"Cò" bệnh viện vẫn tung hoành

Thứ Tư, 20/10/2010, 15:16
Rồng rắn, chen chúc xếp hàng mua phiếu khám bệnh ở một số bệnh viện tuyến Trung ương đang là chuyện thường ngày mà người bệnh phải đối mặt. Quá tải bệnh viện đã trở thành đất sống cho một bộ phận người đến "kiếm ăn" bằng cách dẫn dắt hoặc làm cò mồi cho bệnh nhân. Chuyện thật như đùa khi có bệnh viện ngoài lo công tác chuyên môn lại luôn phải tìm cách chống đỡ "cò".

Nhiều bệnh nhân mắc bẫy "cò" bệnh viện

Sáng thứ hai, ngày 18/10, là sáng đầu tuần nên tại khu vực của 2 phòng khám bệnh tại khu B và E của Bệnh viện K Trung ương đông cứng người. Không chỉ ở các khu vực này mà bệnh nhân và người nhà bệnh nhân còn đứng chật kín cả một đoạn dài trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng và Quán Sứ. Trung bình mỗi ngày bệnh viện này khám cho từ 800 đến trên 1.000 bệnh nhân. Lách vào dòng người đông đúc, tôi "ngơ ngác" đứng ở cổng chính của bệnh viện thì đã thấy một nhóm phụ nữ "cắp nách" túi sổ y bạ đang mời chào bệnh nhân đến khám. Đi vào khu vực phòng khám không khí khá ngột ngạt do lượng người quá đông. Tôi đành quay ra.

Một tài xế xe ôm đến bắt chuyện và ra giá luôn: "Chỉ 30 nghìn là được khám ngay, tội gì mà phải xếp hàng đến trưa". Anh ta dắt tôi ra gặp một phụ nữ đứng ở ngay cổng chính, chị này hỏi tôi "khám gì" và cũng ra giá luôn "200 nghìn trọn gói". Theo lời chị tôi sẽ được dẫn vào thẳng phòng nội soi, công dẫn 50 nghìn, còn 150 nghìn là tiền nội soi đưa luôn cho bác sĩ mà không cần hoá đơn. Tôi đồng ý với điều kiện khi nào khám xong mới đưa tiền. Chị ta đồng ý và yêu cầu tôi đợi ở trước cửa phòng nội soi. Một lát sau chị ta đến và yêu cầu tôi đứng đợi. Tưởng chị ta vào trong "làm việc" với bác sĩ để tôi được khám sớm nhưng ai ngờ một lúc sau quay ra, chị ta bảo: "Hôm nay không có ca bác sĩ quen. Muốn nhanh thì ra phòng khám ngoài này, toàn giáo sư đầu ngành cả". Hoá ra chị ta không thể đưa tôi đi khám nhanh được như quảng cáo mà cố ý lôi kéo tôi ra phòng khám ngoài để lấy 50 nghìn tiền công của tôi và "hoa hồng" từ phòng khám ngoài. Tôi nhất quyết không chịu, sau một hồi mặc cả lên xuống tôi phải rút 20 nghìn trả cho người phụ nữ.

“Cò” bệnh viện thường đứng trước cổng Bệnh viện K Trung ương để “mời” khách.

Không chỉ tồn tại nhức nhối ở cổng Bệnh viện K mà "cò" bệnh viện có mặt ở nhiều nơi, lôi kéo, dụ dỗ người bệnh đưa tiền cho "cò" để được khám bệnh chóng vánh, giảm thời gian chờ đợi. Cổng Bệnh viện Mắt Trung ương cũng là một ví dụ về tình trạng "cò" lộng hành. Tại đây tồn tại một đội ngũ "cò" khá đông, khoảng 30 người cộng với một số lái xe ôm. Ông Dương Văn Thành ở Ân Thi, Hưng Yên bị "cò" lừa mất 150 nghìn tiền khám bức xúc cho biết: "Họ thấy đông nên bảo tôi lên xe chở đi vòng vo một lúc rồi thả về bệnh viện, tiền thì mất mà khám không được".

