Cô sinh viên đam mê… cây ngô

Thứ Sáu, 08/08/2008, 16:51
Tự tay trồng, theo dõi từng mầm lá của những cây ngô trong khoảnh vườn nhỏ trước nhà, lại miệt mài mấy tháng trời trong phòng thí nghiệm, cuối cùng đề tài "Nghiên cứu chất lượng hạt và khả năng chịu hạn của một số giống ngô địa phương miền núi phía Bắc Việt Nam" của cô sinh viên người Sán Dìu Phó Thị Thúy Hằng, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên đã giành giải nhất cuộc thi Sáng tạo trẻ tỉnh Thái Nguyên và được tham dự giải thưởng Khoa học kỹ thuật thanh niên toàn quốc 2008.

Với thành tích học tập và hoạt động Đoàn, cô sinh viên nhỏ bé này còn luôn có tên trong danh sách được nhận học bổng Vừ A Dính, học bổng Nguyễn Thái Bình, học bổng tiếng Anh toàn phần của Trung tâm Anh ngữ quốc tế Edulink...

Thế nhưng, khi chúng tôi thông báo, Hằng đã được Hội đồng xét Giải thưởng "Mãi mãi tuổi 20" bầu chọn, em vẫn xúc động tới nghẹn ngào vì niềm vinh dự lớn tới quá bất ngờ. 

Đất nghèo nuôi mơ ước

Men theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo, lổn nhổn đá sỏi, chúng tôi tìm tới nhà của Hằng ở xóm Sơn Cẩm, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Căn nhà nhỏ nhưng gọn gàng, sạch sẽ được dựng lên bằng sự tần tảo của người mẹ. Bố Hằng từng đi chiến trường Tây Nguyên, trở về với những vết thương khắp người và những căn bệnh mạn tính, nên thường xuyên phải điều trị tại bệnh viện tỉnh.

Nhà Hằng có 4 anh chị em, nhưng chị và anh trai phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp bố mẹ, chỉ có Hằng và cậu em út được cả nhà gắng gượng cho theo học.

Ở Sơn Cẩm, vùng đất sỏi cằn cỗi, cuộc sống của người dân chỉ trông vào đồng ruộng, nên chuyện học hành của con cái chẳng mấy được quan tâm, nhưng thấy con say mê học, bố mẹ Hằng dù chạy cơm từng bữa, vẫn động viên, dành thời gian cho con học. Bù lại sự quan tâm của gia đình, suốt 12 năm học phổ thông, Hằng đều là học sinh giỏi.

Nhớ lại hình ảnh mẹ còng lưng nấu rượu, nuôi lợn để lo cho cả nhà, Hằng lại rơm rớm nước mắt. Làm việc quá sức, mẹ Hằng bị thoái hóa cột sống, không thể tiếp tục nấu rượu. Lúc này bệnh của bố Hằng càng nặng, cả nhà chỉ còn biết trông chờ vào gánh rau của mẹ Hằng ở góc chợ quê nghèo.

Thương mẹ tảo tần, ngoài thời gian trên lớp, thời gian hoạt động Đoàn, Hội Sinh viên, Hằng lại lao vào phụ giúp mẹ việc nhà, việc đồng áng. Thứ bẩy, chủ nhật nào, người dân đi chợ Sơn Cẩm cũng bắt gặp cô gái nhỏ bé, gương mặt sáng, ánh mắt lanh lợi đứng bán rau cùng mẹ.

Gặp chúng tôi, mẹ Hằng không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc: "Thấy con ngoan lại càng thương cháu, vì bố mẹ nghèo quá. Chi phí mua sách, vở, tài liệu, tiền gửi xe đạp... đều từ tiền học bổng và tiền giải thưởng nghiên cứu khoa học của cháu, chứ gia đình ít có điều kiện giúp cháu".

