Chuyện lưu thông qua hầm Thủ Thiêm

Thứ Ba, 23/03/2010, 15:47
Với chiều dài cả hầm dẫn mới là 1,5km, thời gian chạy xe máy qua đường hầm Thủ Thiêm chỉ mất 3 - 4 phút nên không có gì đáng ngại. Cũng khó có thể cấm xe máy qua hầm bởi lượng người đi xe máy muốn chạy suốt tuyến "nghẽn" tại 2 đầu hầm sẽ tiếp tục dồn vào trung tâm gây kẹt xe hơn. Đại lộ Đông Tây có 1 làn dành cho xe máy thì chắc chắn hầm chui Thủ Thiêm cũng cho xe máy qua.

Theo thiết kế kỹ thuật, hệ thống thông gió, hút ẩm, chiếu sáng, đo độ ồn, khói bụi tự động… và hệ thống thông tin liên lạc, báo động, phòng chống cháy nổ được lắp đặt trong hầm Thủ Thiêm sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối với tất cả phương tiện lưu thông qua đường hầm.

Khi tiếng ồn, độ ẩm trong hầm vượt quá mức cho phép, hệ thống sẽ tự động báo động; tự xử lý bằng cách hút ẩm ra ngoài hoặc thông báo về Trung tâm điều khiển tại gần cửa hầm dẫn phía quận 2.

Ngoài ra, hai bên hông phần hầm dìm còn có đường thoát hiểm, gặp sự cố, các cửa vào đường thoát hiểm sẽ mở ra để phương tiện đang chạy trong hầm tiếp tục lưu thông hoặc quay ngược trở lại. Ngay cả với trường hợp hầm bị cúp điện, lưu thông qua hầm vẫn được duy trì bình thường nhờ vào hệ thống điện dự phòng.

Sẽ cho xe máy qua hầm Thủ Thiêm

Khi tuyến Đại lộ Đông Tây hoàn thành đưa vào khai thác sẽ giải quyết cho hầu hết lượng xe tải, xe container lên đến hàng chục ngàn lượt vận tải hàng hoá ra vào hệ thống cảng biển của thành phố mỗi ngày theo 2 hướng: Cửa ngõ Đông Bắc - Tây Nam và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Khi một lượng lớn xe ôtô đi theo lộ trình Đại lộ Đông Tây, cầu Sài Gòn cũng sẽ được giảm tải; các tuyến vận tải hàng hoá chính đi qua trung tâm thành phố trước đây cũng sẽ bớt kẹt xe… không chỉ vậy, trước một đường hầm hiện đại, vừa rút ngắn lộ trình lại vừa tránh được thảm cảnh kẹt xe ở các tuyến đường nội thành khác cho người đi xe máy qua lại giữa các quận trung tâm; các quận huyện phía Tây thành phố với các quận phía Đông Bắc, nhiều người dân cứ băn khoăn rằng liệu hầm làm xong xe máy có được đi qua lại? Khai thác hầm chui chắc chắn sẽ gắn liền với việc thu phí, nếu thu với xe máy sẽ gây dồn ứ…

Mặt khác, nếu quy định tốc độ lưu thông trong đường hầm cả với xe máy, các loại xe phải "đua" theo nhau cũng là một trở ngại; xe máy qua lại nhiều xả khói gây ô nhiễm, tăng độ ồn…

Tuy thiết kế hầm Thủ Thiêm mỗi chiều đều đã có 3 làn đường trong đó đã có cả làn đường dành cho xe máy, nhưng trước băn khoăn này, kỹ sư Lê Trung Kiên, đại diện đơn vị tư vấn giám sát khẳng định: Hầm Thủ Thiêm sau khi hoàn thành đưa vào khai thác vẫn cho xe máy qua lại bình thường, chỉ cấm người đi bộ.

