Chuyện những người lao công ở TP HCM
Để sáng mai ra mọi người đón ngày mới tinh khôi với những cung đường sạch đẹp, đêm nay cũng như mọi đêm, họ - những anh chị lao công lại bặm mình trong muôn vàn hiểm nguy, tai nạn chực chờ.
Gần 1h sáng, sương xuống lạnh nhưng gương mặt anh lao công Trần Thanh Hùng (Đội 2, Công ty Dịch vụ công ích quận 3) nhễ nhại mồ hôi. Bên trụ đèn đường vàng vọt, anh mở đầu câu chuyện quét rác đêm với những mối nguy thường trực bằng cái chỉ tay vào vết sẹo trên sống mũi: "Phần thưởng của mấy gã say "tặng" cách đây 3 tháng đấy!".
Dễ bị hành hung
Trên tuyến đường mà ngày lại ngày anh Hùng cùng đồng nghiệp là anh Nguyễn Kim Tùng lia chổi, thật ái ngại khi được mắt thấy tai nghe những người lao công mẫn cán, trách nhiệm với công việc, tâm tình rằng các anh chị không ngại mưa gió, bụi bẩn, mùi hôi hay cuộc sống lấy đêm làm ngày, hoặc mặc cảm mình phận quét rác.
"Chúng tôi chỉ ngại bị bọn xấu hành hung thôi" - anh Tùng tâm sự: "Dù muốn hay không thì những lao công như chúng tôi đều ít nhiều bị bọn lưu manh tấn công. Lúc thành phố ngủ, mình thức làm việc trên những cung đường vắng. Nên nếu lỡ bị bọn xấu dòm ngó thì khó tránh khỏi đòn đau. Như tôi bị bọn du thủ du thực nặng lời thóa mạ, thi thoảng bị sỉ vả, tát mặt còn đỡ, chứ như anh Hùng bị bọn cô hồn say xỉn đánh đến trào máu".
Chuyện xảy ra cũng tầm giờ này, lúc anh Hùng đang lia chổi gần khu vực ngã tư Bà Huyện Thanh Quan - Điện Biên Phủ. "Thấy 4 gã thanh niên đang túm tụm bàn chuyện "đi tăng ba", biết đấy là đám dân chơi thứ dữ dây vào dễ bị dính đòn nên khi quét tới gần, tôi né nhưng vẫn bị chúng bắt lỗi. Một gã để đầu trọc hất hàm hỏi tôi: "Tụi tao đâu có gây thù chuốc oán đâu mà sao mày lấy chổi quét đuổi?". Biết bọn chúng kiếm cớ gây sự nên tôi im lặng, chuyển sang quét bên kia đường. Thấy vậy thì một tên khác gọi giật ngược: "Ê thằng kia, bạn tao hỏi sao mày không trả lời nó! Mày khinh tụi tao chứ gì?".
Giữa lúc anh Hùng chưa biết phải xử lý tình huống oái oăm kia ra sao thì cả đám côn đồ lao vào đấm đá tới tấp. "Đến khi thấy tôi nằm bất động trên đường với máu tuôn đầm đìa, bọn chúng mới leo lên xe rồ máy bỏ đi. Một lúc sau tôi tỉnh dậy, lê lết ngồi tựa vào gốc cây ven đường rồi gọi điện thoại nhờ bạn đến đưa đi cấp cứu. Trận đó tôi bị đánh gãy sống mũi phải khâu mấy mũi, toàn thân bầm tím".
Vất vả mưu sinh, các anh chị lao công còn bị nhiều mối nguy hiểm rình rập. |
Tai nạn rình rập
Trắng đêm với các anh chị lao công, mới biết "nghề quét rác" đúng như tâm sự của nhiều người trong họ "chồng chất nguy hiểm, tai ương rình rập, sẵn sàng giáng xuống đầu bất kỳ lúc nào". Anh Nguyễn Viết Thanh, 39 tuổi, ở đội 1, có thâm niên 13 năm quét hốt rác trên tuyến đường Trần Văn Đang (phường 11, quận 3), tâm tình: "Ai nói quét rác là nghề dễ nhất ắt lầm to. Nghề này đâu chỉ đơn giản là cầm chổi quét gom rác rồi hốt bỏ vào sọt đâu. Vào những tối cuối tuần, đến 2-3h sáng nhưng đường phố vẫn ầm ầm tiếng động cơ của đội quân "bão đêm", mình vừa quét rác vừa đảo mắt để nghe có động là nhảy lên vỉa hè liền. Chậm chân là bị mấy ông hung thần tốc độ lủi chết".
Anh Thanh liệt kê tên tuổi một vài đồng nghiệp "bị quái xế lủi", người bị nhẹ thì gãy chân, gãy tay, người chẳng may dính đòn chí mạng thì "vĩnh viễn gác chổi". Đó là chị Nguyễn Thị Thanh Mai lúc quét trên đường Lê Quý Đôn bị quái xế tông gãy chân vào đêm 29 Tết. Là chị Dương Thị Hồng bị một người đàn ông chạy như bão lủi thẳng khiến chị bể đầu gối, đứt dây chằng, bất tỉnh 3 ngày, nằm viện đến 6 tháng…
Đó còn là anh Nguyễn Văn Dũng bị phường xỉn say tông thẳng đập đầu xuống đường bị chấn thương sọ não. "Thấy ảnh nằm bất động bên vũng máu, gã nọ thay vì đưa đi cấp cứu thì dựng xe chạy thẳng một mạch. Đến khi được phát hiện và đưa đi cấp cứu thì ảnh chết trên đường đến bệnh viện" - anh Thanh nói mà như khóc. Cũng theo lời anh, một đồng nghiệp phải vong mạng vì quái xế gần đây nhất là chị Trân, mới ngoài 20 tuổi, ở quận 6, là trụ cột của gia đình nghèo khó…
Nhưng những mối nguy tai bay vạ gió đâu chỉ dừng lại ở đấy. Những người lao công còn kể cho chúng tôi nghe chuyện giữa lúc họ đang quét đường thì bị bọn lưu manh chạy ngang đập cây vào đầu, dùng gậy quất thẳng vào chân rồi cười hô hố. Những anh chị lao công ấy cũng kể họ còn bị bọn say thuốc gí dao xin đểu, trấn lột. Chị lao công Ngô Thị Tuyết Ngân có 14 năm tuổi nghề, e dè cho biết: "Kinh khủng không kém là bị bọn biến thái, bệnh hoạn sàm sỡ".
Đồng nghiệp với chị Ngân là chị Võ Thị Kim Huệ cho biết chị cũng từng bị những gã dê xồm chờ lúc đường vắng lao tới ghì chặt, sờ soạng. "Mình làm lâu năm, những chuyện ấy cũng ít nhiều nếm trải nhưng mỗi khi nhớ lại cũng rùng mình, huống chi những em mới vào làm, nhất là các em chưa lập gia đình thì cú sốc ấy ám ảnh mãi" - nói đến đây, đôi mắt chị lao công rớm lệ!