Chuyện chưa kể sau sự cố tràn bùn đỏ tại Bình Thuận:

Cơn ác mộng... vàng đen

Thứ Ba, 31/12/2013, 13:45
Sau hơn 1 tháng kể từ khi sự cố vỡ bờ chứa bùn đỏ trong khai thác titan của Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận ở xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam, xảy ra vào ngày 18/11), chúng tôi trở lại nơi này và ghi nhận nhiều nỗi lo lắng lẫn bức xúc của nhiều người dân cùng cán bộ địa phương.

Ông Lê Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Thuận Quý mở đầu câu chuyện cơn ác mộng vàng đen bằng mối âu lo rằng một khi tình trạng khai thác titan còn hiện hữu ở Thuận Quý ngày nào thì bà con còn khổ sở, bệnh tật ngày ấy!

Khi cơn lũ bùn đỏ titan trong hồ chứa của Công ty CP Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận tràn ra đường cuốn trôi xe máy, gây cản trở lưu thông, gây ô nhiễm môi trường trên bình diện rộng…, dư luận mới vỡ lẽ về những hậu quả khôn lường do hoạt động khai thác titan mang lại cho người dân:“Những năm qua, người dân ở Thuận Quý, đặc biệt là tại thôn Thuận Minh, có hơn 200 hộ dân phải sống dở chết dở vì bị ảnh hưởng từ hoạt động khai thác titan. Bởi để moi được titan từ lòng đất thì người ta cào sạch cây cối. Không còn mảng xanh giữ đất nên vào mùa gió, cát bụi bay mù trời, từ đây bệnh tật vây bà con dữ lắm” - ông Hoàng nói.

Rất nhiều hộ dân thôn Thuận Minh dù rất sợ nước giếng nhiễm độc nhưng vẫn phải sử dụng bởi không còn lựa chọn nào khác.

Để rõ hơn về nỗi khổ của người dân địa phương trước cơn ác mộng titan, chúng tôi đến thôn Thuận Minh - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, và lặng người trước quá nhiều bức xúc của người dân. Ông Trần Thọ, 60 tuổi, ở số nhà 117, tổ 4 và vợ là bà Phạm Thị Chí, 59 tuổi, kêu trời khi ông bà cùng con cháu hơn chục người do nhiễm bụi độc mà bị bệnh về mắt, viêm xoang, ho liên tục, ho kéo dài, bệnh này chưa xong bệnh khác kéo đến: “Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, tôi đã quá nhiều lần nói rõ cho trên biết nỗi khổ của bà con nhưng chuyện lại đâu vào đó…”.

Sau nỗi bức xúc ấy, ông Thọ đưa chúng tôi ra sau nhà, đến chiếc giếng là nguồn nước sinh hoạt của gia đình mà ông âu lo chẳng biết có ẩn chứa mầm độc gì không. Ông nói không riêng gì ở thôn Thuận Minh này, nguồn sinh hoạt của người dân ở xã Thuận Quý đều phụ thuộc hoàn toàn vào giếng nước. Nhưng giếng bị bụi bay bụi phủ, chẳng biết khi ăn uống về lâu dài có bị bệnh tật, ung thư gì không. Để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của gia đình, ông Thọ che chắn miệng giếng kỹ lưỡng 3 qua lớp nào gỗ, miếng nilông, lúc nào cũng bịt kín, chỉ mở khi có nhu cầu sử dụng. “Vậy mà bụi cũng rơi vào làm nước đục ngầu cô chú ơi, khổ lắm!”, như ông Thọ, bà Mười nhà ở gần đấy than thở: “Mùa nắng mất nước, không có nước sạch nông thôn, dù rất sợ khi gió thổi, bụi bặm bay mù trời xộc xuống giếng tiềm ẩn mầm bệnh nhưng ai cũng phải sử dụng bởi chẳng còn cách nào khác”.

Khi được chúng tôi chia sẻ những nỗi niềm trên của bà con, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng trạm y tế xã Thuận Quý trĩu nặng ưu tư và cho biết số người bị mắc các bệnh về mắt và hô hấp ở xã nhiều vô kể. Dị vật bay vào mắt khiến bà con, từ người lớn đến trẻ em bị bệnh viêm kết mạc nhiều không kể xiết. Bản thân bà Kim Anh cũng bị chứng bệnh này và do bệnh kéo dài dẫn đến chứng mộng thịt: “Mùa gió chướng bắt đầu từ tháng 9 kéo dài dến tháng 5 là cao điểm của bụi, khi ấy gió thổi thốc khiến bụi bay kín trời, lắm khi phủ cả trạm y tế xã…”.

Bà Kim Anh bỏ lửng câu nói với đôi mắt viêm nhiễm đỏ hoe. Rồi bà cho biết, tội nhất là các cháu nhỏ, tỉ lệ các cháu bị các bệnh về mắt và hô hấp nhiều, bệnh cứ mắc đi mắc lại, chữa trị rất tốn kém: “Chẳng biết có phải do ảnh hưởng bởi bụi do khai thác titan hay không nhưng ở địa phương, cùng với các bệnh về mắt, viêm xoang, hô hấp, có người bị ung thư phổi và gan, chủ yếu ung thư phổi”, bà Kim Anh trầm giọng.

Nguyện vọng của người dân Thuận Quý mà chúng tôi tiếp xúc là chấm dứt các hoạt động khai thác titan vĩnh viễn tại địa phương: “Một khi còn hoạt động khai thác titan thì bà con còn tiếp tục khổ sở, bệnh tật dài dài”, ông Hoàng khép lại câu chuyện cơn ác mộng vàng đen bằng tiếng thở dài đầy trăn trở

N.T.D.
.
.
.