Coi thường chế độ ăn uống là sai lầm lớn của người đái tháo đường

Thứ Ba, 03/12/2019, 15:07
“Tuy đã được nâng cao kiến thức về bệnh đái tháo đường, song, có không ít người bệnh hiểu sai về tầm quan trọng của chế độ ăn uống trong điều trị bệnh, gây hại tới sức khỏe cơ thể” – Đó là nhận định của PGS.TS. Tạ Văn Bình – Chủ tịch Hội Người giáo dục bệnh đái tháo đường Việt Nam.


PG.TS. Tạ Văn Bình chia sẻ thêm: Đái tháo đường không chỉ đơn thuần điều trị bằng thuốc như một số bệnh khác, mà còn có chế độ ăn uống và chế độ tập luyện. Đây là ba chân kiềng của điều trị đái tháo đường, không được xem nhẹ bất kỳ một chân kiềng nào.

Khám tầm soát đái tháo đường (ảnh: Khánh Huyền)

Tuy nhiên, nhiều người bệnh đái tháo đường coi thường chế độ ăn uống, hiểu sai do thiếu kiến thức về dinh dưỡng nên có chế độ ăn quá nghiêm khắc hoặc quá bừa bãi, khiến cho họ không điều trị bệnh hiệu quả, đồng thời, mắc thêm các vấn đề khác về mặt sức khỏe thể chất.

“Trình độ và kiến thức thực hành về dinh dưỡng của người bệnh đái tháo đường bị thiếu hụt quá nhiều” – PGS.TS. Tạ Văn Bình nói.

Lấy ví dụ cụ thể, PGS.TS. Tạ Văn Bình cho biết từng điều trị, tư vấn cho một nữ bệnh nhân mắc đái tháo đường mới ngoài 30 tuổi. Vì được hướng dẫn chế độ ăn uống kiêng khem quá khắc nghiệt nên nữ bệnh nhân này đã bị suy kiệt cơ thể, khiến cô có nguy cơ bị đột tử cao hơn rất nhiều lần so với những người mắc bệnh đái tháo đường khác. Ông cũng từng gặp một bệnh nhân mới chỉ 9 tuổi, nhưng đã mắc đái tháo đường do sai lầm về chế độ dinh dưỡng. 

Bên cạnh đó, với tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương", nhiều người bệnh đái tháo đường tin tưởng vào những lời khuyên vô căn cứ trên mạng xã hội, ví dụ sử dụng chế độ ăn loại bỏ hoàn toàn đường bột, hoặc chỉ ăn gạo lứt, muối mè để thanh lọc cơ thể, ăn quá ít, để hạn chế nạp đường cho cơ thể, với hi vọng bệnh sẽ hết khi cơ thể không được cung cấp đường…

Theo PGS.TS. Tạ Văn Bình, những sai lầm này đều bắt nguồn từ việc người bệnh thiếu hụt kiến thức về dinh dưỡng và cơ thể. Do đó, ông khuyến cáo người dân, người bệnh tự học nâng cao kiến thức cơ bản về y tế để dự phòng bệnh và biến chứng của bệnh; có chế độ thăm khám, dinh dưỡng theo đúng khuyến cáo; không tin theo các lời khuyên không có cơ sở và phải tới bệnh viện khi cần khám, chữa bệnh.

Theo các chuyên gia của Hội Người giáo dục bệnh đái tháo đường Việt Nam, người bệnh đái tháo đường cần hiểu đúng về chế độ ăn. Đặc biệt, người bệnh đái tháo đường không phải kiêng đường tuyệt đối mà cần phải cung cấp đủ đường theo nhu cầu của cơ thể, bởi vì nếu cơ thể thiếu đường sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, ví dụ suy giảm trí nhớ, teo não.

Bên cạnh đó, không có một chế độ ăn chung cho toàn bộ người bệnh đái tháo đường. Chế độ ăn phù hợp phải dự vào sở thích, đặc điểm hấp thu của cá nhân đó, phong tục tập quán của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ, kiên nhẫn tìm ra chế độ ăn phù hợp với bản thân.

Một chế độ ăn uống thích hợp phải cung cấp đủ calo cho hoạt động sống bình thường, cân đối tỷ lệ thành phần các chất đạm, mỡ, đường, bổ sung đủ vi chất, phối hợp với thuốc điều trị và luyện tập, phân bố bữa ăn hợp lý.

Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh không được tự ý đặt chế ăn kiêng chống béo cho mình mà phải do bác sĩ chỉ định hoặc đồng ý. Chế độ ăn, số lượng bữa ăn phụ thuộc vào thuốc uống điều trị, liều lượng và số lần tiêm insulin.

Người bệnh cần lưu ý đảm bảo giữ lịch các bữa ăn, không bỏ bữa dù không muốn ăn; ăn chậm, nhai kỹ; không ăn quá nhiều; loại bỏ thức ăn chứa nhiều mỡ, sử dụng nhiều thức ăn ít năng lượng, ví dụ: rau, nấm khô, dưa chuột…; chế biến thức ăn dạng luộc, nấu, tránh thực phẩm chiên, rán, hạn chế ăn mặn, tránh các đồ uống có cồn…

Ngoài ra, khi ăn kiêng, người bệnh cần chú ý giảm dần số lượng thức ăn theo thời gian và duy trì chế độ ăn theo lời khuyên của bác sĩ; nên ăn no, đủ chất vào bữa sáng, bữa trưa ăn trung bình và bữa tối ăn nhẹ.

Chi Lê
.
.
.