sân có kết cấu liền kề. Anh Nguyễn Thăng Long lại cho rằng, giải phóng mặt bằng đến hết tam cấp nhà, sao Ban GPMB không đền bù nhà để anh di dời, bởi anh lo khi tiến hành làm đường sẽ sập nhà…

Một số ít hộ dân xóm 5, xã Nghĩa Hành, Tân Kỳ đang phản ánh việc mở đường với phóng viên Báo CAND.

Cần giải quyết thấu tình đạt lý

Với những thắc mắc của ít hộ dân ở xóm 5, xã Nghĩa Hành kiến nghị, ông Phạm Văn Hóa - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ, Trưởng ban GPMB cho biết: Hầu hết hàng trăm hộ dân 2 bên đường đều nhất trí ủng hộ khi đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng, chỉ có 6 hộ dân đi kiến nghị lâu dài, vượt cấp và cương quyết cản trở các đơn vị thi công. Việc các hộ dân phản ánh như đền bù chưa thỏa đáng, không công bằng… là không có cơ sở.

Mặc dầu vậy, khi phóng viên đưa ra một số dẫn chứng mà người dân phản ánh, kiến nghị, ông Hóa khẳng định; sẽ cho xem xét lại bởi làm con đường dài, hai bên phải giải phóng mặt bằng lớn nên có chỗ chưa được giải quyết thỏa đáng là điều khó tránh khỏi. Việc gần cả ngàn hộ dân luôn trông ngóng con đường nhưng đến nay tiến độ thi công vẫn rất chậm. Trong khi đó, hàng ngày người dân phải đối mặt với bụi mù mịt khi trời nắng, lầy lội khi trời mưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, lao động của người dân.

Ông Hóa cho biết, đây là công trình trọng điểm của huyện, khi thi công làm đường chỉ vướng mắc vì chưa đến 10 hộ dân cản trở thi công, mặc dầu tất cả đã ký đơn nhận đền bù giải toả. Huyện sẽ tổ chức họp các ban, ngành liên quan, giải thích cho nhân dân hiểu ý nghĩa của việc làm con đường, và các chủ trưởng, chính sách liên quan đến đền bù giải toả. Nhất quyết Nhà nước không để người dân thiệt, còn nếu sau đó 6 hộ dân này vẫn cương quyết không chịu giao mặt bằng, huyện sẽ cưỡng chế giải toả. Không thể vì ít hộ dân mà để ảnh hưởng đến gần cả ngàn hộ dân còn lại.

Thiết nghĩ việc xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi xã hội là chủ trương nhân văn của Đảng và Nhà nước ta nhằm đưa lại những lợi ích tốt đẹp nhất cho người dân. Vì vậy lãnh đạo huyện Tân Kỳ cần động viên, giải thích rõ cho người dân hiểu những phúc lợi mang lại khi có con đường. Đồng thời các hộ dân cần ủng hộ chủ trương, chính sách mà tỉnh Nghệ An đã dành cho cả ngàn hộ dân 2 xã Nghĩa Hành và Phú Sơn

Dương Sông Lam
.
.
.