Cố tình vượt đèn vàng, hậu quả khôn lường

Thứ Tư, 20/07/2016, 09:41
Vào ngày 1-8, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực. Mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ tăng mạnh. Nhiều người đánh giá điều này sẽ giúp tăng tính răn đe. Song cũng có không ít ý kiến lại cho rằng, để nâng cao ý thức người tham gia giao thông, đi kèm chế tài cũng cần có những biện pháp tuyên truyền khác.



Bổ sung 33 nhóm hành vi vi phạm, khắc phục triệt để những bất cập cũ

Bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay: “Nghị định 46/NĐ-CP bổ sung thêm nhiều hành vi vi phạm, sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với quy định của các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt; khắc phục triệt để những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP”. 

Nghị định này đã bổ sung loại hình “xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện” vào khái niệm “các loại xe tương tự xe ôtô”. Hành vi “để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại khu vực thu phí” cũng được quy định cụ thể là ùn tắc kéo dài 750m hoặc 100 xe. 

Đặc biệt, để ứng phó với tình trạng ôtô núp bóng “xe hợp đồng” vận chuyển hành khách liên tỉnh, Nghị định 46/NĐ-CP cũng đưa ra mức phạt đối với hành vi sử dụng “2 hợp đồng trở lên trên 1 chuyến xe hợp đồng”. Ngoài ra, theo Nghị định 46/NĐ-CP, lái xe ôtô sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với mỗi trường hợp người ngồi trên xe không thắt dây an toàn.

Dù chưa có hiệu lực nhưng một số chế tài xử phạt tại Nghị định 46/NĐ-CP đã tạo ra sự băn khoăn trong giới kinh doanh giao thông đường bộ. 

“Trong vòng 10 năm qua, cơ quan quản lý Nhà nước đã xây dựng 8 Nghị định về xử phạt vi phạm giao thông, bình quân cứ hơn 1 năm lại sửa đổi. Đơn cử, Nghị định 171/NĐ-CP ban hành 2013, sau 1 năm thấy có các vấn đề phát sinh trong thực tiễn thì bổ sung Nghị định 107/2014/NĐ-CP. Tiếp đó, Nghị định 46/NĐ-CP lại được ban hành, sửa đổi, bổ sung của Nghị định 171/NĐ-CP”, đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội bày tỏ. 

Từ 1-8, tăng nặng hình thức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông.

Theo đại diện các cơ quan chức năng, thời gian qua, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm TTATGT là do hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ quá tải, ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông còn kém… 

Việc tăng mức xử phạt phần nào sẽ tác động vào ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, cùng với đó, phải làm sao để tăng hiệu quả xử phạt vi phạm giao thông, qua đó kéo giảm vi phạm và TNGT.  

“Mức phạt cao quy định tại Nghị định 46/NĐ-CP không nhằm mục tiêu thu tiền của người vi phạm, mà chủ yếu mang tính giáo dục, cảnh báo, ngăn ngừa người tham gia giao thông vi phạm, đặc biệt là những hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT như uống rượu, bia khi lái xe, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng…” - ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay.

Vượt đèn vàng bị phạt như vượt đèn đỏ

Một trong những điều khiến dư luận quan tâm đó là việc vượt đèn vàng bị phạt như vượt đèn đỏ. 

Giải thích rõ hơn về quy định này trong Nghị định 46, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, Cục CSGT (Bộ Công an) cho hay, theo Nghị định 46, mức phạt vi phạm về đèn vàng, đèn đỏ được gộp chung, tăng hơn so với Nghị định 171 trước đây. Nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ, mức tiền từ 1,2-2 triệu đồng đối với ôtô, cao hơn so với Nghị định 171 khi mức phạt chỉ từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng. 

Riêng người điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy nếu vượt đèn vàng bị phạt từ 300.000-400.000 đồng. Đối với người đi xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác sẽ bị phạt 60.000-80.000 đồng. Trường hợp người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dụng vi phạm, số tiền phạt từ 400.000-600.000 đồng. 

Từ 1-8, tăng nặng hình thức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật lý giải thêm: Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người tham gia giao thông phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có tín hiệu đèn giao thông. 

Cụ thể, đèn xanh thì được đi, đèn đỏ các phương tiện phải dừng lại. Đèn vàng người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ, dừng lại trước vạch dừng; trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Đối với trường hợp đi quá tức là phương tiện đã đi qua vạch sơn sau đó đèn vàng mới bật. Còn phương tiện đi liền kề phía sau nhìn thấy tín hiệu đèn vàng bật sáng thì phải dừng lại ngay. 

Trong trường hợp tín hiệu đèn vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện được phép đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường. Tóm lại, khi nhìn thấy tín hiệu đèn vàng, người tham gia giao thông phải giảm tốc độ, chuẩn bị tư thế và dừng phương tiện trước vạch để đảm bảo an toàn. 

Nếu cố tình vượt đèn vàng, hậu quả xảy ra sẽ nghiêm trọng khi tốc độ di chuyển của phương tiện cố vượt đang tăng cao và xung đột với dòng phương tiện được phép di chuyển. CSGT khuyến cáo và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm Luật Giao thông.

Đặng Nhật
.
.
.