Chuyện xây đền thờ Bác Hồ ở Bạc Liêu

Thứ Hai, 17/03/2008, 18:56
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, người dân Bạc Liêu vẫn gìn giữ đền thờ Bác Hồ (xây dựng năm 1972) như là chốn thiêng liêng nhất. Trong Nhà trưng bày tại đền hiện có trên 300 tài liệu, hiện vật và hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Tôi về Bạc Liêu rồi hỏi đường vào xã Anh hùng Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi vào một ngày trung tuần tháng ba đầy nắng gió. Thật là trùng dịp, hôm ấy, Đại tá Đỗ Việt Thắng - Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cùng hơn 50 cán bộ chủ chốt của Công an tỉnh cũng đến Đền thờ Bác Hồ - một địa chỉ đỏ của địa phương đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia từ cách nay 10 năm, để dâng hương nhân kỷ niệm 60 năm lực lượng CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác dạy.

Và PV Báo CAND đã ghi lại được nhiều câu chuyện xúc động trên bờ sông Bà Chăng… 

Theo lời của Đại tá Đỗ Việt Thắng, để có được đền thờ Bác đẹp, khang trang trong khuôn viên rộng, đầy hoa kiểng như ngày hôm nay là cả một quá trình; và tất cả đều xuất phát từ tấm lòng kính yêu của người dân Bạc Liêu đối với Bác.

Huyền thoại từ trái tim

Nhiều người dân Châu Thới vẫn không thể nào quên, khi nhận được tin Bác mất, ngôi nhà của ông Trần Văn Tên - nơi thường tẩm liệm nhiều cán bộ cách mạng hy sinh, được chọn làm điểm tổ chức lễ truy điệu Bác. Thực hiện lời phát động của Huyện ủy Vĩnh Lợi, chẳng bao lâu sau tại ấp Bà Chăng, nhà tưởng niệm Bác đã được dựng lên.

Sau cuộc họp ngày 15/4/1972, có sự tham dự của đồng chí Ba Hiếu - Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi, chủ trương xây dựng đền thờ Bác được đưa vào Nghị quyết BCH Xã ủy Châu Thới. Ban chỉ đạo xây dựng đền thờ gồm 3 đồng chí được thành lập.

Ông Nguyễn Văn Khoa (Bảy Khoa) - thành viên Ban chỉ đạo lúc bấy giờ, kể cho tôi nghe tiếp câu chuyện đầy xúc động: "Trưởng ban là Bí thư Xã ủy Nguyễn Sơn Giang, Phó Ban là anh Ngô Hồng Đức - Thường vụ Xã ủy. Tôi được phân công làm Đội trưởng Đội bảo vệ có 7 đồng chí. Việc xây dựng đền được giao cho 2 ông Khưu Minh Khuôl và Phạm Văn Khởi.

Vào lúc này, việc mua, tập kết vật liệu xây dựng hết sức khó khăn do phải đi qua nhiều trạm kiểm soát của địch. Mỗi lần chẳng may bị bọn địch chặn lại xét hỏi, người dân nói rằng đi mua về để xây mộ, sửa nhà…".

Bảy Khoa bộc bạch ông vẫn nhớ như in ngày lễ khởi công xây dựng đền.

"Hôm đó là ngày 25/4/1972. Hàng ngàn cán bộ, nhân dân từ các ấp của Châu Thới đổ về. Đồng chí Bí thư Xã ủy là người đặt viên gạch đầu tiên. Các đồng chí trong ban chấp hành Xã ủy đều có mặt đông đủ. Má ba Trà - cao tuổi Đảng nhất cũng tham gia lao động. Lực lượng tham gia xây dựng của các ấp Bào Sen, Giồng Bướm A, B, Bà Chăng A, B… đều có mặt.

Nhiều người dân (trong đó có bà Tư Thôi, sau này được tặng danh hiệu Mẹ VNAH) tự nguyện giúp cơm, giúp nước. Nhiều lúc đang xây dựng anh em phải ngưng tay vì bọn địch vẫn rình rập bắn phá ác liệt nhưng đúng ngày 19/5/1972, ngôi đền rộng 18,24m2 đã được hoàn thành trên phần đất Chùa ông Hai Kiệm có tổng diện tích khoảng 6.000m2".

