Cơ quan nào được ban hành Luật Thủ tục hành chính?

Thứ Hai, 17/03/2008, 09:10
Ông Nguyễn Chí Dũng - Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Không thể giao việc ban hành TTHC cho các Bộ, ngành Trung ương và HĐND, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vì nếu như thế thì "Việt Nam có quá nhiều Chính phủ!".

Ngày 15/3, tại TP Hội An, Văn phòng Chính phủ và USAID - Star Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Thủ tục hành chính (TTHC).

Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và đạt được những kết quả nhất định, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện sinh hoạt thuận lợi cho người dân.

Tuy nhiên, TTHC vẫn còn một số tồn tại như: Chưa có cách hiểu thống nhất về TTHC cũng như nguyên tắc của TTHC dẫn đến tình trạng TTHC được quy định và thực hiện một cách tuỳ tiện; TTHC trong giải quyết công việc cá nhân, tổ chức vẫn còn mang nặng dấu ấn của cơ chế quản lý cũ, nặng về cơ chế xin - cho.

Trong nhiều trường hợp, TTHC còn phiền hà, phức tạp, chồng chéo, trùng lắp, thiếu thực tiễn, khó áp dụng, gây khó khăn cho người thực hiện cả về thời gian, tiền của lẫn cơ hội kinh doanh, tạo môi trường tiêu cực, tham nhũng phát triển; việc xem xét, rà soát và đánh giá TTHC còn nặng tính chủ quan, TTHC gắn chặt với lợi ích của cán bộ, công chức - những người trực tiếp giải quyết công việc nên việc phát hiện, đề xuất loại bỏ những TTHC rườm rà từ phía cơ quan Nhà nước, cán bộ còn chậm trễ...

Ông Nguyễn Xuân Phúc - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết: Luật TTHC là cần thiết trong thời buổi hiện nay.

Thứ nhất, hiện nay chúng ta cần có một văn bản pháp luật mang tính hệ thống chung cho cả nước để làm sao cho người dân và doanh nghiệp có sự thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.

Thứ hai là có sự thống nhất trong cả nước và thứ ba là chống được sự trì trệ, tiêu cực trong cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân, để làm sao cho dân dễ hiểu, dễ làm.

Tuy nhiên, Hội thảo đã bàn luận các vấn đề liên quan đến cải cách khi áp dụng luật này.

Hội thảo cũng đã tranh luận về vấn đề cơ quan nào kiểm soát TTHC và cơ quan nào được phép ban hành TTHC. Theo dự thảo, có một cơ quan giúp Chính phủ kiểm soát vấn đề này.

Và cũng theo Dự thảo Luật TTHC, việc ban hành TTHC là do Chính phủ, các Bộ, ngành, HĐND, UBND tỉnh, thành trực thuộc Trung ương.

Có ý kiến cho rằng, nên giao Bộ Tư pháp hoặc Bộ Nội vụ làm cơ quan kiểm soát TTHC, tuy nhiên, nếu đặt cơ quan này trong cơ cấu tổ chức của một Bộ, không đảm bảo sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ thì sẽ rất khó khăn cho việc đảm bảo tính khách quan cũng như hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan này...

Ông Nguyễn Chí Dũng - Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Không thể giao việc ban hành TTHC cho các Bộ, ngành Trung ương và HĐND, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vì nếu như thế thì "Việt Nam có quá nhiều Chính phủ!".

Và thời gian qua, các cấp này đã có những TTHC "phá rào" là một minh chứng. Vả lại, nếu như các Bộ, ngành Trung ương, HĐND, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành TTHC thì vô hình trung "đá" rườm rà từ chỗ này sang chỗ khác hoặc lại càng rườm rà hơn.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Hội thảo nhằm làm rõ những vấn đề còn vướng để hoàn chỉnh, bổ sung và trình Luật TTHC lên Quốc hội vào tháng 4/2008

Đông Nghi
.
.
.