“Cò” ngoại tệ ở sân bay Tân Sơn Nhất

Thứ Bảy, 31/03/2007, 10:57
Tại mỗi điểm dịch vụ trong sân bay có từ 3-4 phụ nữ vai đeo giỏ xách sà vào hành khách để hỏi nhu cầu đổi ngoại tệ. Giá mà họ đưa ra chênh lệch rất cao so với giá thị trường nhưng nhiều người vẫn phải mua gấp vì đến giờ bay.

Trước khi đi du lịch, công tác hay thăm người thân ở nước ngoài, mọi người đều quy đổi tiền VND ra ngoại tệ để dễ dàng sử dụng khi vào nước họ. Ở sảnh sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), có cả chục chi nhánh của các ngân hàng lớn trong nước nhưng chỉ quy đổi tiền từ các nước ra tiền VND chứ không có chiều ngược lại. Đây là cơ hội cho hàng chục cò ngoại tệ trong sân bay Tân Sân Nhất hoạt động một cách công khai.

Sáng 29/3, vì đi công tác đột xuất sang Singapore, cô N.M.H. (nhà ở quận 6) không kịp đến ngân hàng để đổi tiền Việt Nam ra đôla Mỹ nên phải chạy vào các chi nhánh ngân hàng trong sảnh của sân bay Tân Sơn Nhất đổi tiền gấp.

Tại những ngân hàng này, các nhân viên cho cô H. biết chỉ đổi từ các ngoại tệ mạnh ra tiền Việt Nam chứ không đổi ngược lại. Đi 4-5 chi nhánh tại đây, cô H. đều nhận được những cái lắc đầu của nhân viên ngân hàng.

Đang sốt ruột vì sợ bị trễ chuyến bay, cô H. được ba người phụ nữ khoảng 40 tuổi ngoắc tay kêu cô ra ngoài hành lang. Một trong số họ hỏi cô H. muốn mua hay là bán, bao nhiêu, tiền gì. Vì đang gấp, cô H. liều đổi lấy 200 USD của người phụ nữ trên với giá 16.700đ/USD. Trong khi đó, giá bán 1 USD trên thị trường chỉ có 16.021đ. 

Không chỉ có trường hợp của cô H. mà có rất nhiều người vì vội công việc mà phải tìm dịch vụ của các cò ngoại tệ.

Chúng tôi làm một cuộc dạo quanh sảnh sân bay Tân Sân Nhất và chứng kiến được cảnh hoạt động rầm rộ của các cò ngoại tệ ở đây. Tại mỗi điểm dịch vụ trong sân bay có từ 3-4 phụ nữ vai đeo giỏ xách sà vào hành khách để hỏi nhu cầu đổi ngoại tệ. Chỉ cần đếm bằng mắt thôi chúng tôi cũng đã ghi nhận được gần 20 phụ nữ hành nghề này với tuổi đời từ 40-45 tuổi.

Một nhân viên ngân hàng làm việc ở đây cho biết: Một số phụ nữ trên trước đây là nhân viên làm việc trong sân bay. Vì nhu cầu đổi tiền của hành khách quá lớn cho nên khi nghỉ việc, họ ra đây làm cò ngoại tệ.

Đóng vai một người cần đổi tiền gấp, chúng tôi đến một chi nhánh bưu điện gần cuối khu dành cho khách bay trong nước. Khi đặt vấn đề đổi tiền, anh nhân viên trong quầy bảo chúng tôi chờ.

Anh ta mở máy ĐTDĐ ra bấm số, một lát sau một người phụ nữ mặc bộ đồ màu xám từ trong sân bay bước ra và chui tọt vào buồng điện thoại, hỏi chúng tôi cần đổi tiền gì, nhiều không. Sau khi ra giá, lấy tiền, bà ta bước nhanh vào trong khu vực phòng chờ.

Chúng tôi nhẩm tính, cứ một khách đổi 100 USD với phần chênh lệch tỉ giá gần 70.000đ thì trung bình một ngày, một cò ngoại tệ cũng kiếm cả triệu bạc. Đem vấn đề này hỏi một bảo vệ trong sân bay, anh cho biết: "Ở đây không cho họ vào để trao đổi ngoại tệ nên chúng tôi ngày nào cũng phải đuổi nhưng khó khăn lắm! Đuổi đầu này họ lại lẩn ra đầu khác nên chẳng biết đâu mà lần".

Mặc dù bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất rất đông nhưng tình trạng cò ngoại tệ hoạt động công khai như thế này quả là một điều đáng bàn. Thiết nghĩ, nhu cầu đổi ngoại tệ của hành khách để  đi các nước là rất lớn và cần thiết, vì vậy các ngân hàng đặt quầy tại đây cũng cần có những dịch vụ đổi tiền cho họ. Chứ cứ để tình trạng này xảy ra chỉ khổ cho công tác quản lý sân bay, còn cò ngoại tệ thì nhởn nhơ hốt bạc…

Minh Đức
.
.
.