Bệnh viện phải "chạy" theo "cò"

Đây là một nghịch lý đang tồn tại, ngoài việc phải chú trọng đến vấn đề chuyên môn, có bệnh viện lại còn luôn phải tìm cách đối đầu với nạn "cò mồi" gây nhũng nhiễu bên ngoài bệnh viện. Câu chuyện này xảy ra ở Bệnh viện Mắt Trung ương mà theo ông Đỗ Việt Hải, Trưởng phòng Tổ chức thì cứ một thời gian bệnh viện lại phải tìm cách chống đỡ với "cò" mà vẫn không giải quyết dứt điểm được.

Có thời gian các đối tượng "cò" hoạt động khá mạnh, rất nhiều bệnh nhân bị các đối tượng này dẫn dắt và lừa đảo. Nhờ công tác tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, đặc biệt tuyên truyền giáo dục cho người dân đến sau phải xếp hàng mua số nên tình trạng thuê "cò" dẫn đi khám đã giảm hơn trước. Tuy nhiên, "cò" ở trước cổng Bệnh viện Mắt TW hiện nay đang hoạt động theo kiểu "gia đình", có khoảng vài chục người ở địa bàn khác là anh em họ hàng tụ tập, bâu lấy trước cổng bệnh viện sẵn sàng "vợt" khách.

Theo ông Hải, thủ đoạn của "cò" hiện nay rất nhiều dạng như: nhận tiền dẫn dắt bệnh nhân nhưng làm không đến nơi đến chốn; "cò" "móc" bệnh nhân từ trong viện ra phòng khám ngoài; bán trực tiếp y bạ giống của bệnh viện, sử dụng hoá đơn giả có đóng dấu đỏ của phòng khám. Bệnh viện Mắt TW đã phải phối hợp với Công an phường Nguyễn Du và Bùi Thị Xuân tổ chức quét vét các đối tượng với lý do gây cản trở giao thông. Cách đây 2 năm đã thuê cả Trung đoàn Cảnh sát cơ động nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm được, thậm chí các đối tượng còn chống lại lực lượng Công an và bảo vệ.

Chính vì thế mà Bệnh viện Mắt TW luôn phải tìm cách chống “cò” bằng cách phát không sổ y bạ cho bệnh nhân; ngoài duy trì 10 phòng khám với ngày cao điểm lên tới gần 1.300 bệnh nhân đến khám thì bệnh viện còn mở các phòng khám vệ tinh để chống quá tải; nâng cao công nghệ thông tin bằng cách vào số bằng máy tính, thông số sẽ được chuyển về phòng khám, bác sĩ khám xong kê đơn thuốc vào máy tính. Hơn 2 tháng nay bệnh viện bố trí mỗi cổng cử một cán bộ điều dưỡng ra tiếp đón và tư vấn cho bệnh nhân…

Giống Bệnh viện Mắt TW, Bệnh viện K TW cũng đau đầu tìm cách chống "cò" trước cổng viện. Ông Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K TW khẳng định: "Không có chuyện bác sĩ của bệnh viện "bắt tay" với "cò" để bệnh nhân được khám nhanh như quảng cáo. Chúng tôi đã tổ chức lại 2 phòng khám và quán triệt cho cán bộ nhân viên của phòng khám bệnh không tiếp tay cho "cò". Bệnh viện hằng ngày đều đặn phát thông tin cảnh giác cho bệnh nhân trên loa phát thanh và đặt biển ở cả 2 phòng khám cho bệnh nhân dễ thấy".

Theo khuyến cáo của các bệnh viện thì bệnh nhân khi đến khám chữa bệnh hãy nêu cao cảnh giác, tuyệt đối không tin và nhờ "cò mồi" dẫn dắt vào khám, mà hãy xếp theo số thứ tự vừa thể hiện sự văn minh, vừa không bị mất tiền oan.

Trần Hằng
.
.
.