Có thể phòng tránh Rhinovirus gây viêm phổi cho trẻ

Thứ Năm, 21/02/2008, 15:45
TS Lê Thị Quỳnh Mai, Trưởng phòng Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định, trong vòng 2 tháng, có tới 10/19 bệnh nhi tử vong được xác định nhiễm Rhinovirus là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo TS Mai, để phòng tránh Rhinovirus cần chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ.

Một loạt cháu bé bị viêm phổi nặng nhập viện với bệnh cảnh giống nhau, virus gây bệnh có thể lây lan qua đường hô hấp, nhưng chưa có phương pháp điều trị tối ưu, trong khi hơn 50% bệnh nhi đã tử vong. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh đang rất hoang mang. Các chuyên gia đã đưa ra những lý giải ban đầu và phương pháp phòng bệnh cho cả người lớn và trẻ nhỏ.

Virus thông thường gây bệnh nguy hiểm

Ngày 20/2, đã có tới 10/19 bệnh nhi tử vong tại Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương do bị viêm phổi nặng bất thường. Điều đáng nói là không có trường hợp trẻ sống tại gia đình, cả 19 bệnh nhi đều ở các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Tây. Trong đó, Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 Đông Anh, Hà Nội chiếm tới hơn 10 bệnh nhi. Các cháu bé đều dưới 12 tháng tuổi, nhập viện muộn trong trạng thái suy hô hấp nặng, hai phổi mờ trắng...

Các bác sỹ đã áp dụng nhiều biện pháp điều trị tích cực, nhưng đến nay, chỉ có 4 bệnh nhi khỏi bệnh. PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Theo kết quả xét nghiệm với sự giúp đỡ của Đại học Oxford, cả 19 bệnh nhi viêm phổi nặng đều nhiễm Rhinovirus. Mỗi năm, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận hàng nghìn ca viêm phổi nhưng chưa bao giờ ghi nhận nguyên nhân tử vong hàng đầu là do Rhinovirus.

Dự kiến cuối tuần này, Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ hội chẩn trực tiếp qua Internet với Bệnh viện Quốc tế Nhi khoa Nhật Bản qua hệ thống  để tìm ra hướng điều trị tối ưu. Các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi có bệnh nhi nhiễm Rhinovirus đã được hướng dẫn phòng bệnh, giữ ấm, giảm mật độ trẻ trong phòng, phun hóa chất tẩy trùng...

5/19 cháu bé còn lại tiếp tục được theo dõi và chăm sóc tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vì sao Rhinovirus - một loại virus được cho là thông thường, ít gây nguy hiểm lại khiến nhiều loạt trẻ mắc bệnh và tử vong vẫn chưa có câu trả lời thấu đáo.

Những lý giải ban đầu

TS Lê Thị Quỳnh Mai, Trưởng phòng Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, có thể do nhiều yếu tố cộng lại: Thời tiết mùa đông năm nay quá lạnh, điều kiện chăm sóc sức khỏe chưa cao, việc phát hiện và điều trị muộn, một số cháu bé mồ côi vốn có sức đề kháng kém... Trong điều kiện đó, không chỉ Rhinovirus mà các virus khác cũng có thể gây ra bệnh cảnh phức tạp. Rất có thể, Rhinovirus chỉ là nguyên nhân sau gây tử vong đối với các cháu bé.

TS Mai nhận định, trong vòng 2 tháng, có tới 10/19 bệnh nhi tử vong được xác định nhiễm Rhinovirus là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, các phụ huynh không nên hoang mang, vì Rhinovirus là loại virus ôn tính, ít gây nguy hiểm và hoàn toàn có thể phòng tránh được. Đây là loại virus ôn tính, đã được biết đến từ lâu ở Việt Nam, ít gây nguy hiểm cho người bệnh, thường chỉ gây những triệu chứng bệnh đường hô hấp nhẹ như hắt hơi, sổ mũi, ho…

Theo TS Mai, trên thế giới, rất hãn hữu xác nhận nguyên nhân tử vong do Rhinovirus. Tại Việt Nam, theo thống kê những ca viêm phổi nặng do virus năm 2007, chỉ có 2% ca bệnh có sự hiện diện của Rhinovirus. Tuy nhiên, Rhinovirus không phải là căn nguyên chính gây viêm phổi nặng dẫn đến tử vong, mà thường phối hợp với nhiều yếu tố khác hoặc đồng nhiễm với virus khác như Adeno, hợp bào đường hô hấp…

Bình thường, có thể Rhinovirus vẫn khu trú trên cơ thể và có cơ hội thì sẽ bùng phát. Đối với những người khoẻ mạnh, được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ, thì ít khả năng Rhinovirus gây nguy hiểm và hoàn toàn có thể chỉ điều trị thuốc cảm cúm thông thường.

TS Mai cho biết thêm, Rhinovirus có thể lây qua đường hô hấp với tốc độ lây lan nhanh, khó kiểm soát trên cả người lớn và trẻ em. Trẻ em và người già - nhóm người có sức đề kháng kém sẽ dễ mắc hơn. Hiện chưa có vaccin và thuốc đặc trị Rhinovirus, tuy nhiên, bệnh khó bùng phát thành dịch, hoàn toàn có thể phòng tránh được và có thể tự khỏi.

Điều quan trọng nhất để phòng tránh Rhinovirus là chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết giá lạnh hiện nay, cần ăn uống nóng, dễ tiêu hoá, giữ ấm cơ thể, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mắt, mũi, miệng để nâng cao khả năng chống lại bệnh tật.

Đối với trẻ em, cần lưu ý mặc ấm thích hợp, vì trẻ thường hiếu động, nghịch ngợm, nếu mặc quá nhiều áo ấm, trẻ ra nhiều mồ hôi có thể gây cảm lạnh. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh hô hấp, nên cho trẻ nghỉ tại nhà, tránh đi đến các nơi công cộng làm lây lan bệnh. Nếu trẻ có biểu hiện bệnh nặng, tuyệt đối không tự ý điều trị và đưa ngay trẻ tới bệnh viện điều trị.

Chiều 20/2, bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội cho biết: Bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều trẻ bị bệnh đường hô hấp trong thời gian giá rét vừa qua. Trong đó, có 6 trẻ bị viêm phổi rất nặng với bệnh cảnh giống với 19 trường hợp trẻ nhiễm Rhinovirus điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương, 6 trẻ này đều ở các Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi.

Bệnh viện Xanh Pôn đã chuyển 6 cháu sang Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị và hiện chưa có kết quả xét nghiệm cuối cùng.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Nhi Trung ương đã lấy mẫu xét nghiệm 43 trẻ đang sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 Đông Anh, Hà Nội - nơi có hơn 10 trẻ bị viêm phổi nặng nhiễm Rhinovirus. Hiện đã có 17 mẫu xét nghiệm cho kết quả, trong đó có tới 16 mẫu dương tính với human Rhinovirus A.

T.L.
.
.
.