Khoảng 9h sáng hôm đó, hàng ngàn người dân và cán bộ cách mạng kéo về làm lễ khánh thành đền thờ Bác. Nhìn những câu thơ trên cột xi măng như: Cơm no áo ấm nhớ ơn Đảng/ Độc lập tự do nhớ Bác Hồ; hay "Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến! Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!... không ai cầm được nước mắt.

Tuy nhiên, đấy lại là thời điểm khí thế cách mạng của dân, quân Châu Thới mạnh hơn lúc nào hết khiến bọn địch càng căm tức và tìm cách đối phó. Huyện ủy Vĩnh Lợi chỉ đạo các lực lượng du kích, địa phương quân bằng mọi giá, dù phải hy sinh tính mạng cũng phải bảo vệ bằng được Đền thờ.

Ông Bảy Khoa kể: "Sau rất nhiều đợt bắn phá, càn quét, vào tháng 3/1973, bọn địch tiếp tục dùng 4 máy bay trực thăng bay từ Sóc Trăng xuống định tiêu diệt đền thờ. Lập tức, 4 cán bộ trong Đội bảo vệ gồm Mẫn, Sệt, Hoặc và Đức đã dũng cảm và khéo léo dùng súng M16 dụ 4 chiếc máy bay địch ra khu vực đồng trống. Bị đánh lạc hướng chúng chẳng thực hiện được mục đích ban đầu.

Mấy ngày sau đó, tên Thiếu tá Mã Thành Nghĩa - Chỉ huy trưởng Tiểu khu 411 ngụy, dẫn lính phát quang và bắt hàng trăm nhân dân địa phương (trong đó có cả người già, trẻ em) vào phá đền. Nhưng toàn thể người dân đều nhất loạt hô to: "Các ông có bắn chết hết, chúng tôi cũng không dám dẫn các ông vào khu vực đền thờ, vì xung quanh có bãi mìn dày đặc, đến đó chỉ có đường chết mà thôi". Trước câu trả lời đanh thép ấy, tên Nghĩa và bọn lính run sợ rút lui.

Và những chuyện cảm động

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, người dân Bạc Liêu vẫn gìn giữ đền thờ Bác như là chốn thiêng liêng nhất. Trong Nhà trưng bày tại đền hiện có trên 300 tài liệu, hiện vật và hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về cuộc chiến đấu kiên cường của quân, dân Châu Thới trong việc xây dựng, bảo vệ đền thờ.

Ban Giám đốc và hơn 50 cán bộ chủ chốt của Công an Bạc Liêu tổ chức lễ dâng hương đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi vào ngày 11/3 vừa qua.

Gần như ai đến tham quan thắp nhang tại đền thờ Bác cũng xúc động khi được biết, xã Châu Thới có tới 468 liệt sĩ, trên 200 thương binh, hơn 1.000 gia đình có công với cách mạng, 24 Mẹ VNAH (6 mẹ còn sống) và 2 Anh hùng LLVTND.

Đại tá Đỗ Việt Thắng kể, hàng năm, đền thờ Bác luôn diễn ra nhiều hoạt động có ý nghĩa. Riêng với Công an Bạc Liêu, từ cách đây hàng chục năm luôn duy trì hoạt động dâng hương, về nguồn, báo công dâng Bác, phát động phong trào thi đua... Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Quốc hội, Nhà nước mỗi khi về Bạc Liêu cũng đều ghé đền thờ Bác.

Vào ngày 25/12/2004, sau khi đốt cho Bác nén nhang, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã xúc động ghi lại lời cảm tưởng: "Việc lập đền thờ, gìn giữ và bảo vệ đền thờ Bác qua năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân xã Châu Thới nói riêng và đồng bào miền Nam nói chung là thể hiện lòng kính yêu và tiếc thương vô hạn đối với Bác, là niềm tin sắt đá vào Đảng và sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta"

Thái Bình
.
.
.