‘Cò lao động’ ăn chặn lương công nhân

Thứ Sáu, 13/03/2015, 11:17
Kể từ khi các công trình dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) được khởi công đến nay, cả ngàn lao động địa phương được giải quyết việc làm. Nhưng đáng lo ngại là hiện nay đã xuất hiện tình trạng “cò”, bớt xén tiền lương và quyền lợi của người lao động.

Huyện Duyên Hải, hiện có 3 nhà máy nhiệt điện đang được triển khai, biến vùng quê thành “đại công trường”, thu hút khoảng 6.000 lao động. Lao động địa phương xin vào làm việc tại các công trình khoảng 1.000 người, từ các tỉnh, thành khác 3.800 người lao động và lao động người nước ngoài khoảng 1.400 người.

Việc thi công nhà máy nhiệt điện được chia thành nhiều gói thầu nhỏ, thường do Công ty Trung Quốc “bán thầu” cho các công ty Việt Nam thi công. Những đơn vị này, thuê lại các tổ, đội (có khi là “cò lao động” – PV) tổ chức nhân công thực hiện. Việc tuyển dụng lao động xảy ra nhiều bất cập, quyền lợi của người lao động chưa được đảm bảo, luôn phải chịu thiệt thòi…

Trong năm 2014, trên địa bàn xã Dân Thành xảy ra ít nhất 3 vụ công nhân Việt Nam bị quỵt tiền lương nhưng chính quyền địa phương rất khó có thể can thiệp để bảo vệ quyền lợi người lao động. Ông Võ Văn Dội, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Thành khẳng định: Việc tuyển lao động, nhà thầu không thông qua địa phương mà nhờ những “tay cò”.

Chỉ có kỹ sư, thợ máy… được ký hợp đồng lao động theo đúng pháp luật. Còn lại phần lớn, người dân chủ yếu làm việc thời vụ, không có hợp đồng lao động.

Công nhân làm việc tại công trình nhà máy nhiệt điện Duyên Hải.

Ông Bùi Quốc An (ấp Giống Giếng, xã Dân Thành) cho biết, trước đây ông cùng với 30 lao động khác được công ty ở TP Hồ Chí Minh nhận vào làm công nhân.

Làm một thời gian, những lao động này bị quỵt tiền lương với tổng số khoảng 120 triệu đồng. Riêng ông An bị mất hơn 15 ngày công và gần 20 giờ tăng ca, khoảng 4 triệu đồng.

Trong khi đó, các công ty tuyển dụng lao động thường có trụ sở tại các tỉnh, thành khác. Khi giao việc lại cho các tổ, đội thi công, kể cả trả tiền lương thì phía công ty đều có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Nhưng ngược lại, những tổ, đội nhận thực hiện việc trên công trình và trực tiếp sử dụng lao động lại không hề có trụ sở, con dấu...

Khi xảy ra tình trạng những người này cầm tiền lương bỏ trốn, người lao động lãnh đủ, ngành chức năng cũng rất khó giải quyết.

 Ông Võ Hùng Nhân, Trưởng ấp Giồng Giếng cho biết: “Những “tay cò” lao động đến từ khắp nơi, có một số thuê nhà trọ trên địa bàn ấp nhưng không đăng ký với địa phương. Các “tay cò” thường đến các công trường làm quen với các nhà thầu, khi có nhu cầu tuyển dụng lao động, những “tay cò” liên hệ với người dân và hưởng tiền “hoa hồng” bằng cách ăn bớt tiền công nhật”.

Tuy nhiên, theo một cán bộ Phòng LĐTB&XH huyện Duyên Hải, đơn vị chỉ tiếp nhận vụ việc khi có hồ sơ chuyển về, sau đó tổ hòa giải lao động đến giải quyết.

“Phòng Lao động huyện không đủ thẩm quyền quản lý và kiểm tra lao động tại nhà máy điện, trách nhiệm chính thuộc về Sở LĐTB&XH, và Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Trà Vinh”, vị cán bộ này cho biết.

Ông Phù Quốc N. (49 tuổi, ngụ xã Dân Thành) làm việc tại công trình nhà máy nhiệt điện được hơn 3 năm. Khi vào làm công nhân, ông cũng thông qua các “tay cò”.

“Làm một thời gian tôi mới biết, nhà thầu Trung Quốc trả cho mình là 220.000 đồng/ngày nhưng thực lãnh tôi chỉ nhận được 160.000 đồng/ngày công”, ông N. nói. Dù biết bị “bớt xén”, nhưng người đàn ông này vẫn chấp nhận làm việc để kiếm tiền lo cho gia đình.

Ông N được ký hợp đồng lao động thời hạn 3 tháng. Ngoài việc quy định tiền lương, theo ông N cũng không có bất kỳ khoản trợ cấp nào, kể cả bảo hiểm. Trường hợp xảy ra sự cố tai nạn, người lao động phải lãnh hậu quả, với nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Mấy tháng trước, tại công trình nhà máy nhiệt điện đã xảy ra vụ tai nạn lao động, làm một công nhân ở ấp Cồn Cù (xã Dân Thành) tử vong. Đại diện đơn vị có liên quan bồi thường số tiền 200 triệu đồng nên gia đình đã viết bãi nại và không yêu cầu truy cứu trách nhiệm.

Ông Dương Quang Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Trà Vinh cho biết, việc tuyển dụng lao động tại nhà máy nhiệt điện Duyên Hải mà không thông qua ngành chức năng địa phương là sai. Phòng Thanh tra Sở cũng đang tiến hành xác minh, tiến hành xử lý theo quy định.

Cũng theo ông Ngọc, trách nhiệm quản lý nhà nước về lao động, tiền lương trong doanh nghiệp thuộc về UBND huyện với hai cơ quan chức năng là Thanh tra huyện và Phòng LĐTB&XH huyện.

Văn Vĩnh – Lưu Phước
.
.
.