Cô giáo của những đứa trẻ bị bỏ rơi
Họ là những cô giáo đặc biệt ở ngay Thủ đô Hà Nội: không trường học, không tiếng trống, không sân chơi và phải dạy lớp ghép. Đơn giản bởi học sinh của họ đều là những trẻ em có HIV bị cha mẹ bỏ rơi. Những ngày tháng 11 này lại gợi nhắc chúng tôi nhớ đến họ - những cô giáo ở Trung tâm GD-LĐXH số 2 (Trung tâm 02), xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP Hà Nội khi họ đã dành tất cả tâm huyết, thời gian, công sức cho những trẻ em bất hạnh.
Vượt qua mặc cảm và kỳ thị
Cô giáo Đinh Thị Thủy (44 tuổi) đã có thâm niên 23 năm với nghề dạy học nhưng chị chỉ bắt đầu công tác ở Trung tâm 02 từ năm 2006. Ở Trường Tiểu học Yên Bài, huyện Ba Vì, cô Thủy vốn là một giáo viên có nhiều kinh nghiệm, vững chuyên môn, tính cách nhẹ nhàng, điềm tĩnh. Nhà lại gần Trung tâm (cách 4km) nên khi phải chọn giáo viên cử vào dạy trẻ em “có H” ở Trung tâm 02, chị là người được Ban giám hiệu nhà trường “chấm” đầu tiên. Thông tin mới phong thanh thì chị đã vấp phải sự phản đối của chồng, gia đình nhà chồng và bạn bè, ai cũng lo lắng cho chị.
Thế nhưng có thể là do cái duyên, chính chị cũng bị những đứa trẻ hồn nhiên, đáng yêu nơi đây thuyết phục trong một lần vào Trung tâm thăm các con đầu năm 2006. Giai đoạn đó trẻ em ở Trung tâm 02 chưa được uống ARV (thuốc kháng HIV) nên nhìn cảnh các con bị trốc đầu, lở loét khắp người khiến chị vừa thương cảm vừa sợ hãi. Khi chị được giới thiệu là cô giáo ở trường ngoài sẽ vào dạy các con, chứng kiến cảnh các con ồ lên vui sướng, ôm chầm lấy cô, ríu rít hỏi “bao giờ cô dạy các con”, chị đã quên hết nỗi sợ hãi. Chị quên hết mọi khoảng cách, những giọt nước mắt cứ thế chảy dài bên khóe mắt vì thương các con, quý sự ham học của những đứa trẻ không may mắc trong mình trọng bệnh. Rồi bằng tình thương và quyết tâm của mình, chị đã thuyết phục được chồng và gia đình, cũng như vượt qua rào cản, dị nghị của bạn bè, làng xóm, trở thành giáo viên đứng lớp 1 - 2 ở trung tâm từ 6 năm nay.
Còn Cô giáo Phùng Thị Hà (37 tuổi) đến với trung tâm muộn hơn, vào năm 2008. Tuy nhiên do có chồng công tác ở cùng môi trường - Trung tâm GDLĐXH số 1 nên chị có phần am hiểu và bớt bỡ ngỡ với công việc hơn. Khi được nhà trường cử đến Trung tâm 02 dạy học, Ban giám hiệu không cần mất thời gian làm công tác tư tưởng mà chị sẵn sàng nhận nhiệm vụ ngay, dù phải đối mặt với cảm giác buồn vì xa trường, xa lớp, phải làm quen với công việc mới từ đầu, phải tìm hiểu, nghiên cứu cách phòng bệnh…
Vừa là cô, vừa là mẹ, vừa là y tá
Thời gian đầu các cháu chưa được uống thuốc ARV, hay bị chảy máu cam, nôn ra sách vở, chảy nước vàng ra bàn ghế. Những lúc ấy cô giáo lại trở thành người y tá hướng dẫn các cháu ngửa đầu lên để cầm máu, hoặc dùng găng tay lấy khăn lau cho các cháu…
“Có lần mình đang dạy thì một cháu cứ loay hoay dùng tay day day răng, không tập trung. Khi tìm hiểu mới biết hóa ra cháu đến kỳ thay răng. Mình trở thành bác sỹ bất đắc dĩ lấy găng tay nhổ răng cho cháu, bởi nếu không thì cả buổi cháu cũng chỉ ngồi sờ răng không tập trung học được…”. Cô giáo Đinh Thị Thủy kể lại. Nếu không có tính kiên trì và tình thương thì chắc hẳn các chị không thể gắn bó với các con ngay từ những năm tháng khó khăn đầu tiên như thế.
