Cơm "bụi" ở cổng bệnh viện

Thứ Ba, 05/05/2009, 16:00
Trên vỉa hè cạnh BV Phụ sản TW, hai người đàn bà bán cơm bụi liên tục bới cơm từ cái phích đựng đá to đùng, tay gắp thức ăn nhoay nhoáy cho vào hộp xốp. Thực khách của họ 100% là người nhà và bệnh nhân, do tính chất tạm bợ nên họ cũng không đòi hỏi nhiều về vệ sinh.

4 ngày nghỉ lễ, dòng người đổ về các điểm du lịch, nghỉ dưỡng tăng đột biến. Những chuyến xe khách về các miền quê trở nên quá tải khi chở những người con về thăm nhà. Ngày lễ ai cũng muốn được nghỉ ngơi, thăm thú. Nhưng bên cạnh đó là sự tất bật, lo toan của những bệnh nhân ngoại tỉnh và người nhà của họ.

Ngày 3/5, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội), người đàn bà đứng tuổi, ăn vận kiểu nông thôn liên tục đưa mắt nhìn người thanh niên đang nằm thiêm thiếp trên cáng. Cáng lại để ngay cửa ra vào. Tôi ái ngại lại gần hỏi chuyện thì biết, sau một ngày nặng trĩu nỗi lo và tất bật với các thủ tục cho con nhập Viện Nhi TW, cộng với cả đêm thức trắng, sáng ra anh đã ngã quị rồi ngất lịm. Rất không may, khi ngã, đầu anh lại bị đập vào lan can cầu thang, chảy máu.

Đang bấn loạn vì cháu ốm, lại cộng với việc bố nó bị nạn, bà Nguyễn Thị Hà vội điện báo về cho gia đình ở Hưng Yên, vừa cậy nhờ những người nhà của các bệnh nhân cùng khoa đưa con trai đến Bệnh viện Việt - Đức. Tôi hỏi kết quả chẩn đoán hình ảnh thế nào, bà khoe: "May quá, không việc gì". Thế nhưng, nhìn người con trai bụng lép kẹp, má hõm sâu, bà lại nói: "Vừa lo lắng, vừa không ăn uống gì nên nó đuối sức".

Khác với người bố trẻ nêu trên, nhiều người nhà của bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện K dẫu rất mệt mỏi với việc chăm sóc người bệnh nhưng đều có "sức bền" tốt hơn. Gặp bố con anh Trịnh Đình Đại tại "quán cháo" trên phố Quán Sứ, ngay gần cổng viện, anh cho chúng tôi biết từ khi bố mắc bệnh, anh xác định phải cùng cụ "chiến đấu". Những ngày nắng đầu hè oi ả như hôm nay, anh cũng rất mệt chứ không riêng gì ông cụ. Thế nhưng anh phải động viên cụ ở lại, chứ về quê nghỉ mấy ngày lại ra thì ông cụ mệt hơn.

Không chỉ có bố con anh Đại, rất nhiều bệnh nhân đang xúm quanh "quán cháo" đều có chung nỗi niềm này. Gọi là quán nhưng không có bếp, bàn ăn mà cháo được đựng trong hai phích đựng đá loại to, kèm theo một rổ rau thơm gồm tía tô, hành hoa. Chất lượng của bát cháo không biết đến đâu nhưng có giá 3.000đ/bát. Với người bệnh nghèo, đây là thứ dễ ăn cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Cách đó không xa là cổng Bệnh viện Phụ sản TW, khác với sự tấp nập của những ngày thường, hôm nay vỉa hè khá quang đãng. Bên lề đường không có taxi đậu thành dãy, xe ôm trên vỉa hè cũng ít hơn. Thế nhưng, điểm mặt hàng ăn vỉa hè vào trưa 3/5 cũng không thiếu hàng nào.

Hai người đàn bà bán cơm bụi liên tục bới cơm từ cái phích đựng đá to đùng, tay gắp thức ăn nhoay nhoáy cho vào hộp xốp. Thực khách của họ 100% là người nhà và bệnh nhân, do tính chất tạm bợ nên họ cũng không đòi hỏi nhiều về vệ sinh. Hẳn là cái giá 10.000đ - 15.000đ/suất cơm gồm có thịt, đậu, rau, canh khá dễ chịu nên rất nhiều thực khách đến mua.

Chị Đào Hồng Hà, quê ở Nghệ An cho biết, vì em gái của chị mang thai ngược, bác sỹ dự báo sinh khó nên ra đây chờ mổ đẻ. Cũng vì chưa đủ ngày, đủ tháng nên giữ thai được ngày nào hay ngày đó nên cả nhà phải ra viện chầu trực.

Mỗi thực khách của hàng ăn vỉa hè ở cổng viện đều có hoàn cảnh riêng. Phần lớn họ đến từ các tỉnh ngoài nên không thông thuộc đường phố, chứ nói gì đến quán ăn ở Hà Nội. Chính vì vậy, họ chấp nhận ăn ngay tại vỉa hè, phần giảm bớt công đi lại, phần giảm chi phí. Còn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì nhiều người đành nhắm mắt làm ngơ.

Tôi rất ái ngại khi nhìn "quán" cơm bụi đặt trên yên một chiếc xe máy trên đường Phủ Doãn, cạnh Bệnh viện Việt - Đức. Thức ăn được chưng ra để hứng bụi, hứng khói. Hẳn là người mua hôm nay không nhiều nên chẳng thấy người bán ngồi bên. Nhìn những món ăn đựng trong các hộp nhựa nhỏ, tôi tự nhủ nếu không rơi vào hoàn cảnh như vậy thì khó lòng ăn nổi. Thế mà vẫn có những thực khách dừng lại, chỉ chờ có thế cô gái bán hàng từ đâu bỗng xuất hiện. Người khách đi, cô lại đến quán nước vỉa hè ngồi.

Ngoài hàng ăn vỉa hè, người bệnh và cả người nhà của họ có còn lựa chọn nào khác? Vẫn còn, đó là nhà ăn bệnh viện hay các quán hàng bên cạnh. Thế nhưng, giá cả những nơi này đắt hơn, tính đa dạng lại không bằng. Ví như Bệnh viện K cũng có nhà ăn, hay khu vực gần Bệnh viện Việt - Đức cũng có rất nhiều quán cơm bụi. Thế nhưng người bệnh nghèo thường phải "lựa cơm gắp mắm" nên chấp nhận chọn hàng ăn vỉa hè.

Vấn đề đặt ra là chất lượng dinh dưỡng của bữa ăn, nhất là với người bệnh. Theo chúng tôi được biết, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trọng việc điều trị nên từ năm 2004, Bộ Y tế đã thực hiện "Xây dựng mô hình điểm về nguồn lực dinh dưỡng lâm sàng". Thực hiện mô hình này, trong phác đồ điều trị của bác sỹ ngoài các loại thuốc, phương tiện hỗ trợ còn có thực đơn.

Việc này đã được thực hiện tại 7 bệnh viện lớn trong đó có Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng 90 chế độ ăn cho người bệnh, trong đó có cả việc kiểm tra, kiểm soát. Mô hình này là rất cần thiết, giúp bệnh nhân có kết quả điều trị tốt. Nếu nó được áp dụng đồng loạt sẽ bớt đi những cảnh đời bên ngoài cổng bệnh viện

Cao Hồng
.
.
.