Cơ quan hành chính đẩy cái khó về doanh nghiệp, người dân

Thứ Hai, 11/05/2009, 16:48
Ở TP HCM hiện còn rất nhiều cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục đẩy trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của bản chính các loại văn bản, giấy tờ… cho bộ phận sao y, chứng thực cấp phường, cấp quận hoặc Phòng công chứng; đẩy thêm một công đoạn buộc người dân phải làm theo những yêu cầu hết sức vô lý…

>> Nộp tiền kho bạc cũng phải nhờ "cò"

Nhiều doanh nghiệp kêu trời…!

Cuối tháng 4/2009, chị Q.A. - nhân viên kế toán của một doanh nghiệp có chi nhánh ở TP HCM, (trụ sở chính của doanh nghiệp đặt tại Hà Nội, nên hạch toán thuế của chi nhánh phụ thuộc vào công ty mẹ) phàn nàn với chúng tôi: Sau một thời gian hoạt động, doanh nghiệp quyết định giải thể chi nhánh, cứ tưởng thủ tục đơn giản, ai ngờ phải chạy tới, chạy lui nhiều ngày, từ Chi cục Thuế quận 1 đến Sở Kế hoạch - Đầu tư để hỏi và cuối cùng vẫn bị kẹt lại ở thủ tục "Xác nhận không nợ thuế". Khi đến xin xác nhận không nợ thuế để bổ túc hồ sơ, chúng tôi có nộp kèm theo bản cam kết của giám đốc công ty mẹ với cơ quan thuế rằng "Mọi phát sinh về thuế của chi nhánh sau khi giải thể, công ty mẹ sẽ chịu trách nhiệm…". Thế nhưng cán bộ thuế vẫn không chấp nhận mà yêu cầu phải tìm lại văn bản do Hội đồng thành viên của công ty quyết định trước khi thành lập chi nhánh...

Một trường hợp khác, để xây căn nhà ở phường 17, quận Gò Vấp, bà Đ.T.M.T. ký hợp đồng thi công với một công ty xây dựng ở quận 1. Lúc hoàn công, các thủ tục từ UBND phường đến Phòng Quản lý đô thị quận đều được thực hiện đúng hẹn. Bộ hồ sơ hoàn công của bà T., nộp vào Chi cục Thuế quận Gò Vấp và khi nhận hồ sơ, cán bộ tiếp nhận kiểm tra xong cũng không có ý kiến gì.

Đến hẹn, bà T. đến nhận giấy tờ thì được cán bộ thuế hướng dẫn "Phải có xác nhận của Chi cục Thuế quận 1 về tình trạng khai báo thuế, thực hiện nghĩa vụ thuế của đơn vị thi công căn nhà?!". Sau đó doanh nghiệp thi công căn nhà cho bà T., đã trích sao bản kê khai thuế, việc thực hiện nghĩa vụ thuế năm 2007 và 3 tháng đầu 2008 (trong đó có căn nhà của bà T.) nhưng Chi cục Thuế quận Gò Vấp vẫn không chấp nhận. Vì vậy, doanh nghiệp này buộc phải cử nhân viên đến Chi cục Thuế quận 1 xin "Bản xác nhận" hợp đồng thi công căn nhà cho bà T., có kê khai với Chi cục Thuế quận 1, khi ấy mới giải quyết.

Hầu hết các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước vẫn thực hiện kiểu ngồi chờ nhận hồ sơ, khi nào đủ hồ sơ mới giải quyết, mọi thủ tục khác người dân phải tự làm.

Chứng thực, sao y: phường chứng, phường từ chối

Trước thông tin phản ánh của một số người dân tại phường 6, quận 3 về tình trạng bị gây khó khăn, thậm chí bị từ chối khi đi sao y văn bản giấy tờ tại UBND phường, cuối tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã mang CMND của anh T. tới UBND phường 6 để sao y. Khi chúng tôi ngồi chờ tới lượt thì một cán bộ tiếp nhận hồ sơ đã lớn tuổi (không đeo bảng tên), cầm bản chính CMND của anh T., lên "soi" rất kỹ… bằng mắt thường, sau đó, bà cán bộ này "phán" một câu xanh rờn: Dấu chìm trên CMND bị mờ nên không được sao y!

Phải đến khi chúng tôi thắc mắc rằng CMND này đã nhiều lần được chủ sở hữu sao y ở đây những năm qua và nhiệm vụ chính của UBND phường là "Sao đúng nguyên bản rồi lưu lại một bản. Về tính chính xác của giấy CMND này cũng như các loại giấy tờ, văn bản khác có dấu đỏ của cơ quan Nhà nước, người sử dụng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật…" thì bà cán bộ tiếp nhận hồ sơ mới chỉ chúng tôi vào gặp bà Phó Chủ tịch phường Hồ Thị Phi Phượng để "trình bày xem có được sao y hay không?!".

Bà Phượng sau khi nghe chúng tôi thắc mắc bèn gọi một nhân viên khác của Văn phòng UBND phường mang giấy CMND của anh T sang Công an phường để "hỏi xem CMND này có sao y được hay không?!". Một lát sau, đến lượt bà Phó Chủ tịch phường khẳng định rằng: "CMND này không thể sao y được".

Để tiếp tục kiểm chứng, một ngày sau đó, chúng tôi đã mang giấy CMND này qua UBND phường Tân Định, quận 1 và được sao y bản chính một cách nhanh chóng mà không bị vặn vẹo hay hỏi han gì. Quay lại làm việc với bà Phó Chủ tịch UBND phường 6 với những bằng chứng "cán bộ phường gây khó khăn cho người dân" này, bà Phượng sau một hồi loay hoay lục tìm kiếm văn bản đã không thể đưa ra câu trả lời thuyết phục để biện minh cho việc từ chối sao y của mình ngày hôm trước!.

Cái gốc của sự nhiêu khê, rắc rối phát sinh đối với người dân nằm ở chỗ: Hầu hết các công đoạn bổ túc hồ sơ trong một thủ tục hành chính đều được dồn trách nhiệm cho người dân tự làm; các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền chỉ việc ngồi chờ nhận đủ hồ sơ, khi đó hồ sơ mới bắt đầu được tính thời gian giải quyết.

Như vậy, người dân chưa thực sự được hưởng dịch vụ hành chính công đúng nghĩa bởi cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước hoạt động bằng ngân sách để phục vụ dân và người dân khi giải quyết thủ tục hành chính phải nộp phí, lệ phí…

Đề nghị chính quyền và các sở, ngành, quận huyện của thành phố cần tiếp tục rà soát, kiên quyết loại bỏ những thủ tục, công đoạn không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp

Công Trường - Đức Thắng
.
.
.