Theo cô giáo Phùng Thị Hà, dạy học sinh “có H” phải bằng cả tâm huyết và sự kiên trì. |
Môi trường ở trung tâm khác rất nhiều so với ở ngoài. Không phải là trường học chính thức, mà chỉ là lớp tạm, không có tiếng trống trường, không có sân chơi khiến cả cô và trò đều phải linh hoạt, chủ động để tự khắc phục. Hoạt động dạy học cũng khác. Là lớp ghép 2 trình độ một lớp nên cô giáo là người sắp xếp giờ dạy và môn học sao cho phù hợp để 2 lớp có thể cùng học mà không ảnh hưởng lẫn nhau. Chẳng hạn giờ tập đọc thì cho cả 2 lớp đọc nối tiếp nhau. Học sinh thì đa dạng kể cả về nhận thức và sức khỏe, nên các giáo viên phải linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với từng hoàn cảnh.
“Không có một giáo trình nào phù hợp với lớp ghép cả, cũng không có biện pháp tối ưu, mà chỉ có thể vận dụng, biến hóa linh hoạt để phù hợp với từng hoàn cảnh mà thôi”, cô giáo Phùng Thị Hà cho biết.
Đặc thù của những học sinh nhiễm HIV là nhận thức chậm hơn trẻ bình thường, nhanh nhớ nhanh quên nên cô giáo phải giảng từ từ, đến bên từng cháu cầm tay uốn nắn. Việc các con phải dùng thuốc cũng ảnh hưởng nhiều đến não bộ và nhận thức, nên cô giáo luôn hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ nhất có thể và làm đi làm lại nhiều lần để các con nắm bắt được bài. Một trong những bí quyết của những giáo viên nơi đây là quan sát thời tiết, sức khỏe cũng như sắc mặt của các con. Nếu thời tiết giao mùa, mệt mỏi, sức khỏe các con suy giảm, không học được thì cần giảm giờ học, tăng giờ chơi hoặc tăng nói, giảm viết, tăng cường vận động, sinh hoạt nhóm…
Chị Đinh Thị Thủy còn nhớ lần dạy về liên hệ gia đình, một học sinh đứng dậy bật khóc “thưa cô con không có gia đình”. Học sinh này bị bỏ rơi ở bệnh viện từ lúc mới sinh nên không biết bố mẹ là ai. Khi được phép kể về người thân, em đã bày tỏ mong muốn kể về mẹ. Mặc cả lớp cười ồ lên, trong bài văn của mình em đã viết: “Mẹ của con là cô giáo Thủy, mẹ dạy 9 anh em chúng con. Mẹ của con rất hiền, thường dạy chúng con điều hay lẽ phải…”. Những câu văn chân thực, giản dị nhưng khiến chị bất ngờ và xúc động, tiếp thêm sức mạnh để chị tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Từ những phút giây ban đầu khó khăn, lo lắng là thế nhưng giờ đây chị Hà, chị Thủy đều cảm thấy gắn bó với các con lắm, không muốn rời xa. Một ngày lễ hiến chương các nhà giáo lại đến. Chúc cho các chị luôn giữ được lửa nhiệt huyết, tận tâm với sứ mệnh của “người lái đò”, đưa những thế hệ học trò đặc biệt này “sang sông”.
Cô giáo Phùng Thị Hà: Phải dạy bằng cả tâm huyết của mình Đối với học sinh “có H” phải thực sự thương yêu và bỏ hết tâm huyết của mình ra. Trong quá trình dạy học có nhiều học sinh tính cách khác nhau, nhiều em cá biệt có thái độ chống đối, như đang học trong lớp thì cho 2 chân lên bàn hay tự nhiên hát rất to trong giờ học. Những lúc đó mình phải nhẹ nhàng hơn ai hết, nhắc nhở để các con nhận thức và sửa chữa, chứ không thể nóng giận hay quát mắng được… |