Viết tiếp vụ hàng nghìn người dân Khu đô thị Mỹ Đình II (Hà Nội) phải dùng nước sinh hoạt nhiễm ASEN:

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hậu quả nghiêm trọng

Thứ Tư, 09/07/2014, 09:19

Như Báo CAND đã đưa, hàng nghìn người dân Khu đô thị Mỹ Đình II đang rất hoang mang trước việc một thời gian dài qua đã phải sử dụng nguồn nước nhiễm Asen (một tác nhân gây ung thư) cao hơn nhiều lần mức cho phép. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với các chuyên gia y tế và luật sư để làm rõ hơn mối nguy hại đến sức khỏe người dân và ai là người chịu trách nhiệm trước sự việc trên.

Nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe là có thật

Nước nhiễm Asen tác động thế nào đến sức khỏe đang là điều nhiều người lo ngại. Vì thế, đây cũng là điều mà chúng tôi trao đổi với TTND.PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc-BV Bạch Mai, người có nhiều kinh nghiệm trong điều trị các độc tố từ kim loại nặng.

PGS.TS Phạm Duệ cho biết, đất càng sâu dưới lòng đất càng ít khả năng khử độc, do đó, nước ngầm khoan sâu từ lòng đất chính là nguồn nhiễm Asen mạn tính lý tưởng. Nhiễm Asen có thể do qua nước hoặc thức ăn nấu hoặc rửa trong nước có Asen. Asen hấp thu tốt qua đường tiêu hóa, hít và đường ngoài tiêu hóa như qua niêm mạc hoặc da bị tổn thương. Asen rất độc, nếu nhiễm Asen mãn tính có thể bị ung thư thận, phổi...

Điều này đã được chứng minh sau 15 năm thực hiện một chương trình nước sạch ở Bangladesh, đã phát hiện tỉ lệ ung thư tăng cao do nước nhiễm Asen. Nồng độ Asen thấp nhất trong nước uống ở Bangladesh gây ra tổn thương da hàng loạt là 103mcg/L. Asen với nồng độ trên 400mcg/ngày có thể gây ung thư. Nghiên cứu chứng minh ung thư tiền liệt tuyến tăng khi tiếp xúc với nước có Asen với nồng độ từ 14 – 166mc/L. Tiếp xúc với nước có Asen với nồng độ 10mcg/L có thể tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Liều tử vong do ngộ độc cấp tối thiểu ở người lớn là 70-200mg hoặc 1mg/kg/ngày. Dưới 1mg/kg Asen vô cơ mỗi ngày có thể gây ngộ độc nặng nề cho trẻ em.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Duệ, chưa thể đánh giá được việc sử dụng nước nhiễm Asen ở Mỹ Đình (Hà Nội) trong thời gian vừa qua tác động đến sức khỏe ở mức nào. Vì cần có một nghiên cứu khoa học: số dân, thời gian sử dụng nước nhiễm Asen, tỉ lệ người dân mắc các bệnh như thế nào v.v… ở khu vực Mỹ Đình và so sánh với một cụm dân cư khác sử dụng nguồn nước không nhiễm Asen để có kết quả. Nhưng nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe là hoàn toàn có thật. Do vậy, biết rõ qui trình khai thác và cung cấp nước cho người dân mà không kiểm tra độc chất định kỳ trong nước là hành vi vi phạm pháp luật.

Người dân Khu đô thị Mỹ Đình II rất bức xúc vì thời gian qua phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt có chất gây ung thư.

PGS.TS Phạm Duệ cho rằng, việc phát hiện sớm nhiễm Asen trong nước là may mắn, nhưng vấn đề cần quan tâm tới đây là qui trình khai thác có được kiểm tra định kỳ? Phải có cơ quan giám sát việc kiểm định chất lượng nước với sự tham gia của người dân để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, Asen có thể tự đào thải, không tích lũy nếu ngừng tiếp xúc. Song, muốn chắc chắn, có thể kiểm định tại Trung tâm chống độc – BV Bạch Mai, nếu nồng độ Asen trong máu cao, Trung tâm sẽ tiến hành các biện pháp giải độc. Nhưng điều này cũng chỉ có ích khi bị nhiễm cấp.

