Cô nhi viện Thánh An Bùi Chu: Ấm áp tình yêu thương

Thứ Bảy, 14/02/2009, 19:17
Đến cô nhi viện Thánh An Bùi Chu (Nam Định) khi dư âm về Tết Nguyên đán Kỷ Sửu đang còn đọng lại trên những con đường chăng đầy cờ phướn, tiếng cười đùa, tiếng ê a học bài của trẻ nhỏ càng làm cho sắc xuân thêm tô đậm. Đây là nơi đang nuôi dưỡng 130 người cơ nhỡ, trong đó 90 trẻ em. Một nửa số trẻ em này bị khuyết tật về hình thể, trí tuệ.

Bé Bảo Ngọc 9 tuổi, xinh xắn và nhỏ xíu như búp bê víu lấy tôi, người khách lạ đòi bế. Rồi bé ôm cổ tôi thật chặt, đôi chân bị tàn phế cũng cố gắng quắp lấy tôi. Rồi bé lần mặt tôi tìm má để hôn, những cái hôn thật ấm áp. Tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động trước tình cảm đặc biệt của cô bé tí hon (10kg) lại bị khiếm thị và liệt chi dưới này. Bảo Ngọc được cô nhi viện Thánh An Bùi Chu nhặt được và nuôi dưỡng từ khi nặng 0,7kg.

Cô nhi viện Thánh An nằm trong khuôn viên nhà thờ Chính tòa Bùi Chu. Thành lập từ năm 1852, với mục đích đón nhận và nuôi dưỡng trẻ mồ côi khuyết tật bị bỏ rơi từ 12 tuổi trở xuống, không phân biệt lương, giáo.

Chúng tôi được biết, có thời điểm, cô nhi viện đón nhận và nuôi dưỡng cả nghìn em nhỏ. Các em đến đây đều có hoàn cảnh, số phận đáng thương. Tại đây, các em được yêu thương trong vòng tay của các mẹ, những người phụ nữ hiến trọn đời mình cho đức chúa trời.

Người phụ nữ trẻ có làn da trắng, khuôn mặt ưa nhìn tiếp chuyện chúng tôi khá cởi mở (chị không muốn nêu tên và chúng tôi tôn trọng). Chị bảo mình được giao nhiệm vụ thư ký của cô nhi viện. Chị từng tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội) và du học ở Italia. Chị chọn công việc chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ rơi, bị khuyết tật như một xứ mệnh cao cả.

Chị cho biết, rất nhiều lần, cô nhi viện nhặt được những bé sơ sinh, nặng chưa đầy 1kg bị bố mẹ bỏ lại ngay ở cổng. Nhìn sinh linh bé nhỏ vô tội bị những người sinh thành bỏ rơi, chẳng ai không động lòng thương. Có em may mắn lành lặn nhưng cũng không ít em phải mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo như bị bại não, tàn tật, bệnh đao… 

Các em nhỏ trong cô nhi viện được đi học từ mẫu giáo đến trung học phổ thông và học nghề. Trong khu nhà các em ở, có cả phòng học buổi tối. Tại đây, sẽ có các mẹ chỉ bảo các em học bài. Nhìn các em vui đùa, nét trẻ thơ ánh lên sự hồn nhiên, trong trẻo. Bất hạnh của các em được những tấm lòng nhân từ của các mẹ, các cha ở cô nhi viện bù đắp phần nào.

Chúng tôi được biết, hiện tại ở cô nhi viện có 30 người phụ nữ đang thực hiện thiên chức làm mẹ. Họ là những người thiện nguyện chăm sóc những đứa trẻ bất hạnh. Hầu hết, họ đều chưa từng mang nặng đẻ đau nhưng vẫn dành cho những đứa trẻ bị bỏ rơi tình mẫu tử dạt dào.

Họ thức thâu đêm khi có em bé bị ốm, hay vỡ òa nước mắt khi đưa tiễn đứa trẻ xấu số. Ngoài chăm sóc các em nhỏ, hằng ngày họ còn canh tác trên mảnh vườn, thửa ruộng. Như những người mẹ đích thực, họ cần mẫn nhặt nhạnh để cho đàn con của mình những bát cơm ngon, những bát canh ngọt.

Vào những ngày đặc biệt như Tết Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, cô nhi viện cũng đón các đoàn công tác xã hội từ thiện. Những cuộc viếng thăm này đã đem đến cho các em nhỏ nhiều niềm vui. Chia tay các em, chúng tôi mong ngày càng có nhiều người, các tổ chức xã hội tìm đến đây. Sự yêu thương, chia sẻ của mọi người sẽ giúp các em bớt đi những thiệt thòi và làm ấm lòng những người đàn bà thiện nguyện khi thực hiện thiên chức làm mẹ cho những đứa trẻ bị người thân ruồng bỏ

Nhóm PV
.
.
.