Ông Trần Hồng Nam thì phân tích: Với chiều dài cả hầm dẫn mới là 1,5km, thời gian chạy xe máy qua đường hầm chỉ mất 3 - 4 phút nên không có gì đáng ngại. Mặt khác, cũng khó có thể cấm xe máy qua hầm bởi lượng người đi xe máy muốn chạy suốt tuyến "nghẽn" tại 2 đầu hầm sẽ tiếp tục dồn vào trung tâm gây kẹt xe hơn. Đại lộ Đông Tây cũng không phải là tuyến cao tốc, đường có 3 làn xe mỗi chiều, trong đó có 1 làn dành cho xe máy thì chắc chắn hầm chui Thủ Thiêm cũng sẽ cho xe máy qua.

Cửa hầm dẫn vào hầm chui Thủ Thiêm. Ảnh : Đ.T.

Đẹp cả về mặt kiến trúc và  mỹ quan đô thị

Sau khi đốt hầm số 1 vừa được lai dắt, lắp đặt thành công, trong cuộc họp rút kinh nghiệm ngày 13/3 với Ban chỉ đạo công tác lai dắt, lắp đặt, Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân ngoài việc yêu cầu các đơn vị liên quan phải đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công hầm Thủ Thiêm và toàn bộ dự án Đại lộ Đông Tây, nhất và với công trình nút giao thông ngã 3 Cát Lái để có thể kết nối đồng bộ, thông xe suốt tuyến khi đường hầm làm xong.

Để tuyến giao thông quan trọng này thực sự hoành tráng, xứng tầm với năng lực giải quyết giao thông không riêng gì cho thành phố mà còn cho cả khu vực, cũng trong cuộc họp rút kinh nghiệm về công tác lai dắt, lắp đặt đốt hầm số 1 này, Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải bảo đảm về mặt kiến trúc, mỹ quan đô thị  trên dọc tuyến Đại lộ Đông Tây: Trồng loại cây gì ven đường, bồn hoa cây cảnh trên đường sẽ bố trí màu sắc, hình thù thế nào… là vấn đề phải được tính toán kỹ.

Việc xây dựng Đại lộ Đông Tây cũng góp phần cải tạo môi trường tuyến kênh Bến Nghé - Tàu Hũ và mỹ quan đô thị. Hàng ngàn căn nhà lụp xụp ven kênh trước đây nay được giải toả để thay bằng những dải công viên cây xanh, công trình công cộng… kết nối đồng bộ với Đại lộ Đông Tây.

Ngay sau khi giải phóng mặt bằng để làm đường, những hộ dân phía trong trở thành nhà mặt tiền của một tuyến đường đẹp nhất thành phố đã đầu tư cải tạo, sửa chữa nhà cửa khang trang hơn.

Tuy nhiên, do quy hoạch kiến trúc nhà cửa ven tuyến Đại lộ Đông Tây không được thiết kế tổng thể từ trước nên tình trạng người dân bên đường tự "vẽ" kiểu dáng, hình khối, màu sắc đã dẫn tới thực trạng nhiều đoạn phố trở lên "lôm côm", khó ráp cho khớp với con đường đẹp đẽ phía trước mặt.

Cũng trên tuyến kênh Bến Nghé - Tàu Hũ sát bên đã được nạo vét, kè đá 2 bên bờ; dòng nước đen hôi thối trước đây nay đã được đổi màu, dần trong xanh trở lại… nhưng phía bờ kênh thuộc quận 4 và quận 8 từng dãy nhà tôn lụp xụp, xập xệ vẫn đang "khoe" ra với những người đi đường… mà để cải thiện kiến trúc cho những khu vực này sẽ không phải là điều một sớm, một chiều có thể làm được.

Được biết, UBND TP HCM đã chỉ đạo rất sát vấn đề kiến trúc nhà ở ven tuyến Đại lộ Đông Tây nếu người dân tiến hành xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa. Khi các đơn vị chức năng kiên quyết thực hiện, thì "Thà muộn còn hơn không" rất cần kiến trúc tổng thể trên tuyến Đại lộ Đông Tây để xứng tầm với sự đầu tư hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước

Đức Thắng
.
.
.