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Theo luật sư Trần Quang Khải, Văn phòng luật sư Tâm Phát (Đoàn luật sư Hà Nội), căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định 124/2011/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 117/2007, điều 10 đã quy định rất rõ các hành vi bị cấm trong hoạt động cấp nước như đơn vị cấp nước cung cấp nước sạch cho mục đích sinh hoạt không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động cấp nước. Do đó khi gây thiệt hại cho khách hàng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp cụ thể của Khu đô thị Mỹ Đình II, hiện tại người dân có quyền yêu cầu đơn vị cấp nước kịp thời khắc phục sự cố. Nếu nguồn nước đó không đảm bảo thì chủ đầu tư phải tìm nguồn nước khác thay thế cho người dân. Nếu chủ đầu tư không thực hiện thì người dân có quyền khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của chủ đầu tư. Tổ chức, cá nhân nào vi phạm các hành vi bị cấm trong hoạt động cấp nước được quy định tại Điều 10 của Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Trần Quang Khải, trường hợp tại Khu đô thị Mỹ Đình II, các thông báo xét nghiệm chất lượng nước của chủ đầu tư và cư dân, Bộ Y tế vênh nhau nhiều. Giả sử nếu chủ đầu tư cố tình làm sai lệch thông tin để bán cho người dân nguồn nước nhiễm Asen nặng thì có thể căn cứ vào hậu quả để quy trách nhiệm cho chủ đầu tư. Nặng nhất có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc xác định hậu quả cần có các cơ quan chức năng chuyên môn về y tế vào cuộc. Lập các hội đồng khoa học là sẽ chứng minh được, việc này không quá khó.

Chỉ cần giám định sức khỏe của người dân đang sinh sống tại đây. Lần khám sức khỏe trước cơ thể hoàn toàn bình thường không có bệnh, nay kiểm tra có bệnh. Nếu cơ quan y tế xác định được bệnh đó nguyên nhân từ nhiễm Asen, từ đó sẽ đánh giá được việc ảnh hưởng đến sức khỏe cụ thể. Hiện tại y học rất phát triển, việc một người hút một điếu thuộc một ngày còn cũng có thể chứng minh được ảnh hưởng bao nhiêu phần trăm sức khỏe, thì việc nhiễm Asen xác định không quá khó vì Asen là độc tố rất nguy hiểm, thậm chí còn gấp nhiều lần thủy ngân.

Luật sư Trần Quang Khải khẳng định, chỉ cần định được hậu quả thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. Đối với sự việc này không phải là chủ đầu tư cứ thay xong nguồn nước khác đảm bảo cho dân là hết trách nhiệm. Luật sư Khải cũng nhấn mạnh: “Lâu nay nhiều người chưa hiểu rõ, cho rằng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tổ chức pháp nhân là chưa đầy đủ. Khi gây ra hậu quả, cá nhân những người đứng đầu tổ chức pháp nhân ấy phải chịu trách nhiệm trực tiếp vì theo quy định của pháp luật anh là người đại diện theo pháp luật cho tổ chức pháp nhân ấy, khi doanh nghiệp thành lập, trong giấy đăng ký kinh doanh đã ghi rõ tên tuổi và chức danh đàng hoàng chứ có phải toàn bộ pháp nhân ấy đâu. Pháp luật cũng quy định có những việc anh buộc phải biết, không thể nói là tôi không biết để không phải chịu trách nhiệm”.

Chiều 7/7, các cơ quan chức năng TP Hà Nội đã yêu cầu dừng hoạt động Trạm cấp nước Mỹ Đình II. Xét nghiệm mẫu nước được lấy ngày 5/7, kết quả cho thấy hàm lượng Asen trong mẫu nước là 0,03mg/l. Mẫu nước xét nghiệm lấy tại hộ gia đình thuộc nhà BT3 khu đô thị Mỹ Đình II cũng có hàm lượng Asen cao hơn tiêu chuẩn cho phép (0,01mg/l).

Thanh Hằng - Ngọc Yến - Phan Hoạt
.
.
.