Cơ quan chức năng thờ ơ, "thần chết" rình rập trên đèo Pha Đin

Thứ Năm, 02/02/2012, 10:42
Năm 2011, Điện Biên bất ngờ được “thăng hạng” lên top 3 địa phương có TNGT tăng cả 3 tiêu chí. Một trong những đoạn đường xảy ra nhiều tai nạn nhất là 10 cây số cuối đèo Pha Đin, từ km 376 đến km 386+100 quốc lộ 6; chỉ tính riêng trong năm 2011 đã xảy ra 6 vụ, làm chết 9 người, bị thương 11 người. Điều đáng buồn là hầu hết các vụ TNGT này có thể không xảy ra hoặc giảm thiểu thiệt hại nếu các ngành chức năng không thiếu trách nhiệm…

Đoạn đường chết trên con đường đẹp

Đèo Pha Đin nổi tiếng là con đèo hiểm trở và dài nhất Việt Nam, vắt vẻo 32km ngang trời ở độ cao trên 1.600m so với mực nước biển. Cuối năm 2009, người ta đã tổ chức trọng thể lễ khánh thành dự án cải tạo và nâng cấp quốc lộ 6 đoạn qua đèo Pha Đin. Trước đó con đường này được hạ bớt độ dốc, mở rộng các khúc cua, mặt đường trải bê tông nhựa theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi. Phải thừa nhận rằng sau khi cải tạo, nâng cấp, đường vượt đèo Pha Đin trở nên chất lượng, an toàn và cũng lãng mạn hơn với những cung đường như dải lụa hờ hững vắt qua những đỉnh núi quanh năm chỉ có gió ngàn và mây mù...

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, đường tốt cũng là lúc con đường này gia tăng độ nguy hiểm. Đoạn nguy hiểm nhất hiện nay theo Thượng tá Vũ Tiến Dũng, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Điện Biên cho biết là từ km 376 đến km 386+100 thuộc địa phận xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo. Đoạn đường này các phương tiện bắt đầu đổ đèo sau gần hai chục cây số leo dốc ì ạch từ địa phận huyện Thuận Châu, Sơn La. Đường tốt, thông thoáng nhưng suốt 10km đường đèo này lại không hề có biển hạn chế tốc độ, không có gờ giảm tốc, độ nghiêng vào cua lớn, xe chạy tốc độ cao theo quán tính dễ văng khỏi đường.

Vụ TNGT ngày 23/7 tại km 389+400 làm 5 người chết và bị thương.

Đặc biệt, đoạn đường này lại không có đường lánh nạn nên không may xe mất phanh hay gặp trục trặc kỹ thuật khác thì đường duy nhất là lao… xuống vực! Đường đẹp, nhưng lại quá nguy hiểm do cách tổ chức giao thông không hợp lý, thiếu những biện pháp giao thông cưỡng ép nên năm 2011, hơn 10 cây số đường đèo này đã xảy ra 6 vụ TNGT, làm chết 9, bị thương 11 người.

Điển hình như hồi 3h30 ngày 20/12/2011, tại km 373 + 700, xe khách BKS 27H - 6858, do Trần Xuân Diện (SN 1962), trú tại phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ điều khiển, lúc đổ đèo không làm chủ tốc độ đã đâm vào taluy dương, làm 1 người chết, 5 người bị trọng thương. Trước đó, ngày 23/7, tại km 389 + 400, xe khách BKS 89L-1415 của Công ty cổ phần Vận tải Châu Giang (Hưng Yên), do lái xe Phạm Văn Thắng, SN 1978, HKTT tại Khoái Châu, Hưng Yên điều khiển, trong khi đang xuống đèo cũng bị mất phanh. Tài xế chủ động đâm xe vào ta luy, xe lật làm 3 người chết tại chỗ, 15 người bị thương, trong đó có 5 người bị thương nặng…

Cần khắc phục ngay những bất cập

Thượng tá Vũ Tiến Dũng, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Điện Biên cho biết, nếu đoạn đường đèo này có biển cảnh báo hạn chế tốc độ, sơn vạch phân làn xe, lắp đặt hệ thống gương cầu, đặc biệt là có đường cứu nạn… thì chắc chắn sẽ giảm thiểu hoặc hạn chế những hậu quả các vụ TNGT.