Đam mê nghiên cứu khoa học

Môn học sở trường của Hằng là sinh học. Với khả năng nắm bắt nhanh kiến thức cộng với tố chất của người làm công tác nghiên cứu, nếu Hằng thi vào Đại học Nông nghiệp thì sẽ phát huy được sở trường và có nhiều cơ hội đi học ở nước ngoài. Nhưng Hằng đã chọn thi Trường ĐHSP Thái Nguyên, chỉ vì đây là trường được miễn học phí.

Với sự tận tình của các thầy cô Khoa Sinh, Hằng đã mạnh dạn đăng ký nhiều đề tài nghiên cứu khoa học.

Đề tài "Nghiên cứu chất lượng hạt và khả năng chịu hạn của một số giống ngô địa phương miền núi phía Bắc Việt Nam" của Hằng đã đưa ra được kết luận chính xác về chất lượng và khả năng chịu hạn của các giống ngô miền núi, tạo cơ sở cho cho các nghiên cứu chọn tạo giống mới và góp phần bảo tồn vốn gen quý của cây ngô. Hằng đã chứng minh được giống ngô Đông Khê - Cao Bằng có khả năng chịu hạn tốt nhất.

Ngay sau khi đề tài khoa học của Hằng được nghiệm thu, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định cho sản xuất thử nghiệm giống ngô này tại một số huyện.

Không chỉ học giỏi và say mê nghiên cứu khoa học, Hằng còn được tín nhiệm bầu giữ nhiều trọng trách: Phó Bí thư Liên Chi đoàn khoa Sinh, Ủy viên BTV Đoàn Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên, Ủy viên BCH Đoàn Đại học Thái Nguyên, Liên Chi hội trưởng Liên Chi hội Khoa Sinh-KT nông nghiệp, Ủy viên BCH Hội Sinh viên trường ĐHSP-ĐHTN.

Vinh dự, nhưng hoạt động đoàn, hội, khiến Hằng luôn tất bật, lúc nào cũng thấy thiếu thời gian. Hằng bảo: "Nhiều công việc của Đoàn, của Hội Sinh viên, em chỉ có 5 phút giờ giải lao giữa các tiết học để giải quyết".

Cô bé có dáng người nhỏ nhắn, nhanh như sóc nhớ mãi kỷ niệm trong một lần chuẩn bị cho Đại hội Liên Chi đoàn Khoa Sinh, Hằng phải tranh thủ đi gửi giấy mời họp các khoa khác trong trường, chạy leo 5 tầng cầu thang về lại lớp thì bị muộn. Khi nghe Hằng trình bày lý do vào học muộn, cô giáo đã nghiêm khắc nhắc nhở "đến lớp để học hay để hoạt động đoàn", tự nhiên nước mắt cứ trào ra. Cả tiết học hôm đó, Hằng vừa ghi bài vừa thầm khóc vì tủi thân, rồi lại tự nhủ phải học tốt hơn để chứng minh sức học của mình.

Càng nghĩ, Hằng càng thầm cảm ơn cô giáo đã nhắc nhở, Hằng đã sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý để vừa tham gia làm tốt các hoạt động của Đoàn, của Hội Sinh viên, vừa học giỏi để không phụ sự trông mong của bố mẹ.

Hằng vừa mới nhận bằng tốt nghiệp ĐHSP. Sắp tới đây, em trai Hằng cũng lại chuẩn bị bước vào đại học.

Ánh mắt của cô bé nhà nghèo ham học ánh lên niềm vui: "Mấy hôm nay, em đã định không tham dự kỳ thi cao học để đi làm, phụ giúp bố mẹ, nhất là khi em trai đã đỗ đại học. Nhưng Giải thưởng "Mãi mãi tuổi hai mươi" sẽ chắp cánh cho ước mơ học cao học của em". Chúc cho ước mơ được học lên, để tiếp tục nghiên cứu khoa học của cô nữ sinh người dân tộc thiểu số này thành hiện thực

Thu Uyên - Thanh Hằng
.
.
.