Liên quan đến việc sửa đổi Thông tư 14 của Bộ GTVT:

Còn chưa thống nhất quanh việc lập điểm dừng, đỗ xe khách dọc đường

Thứ Tư, 22/05/2013, 08:35
Theo dự thảo Thông tư mới, ngoài bến đi và bến đến, xe khách tuyến cố định còn được đón trả khách tại các điểm đón trả khách dọc đường được xác định. Cụ thể, xe khách được dừng đỗ tại mỗi điểm không quá 5 phút và mỗi điểm cách nhau tối thiểu 5km trong khu vực đô thị và 10km ngoài đô thị.

Việc quy hoạch các điểm dừng đỗ đón trả khách trên các tuyến đường sẽ do UBND cấp tỉnh thực hiện và công bố trước ngày 30/6/2014. Dự thảo là thế, song những nội dung này vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các hiệp hội vận tải.

Cắm biển dừng đỗ xe khách trong nội đô dễ gây ùn tắc

Dẫu rằng trong trong dự thảo Thông tư này, Bộ GTVT cũng quy định với một tuyến đường bộ mới mở hoặc nâng cấp, chủ đầu tư phải có trách nhiệm đưa các điểm đón trả khách vào thành một hạng mục đầu tư, với tuyến đường đang khai thác thì cơ quan quản lý đường có trách nhiệm lập dự án xây dựng... Tuy nhiên, đã có rất nhiều ý kiến chỉ ra những bất cập và thiếu tính khả thi của quy định.

Ông Lê Huy Phong, Giám đốc Bến xe Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) nhìn nhận việc cắm biển dừng đỗ dọc quốc lộ để đón khách là không hợp lí và nguy cơ phá sản cao.

Nếu quản lý không khéo, việc cho xe dừng bắt khách dọc đường sẽ dễ nảy sinh tiêu cực.

Dẫn chứng cho lời nói của mình, ông Phong cho biết: “Từ năm 2008, chúng tôi đã mở trạm nghỉ để các xe khách qua địa phương có thể dừng đỗ, cho hành khách nghỉ ngơi trên hành trình. Chúng tôi không thu bất kỳ khoản tiền nào đối với các xe khách vào trạm nghỉ, thậm chí trong trạm nghỉ luôn có điều hòa, nước sạch, bàn ghế phục vụ miễn phí. Thế nhưng, suốt 5 năm, trên tuyến QL1A đoạn địa phận tỉnh Ninh Bình hằng ngày có không dưới 10.000 lượt xe chạy qua, vậy mà không có xe khách nào ghé vào dừng đỗ ở trạm nghỉ của chúng tôi. Đây là bằng chứng thực tế nhất cho vấn đề này”.

Gay gắt hơn, ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Bến xe khách nhấn mạnh: Dừng đỗ đón trả khách là vấn đề nóng, bức xúc của đơn vị vận tải. Với xe khách, hành khách là tiền. Do đó, làm cách nào có nhiều khách, thì lái xe có xu hướng làm. Cũng vì thế mà việc bố trí điểm dừng đỗ đón trả khách là đúng. Tuy nhiên, cắm biển dừng đỗ cũng có nghĩa là nghĩ ngay đến việc tiền ở đâu, ai đầu tư, ai quản lý. Đấy là chưa kể sẽ tạo điều kiện cho xe dù, bến cóc, bảo kê…

“Nói xe dừng 5 phút, ai quản lý, ai kiểm tra. Tuyến Hà Nội – Hải Phòng quản lý như vậy, mà xã hội đen vẫn hoành hành. Có cơ hội kiếm tiền là sẽ có cao bồi thôn, đầu gấu bảo kê ngay. Thậm chí có thể lái xe sẽ đặt hàng luôn một khách là bao nhiêu tiền” – ông Dũng đặt vấn đề.

Cuối cùng ông Dũng cũng bày tỏ quan điểm tại các thành phố lớn có tổ chức xe buýt, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, thì không nên cắm biển dừng đỗ trong nội đô. “Biển báo xe buýt đã dày đặc, giờ thêm biển dừng, đỗ của xe khách liên tỉnh thì giao thông sẽ rối loạn, ách tắc sẽ lại xảy ra” – ông Dũng khẳng định. 

Tuy nhiên, tại hội nghị một số ý kiến từ các hiệp hội vận tải khu vực phía Bắc thống nhất quan điểm cho rằng quy định cắm biển dừng đỗ đón trả khách là cần thiết để quản lý tốt hơn hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh. Song họ cũng nêu thắc mắc, cắm thế nào, quản lý ra sao mới là quan trọng.

Phải cắm biển dừng, đỗ đón trả khách mới mong quản lý tốt

Liên quan đến vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, quyền Vụ trưởng Vụ Vận tải  - Bộ GTVT khẳng định, thực tế thì trong dự thảo Thông tư của Bộ, chúng tôi chỉ đưa những quy định mang tính khung, còn các địa phương sẽ tổ chức triển khai. Ví dụ như ta chỉ quy định về khoảng cách tối thiểu giữa 2 điểm dừng đỗ đón trả khách liên tiếp, hay là giữa điểm dừng đón trả khách với bến xe, hoặc với trạm dừng nghỉ… Sau đấy, tùy từng địa phương sẽ có quy hoạch cụ thể. Nếu địa phương thấy vận tải hành khách công cộng của họ đã rất tốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, không cần phải đón trả khách trong nội thành nữa, thì địa phương sẽ quyết định điều này. Chúng ta cũng phải khẳng định là nhu cầu của người dân là có thật. Chẳng hạn như với tuyến Hà Nội – Hải Phòng, rất nhiều người dân ở các làng, xã, thị tứ dọc QL5 có nhu cầu đi Hải Phòng, nếu không cắm biển dừng, đỗ đón trả khách, thì người ta sẽ phải đi về Hà Nội mới lên được xe đi Hải Phòng.

Từ thực tiễn khai thác cũng như từ nhu cầu thực tế của nhân dân, phát sinh việc hiện nay các phương tiện đang dừng đón trả khách dọc đường trái phép, do đó Nhà nước phải đưa ra quy định thứ nhất là để phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân; thứ hai là đưa tất cả hoạt động đấy vào quy củ, có cơ quan chịu trách nhiệm quản lý về tổ chức giao thông, trật tự an toàn và an ninh công cộng, tránh xảy hiện tượng bảo kê, xã hội đen… Trong dự thảo chúng tôi đã quy định rõ UBND sẽ phân công cơ quan chức năng thực hiện tổ chức giao thông và đảm bảo an toàn, an ninh. Tôi phải nói rằng, rất nhiều nước đã quy định về các điểm dừng đỗ dọc tuyến. Muốn quản lý vận tải hành khách liên tỉnh thì không có cách nào khác là phải cắm biển dừng đỗ đón trả khách dọc đường.

Thực tiễn ở Việt Nam, phương tiện đến các điểm dừng nghỉ và hành khách đến đó để bắt xe. Cuối cùng, tôi phải nhấn mạnh rằng, việc chọn điểm dừng đỗ ở vị trí nào rất quan trọng. Ngoài việc phải đáp ứng quy định khoảng cách tối thiểu của dự thảo thì việc lựa chọn đúng điểm mà người dân có nhiều nhu cầu, sẽ giúp phát huy rõ rệt hiệu quả của điểm dừng đỗ

Thanh Huyền
.
.
.