Những bất cập trong quản lý và tổ chức giao thông tại “đoạn đường tử thần” đã được lực lượng CSGT Công an tỉnh Điện Biên tái khẳng định trong nhiều văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng, cụ thể là: Công ty TNHH một thành viên Đường bộ 226, Khu quản lý đường bộ II, Tổng cục Đường bộ Việt Nam… Giữa năm 2011, khi đoạn đường này liên tiếp xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng, lực lượng CSGT, Ban ATGT tỉnh Điện Biên tiếp tục có công văn “kêu cứu” lên cả Bộ GTVT và UBATGT quốc gia…

Đoạn đường có đến hơn 30 khúc cua nguy hiểm, nhưng lại không có biển cảnh báo hạn chế tốc độ, không có đường lánh nạn.

Ông Nguyễn Trọng Kính, Giám đốc Công ty TNHH MTV đường bộ 226 (đơn vị được giao quản lý) khi được hỏi về sự chậm trễ khắc phục bất hợp lý tại đoạn đường này cho biết: Những bất cập trong tổ chức giao thông ở đoạn đường tử thần này cũng được công ty ông kiến nghị với các cơ quan chức năng từ năm 2010 và năm nay tiếp tục kiến nghị, trong đó có đề xuất mở 1 điểm dừng nghỉ và 2 đường lánh nạn. Tuy nhiên, theo ông Kính vì chưa xin được kinh phí nên dự án tiếp tục bị đình trệ.

Trao đổi với PV CAND qua điện thoại, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì khẳng định: Đoạn đường này vẫn đang trong thời gian bảo hành nên trách nhiệm sửa chữa, bổ sung các bất hợp lý này thuộc về chủ dự án (trong thực tế đoạn đường này đã được bàn giao cho Công ty TNHH MTV Đường bộ 226). “Việc sửa chữa, khắc phục và bổ sung các bất hợp lý này cũng sẽ rất tốn kém, không dễ giải quyết vì vấn đề kinh phí”…

Như vậy, những bất cập trong tổ chức, quản lý giao thông trên quốc lộ 6 đoạn qua đèo Pha Đin giờ đây vẫn tiếp tục phải chờ và không biết chờ đến bao giờ. Một số đoàn cán bộ của các cơ quan lên kiểm tra, sau đó lại về và không quên để lại lời hứa, nhưng rồi hứa mãi cũng chẳng thấy ai thực hiện và rốt cuộc là người tham gia giao thông phải lãnh đủ hậu quả!

“Pha Đin” là cách gọi biến âm tiếng Thái của từ “Phạ Đin”. Phạ có nghĩa là trời, Đin là đất, Phạ Đin có nghĩa cổng trời - điểm giao cắt giữa trời và đất. Nhưng Phạ Đin rồi đây rất có thể sẽ trở thành một biệt danh tủi buồn – là nơi tiễn biệt người ta lên trời nếu như người điều khiển phương tiện thiếu ý thức và các cơ quan không quyết liệt vào cuộc…!?

Thượng tá Vũ Tiến Dũng: Một kinh nghiệm từ thực tế, năm 2010, “điểm đen” giao thông tại km 13+900, quốc lộ 279 xảy ra 6 vụ TNGT làm chết 4 người, bị thương 6 người. Sau khi các cơ quan chức năng thực hiện các kiến nghị của CSGT khắc phục các bất cập, tổ chức lại giao thông bằng cách mở rộng tầm nhìn, xây dựng hàng rào hộ lan, hạn chế tốc độ xuống 20km/h, có hệ thống gờ giảm tốc năm 2011, địa điểm này đã không xảy ra tai nạn.

Vũ Mạnh Hà
.
.
.