Có hay không việc “bảo kê” cho “vàng tặc” ở Quảng Nam?

Thứ Năm, 31/07/2014, 08:14
Cả một dòng sông Cái chảy qua nhiều biền bãi, làng mạc trên địa bàn huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã bị “vàng tặc” đào bới tả tơi, tan nát như một bãi chiến trường. Cả một khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh rộng lớn có tên trên bản đồ những khu bảo tồn có giá trị nhất trên thế giới, ở huyện miền núi này cũng không nơi nào là không có “vàng tặc”. Nhiều điểm mà “vàng tặc” khai thác chỉ cách trung tâm xã, huyện và các đồn, chốt của ngành chức năng vài cây số, nhưng chúng lại ngang nhiên hoạt động như chốn không người.

“Vàng tặc” ở Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, nhiều nhất là khu vực thuộc xã Đắc Pring, huyện miền núi Nam Giang. Một lực lượng khai thác cũ đã rút ra, nay một lực lượng khai thác mới đang tiến hành ở khe cầu và bãi Pê-ta-bốc, xã Đắc Pring. “Vàng tặc” còn có ở nhiều nơi khác trên địa bàn Nam Giang, như xã Cà Dy; cây số 5, xã TàBhing...

Ở đây người ta thấy một thảm cảnh kinh hoàng của dòng sông Cái; các máy móc đào đãi vàng hoạt động rất hồn nhiên, vô tư (!). Bên cạnh những hầm hố sâu hoắm do “vàng tặc” đang đào bới, khai thác vàng, hầu hết trên dòng sông Cái đều nham nhở hầm hố, tan hoang như một bãi chiến trường mà không hề được hoàn thổ, khắc phục hậu quả môi trường.

Thế nhưng ông A Lăng Cường, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Nam Giang, cho biết tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn với một thái độ rất bằng lòng: “So với trước đây, 2 năm nay “vàng tặc” đã giảm rất nhiều rồi. Đối với những đối tượng khai thác vàng trái phép ở những vùng sâu, vùng xa và Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, anh em chúng tôi đều đã đi truy quét liên tục”. “Riêng Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, trước đây và bây giờ vẫn giao cho khu bảo tồn này quản lý và chịu trách nhiệm. Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Nam Giang chỉ kiểm tra và thực hiện công việc quản lý về mặt hành chính Nhà nước chứ không thể xử lý trực tiếp đối tượng khai thác vàng trái phép”, ông Cường nói thêm.

Dòng sông Cái chảy qua huyện Nam Giang đã bị “vàng tặc” đào bới tan hoang như một bãi chiến trường.  

Tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra ồ ạt trên địa bàn huyện Nam Giang suốt nhiều năm nay. Số điểm bị khai thác ngày càng nhiều lên. Người dân xã TàBhing bức xúc cho biết, riêng trên dòng sông Cái qua địa bàn xã, cứ vài tháng lại thấy xuất hiện ở một điểm nào đó trên dòng sông một nhóm người đưa các phương tiện máy móc, vật tư thiết bị đến ồ ạt khai thác vàng trái phép, nhưng không bị ai xử lý cho tới một thời gian sau đó thì họ tự rút đi.

Trở lại trách nhiệm quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn huyện Nam Giang, ông A Lăng Cường trả lời với vẻ rất khó chịu: “Chúng tôi gặp (những đối tượng khai thác vàng trái phép) thì chúng tôi đuổi họ đi, chứ việc đập phá máy móc của họ là phải cần nhiều lực lượng khác. Phía chúng tôi thì đã đuổi, mà đã đuổi thì họ đi chứ việc hoàn thổ, khắc phục hậu quả môi trường thì bắt ai được; chúng tôi không có thẩm quyền”(?).

Có hay không việc “bảo kê” cho các đối tượng khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện Nam Giang? Dư luận không đơn giản nhìn vào hiện tượng để suy ra bản chất, mà thực tế qua tìm hiểu với một số đối tượng khai thác vàng trái phép ở đây, các đối tượng này đều chắc như đinh đóng cột: “Có người “bật đèn xanh” và giúp đỡ, thì bọn tôi mới vào được đây. Việc làm ăn thì phải “chung chi” mới làm ăn được”(?).  

Câu trả lời của các đối tượng khai thác vàng trái phép ở Nam Giang xem ra rất đúng với thực tế ở đây, khi mà riêng trên tuyến quốc lộ 14D qua huyện này có rất nhiều cơ quan chức năng, đồn, chốt làm nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên và môi trường, nhưng những chiếc xe xúc, xe tải chở vật tư thiết bị đào đãi vàng trái phép, to lừng lững vẫn dễ dàng “vượt trạm” để vào đó vô tư khai thác vàng (?!). Câu trả lời có hay không việc “bảo kê” cho các đối tượng khai thác vàng trái phép ở Nam Giang, chúng tôi xin dành lại cho các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam!

Trước tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra ồ ạt ở Quảng Nam, trong hai ngày 22 và 23/7, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên & Môi trường do Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang dẫn đầu, đã đi kiểm tra thực địa ở một số điểm khai thác vàng tại tỉnh này.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang yêu cầu chính quyền địa phương, ngành chức năng liên quan trực tiếp tới việc quản lý tài nguyên và môi trường và chính quyền cấp xã phải quản lý chặt chẽ hơn nữa, kiên quyết hơn nữa trong việc đẩy đuổi, xử lý các đối tượng “vàng tặc”.

Thanh Bình
.
.
.