Chuyện lọc lừa trong thế giới cổ vật

Thứ Sáu, 11/11/2011, 10:30
Với nhiều màn kịch tung hứng, dẫn dụ, kẻ gian đã gài bẫy thành công nhiều "con mồi" lắm tiền nhưng kém hiểu biết tin những món đồ giả cổ giá chỉ vài trăm ngàn đồng là đồ cổ chính hiệu và bán với giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng.

Đời sống kinh tế phát triển, khi chuyện cơm - áo - gạo tiền không còn là vấn đề phải quan ngại, nhiều người lắm tiền lao vào các thú tiêu khiển như chơi cây cảnh, nuôi chim cá cảnh, sưu tầm binh khí… và phổ biến nhất là sưu tầm cổ vật. Nắm bắt tâm lý của những tay chơi ngờ nghệch khoái có được món hàng cổ xưa thuộc loại "độc", vậy là phường gian "đẻ" ra lắm tuyệt kỹ lừa tinh vi.

Những chuyện lọc lừa trong thế giới cổ vật từng được Báo CAND đề cập tại bài viết "Đòn lừa xà kiếm", "Sụp bẫy kiếm cổ Tây Sơn", "Mập mờ cổ vật vỉa hè"... Sau phản ánh của Báo CAND, nạn lừa bán cổ vật rởm với giá trên trời tạm lắng được một thời gian thì sôi động trở lại. 

Anh Trần Sơn, một người chuyên sưu tầm đồ gốm cổ, đặc biệt là gốm Lái Thiêu cho biết bản thân anh khi mới mon men đặt chân vào thú chơi cổ vật cũng bị không ít kẻ lừa bán cổ vật rởm. "Khoảng năm 2002, một người đàn ông nói giọng miền Nam chủ động gọi điện giới thiệu tên Bảo, là người gốc Lái Thiêu, hiện ngụ tại quận 1, TP Hồ Chí Minh. Bảo cho biết anh ta cũng có thú đam mê sưu tầm gốm cổ Lái Thiêu như tôi" - nhà sưu tập Trần Sơn nhớ lại.

Sau vài lần hẹn gặp tại các quán cà phê để trau dồi, chia sẻ kinh nghiệm, thú đam mê, một ngày nọ gặp anh Sơn, Bảo bày tỏ sự tiếc nuối khi biết một người sống tại thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đang muốn bán một bộ sưu tập gồm tô, chén, ấm trà gốm cổ Lái Thiêu với giá rất rẻ, khoảng 200 triệu đồng, trong khi giá trị thật ít nhất gấp đôi.

"Bảo nói anh ta rất kết bộ sưu tập nhưng vì đang kẹt tiền, hiện chỉ có khoảng 100 triệu đồng tiền mặt nên không thể lấy nguyên bộ, còn bán riêng từng món thì người chủ bộ sưu tập nọ nhất định cự tuyệt" - nhà sưu tầm Trần Sơn kể chuyện: "Khi nghe Bảo nói nếu không nhanh tay thì người đàn ông nọ sẽ bán đi bộ cổ vật cho một người Pháp, nghĩ đến cảnh di vật hàng trăm năm của cha ông được gìn giữ qua bao đời phải lưu lạc nơi xứ người, phần vì nghĩ mình nắm trong tay bộ sưu tập đầy đủ, nguyên vẹn quý hiếm với giá rẻ nên tôi mù trí, chủ động nhờ Bảo đưa đến gặp người đàn ông nọ để xem hàng".

Qua trao đổi bằng điện thoại, ông chủ của các món đồ gốm Lái Thiêu cho anh Sơn biết ông ta có việc lên Sài Gòn, để anh Sơn đỡ mất công sức, thời gian, ông ta sẽ đem các món đồ lên cho khách xem, nếu ưng ý thì tiến hành giao dịch. "Hôm sau, tôi đến khách sạn H.N trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, như người đàn ông nọ hẹn. Còn nhớ lúc tôi gõ cửa phòng thì gặp 2 người đàn ông ăn vận sang trọng đang chăm chú soi kính lúp nghía kỹ các món đồ. Hồi lâu sau, 2 ông nọ trả giá 170 triệu đồng nhưng ông kia nhất quyết không bán. Nghĩ rằng giữa 170 triệu và 200 triệu chênh lệch chẳng bao nhiêu, phần vì tin Sơn và 2 ông nọ vốn là những tay chơi lõi đời đã thẩm tra kỹ các món hàng nên khi 2 ông khách kia rút, tôi đồng ý mua với giá 200 triệu. Do không chủ đích đến mua ngay nên khi ấy tôi không mang tiền mặt. Do vậy tôi alô mượn một người bạn cũng là tay chơi cổ vật có tiếng tại TP Hồ Chí Minh. Nghe tôi nói rõ chuyện, ảnh cảnh báo "coi chừng ông bị lừa", nếu được ông bảo bọn nó đem đồ đến nhà tôi, để tôi nghía xem thế nào mua hãy còn chưa muộn".

Phố cổ vật Lê Công Kiều (quận 1) nơi nhiều tay chơi mới "vào nghề" thường ghé săn tìm hàng.

Nghe chí lý, anh Sơn yêu cầu người đàn ông nọ cùng anh bạn tên Bảo đến nhà người bạn thì chủ nhân của bộ sưu tập gốm sứ Lái Thiêu bỗng dưng sừng sộ. "Gã bảo tôi không mua thì thôi, hà cớ gì gây khó dễ làm mất thời gian của gã. Thấy gã thiếu thiện chí, tôi vội cáo từ ra về. Đến nhà bạn, nghe tôi kể lại sự tình, bạn bảo chắc chắn đó là bọn lừa đảo chuyên nghiệp và ông bạn tên Bảo kia có thể là đồng bọn của gã. Thực tình lúc nghe bạn nói vậy, tôi không tin nên alô cho Bảo rủ lại nhà để có dịp hiểu nhau. Ai dè đầu dây bên kia không liên lạc được. Chúng tôi tức tốc đến khách sạn thì nhân viên lễ tân cho biết, ngay khi tôi vừa rời khỏi gã nọ nhanh chóng làm thủ tục trả phòng. Từ đó đến nay, tôi bặt tin của những kẻ ấy", kể đến đây, nhà sưu tập Trần Sơn chép miệng: "May mà nhờ ông bạn lõi đời chứ nếu không tôi sụp bẫy bọn gian kia là cái chắc".

Trong giới sưu tâm cổ vật đất Sài thành, Trung tá Ung Thanh Dũng (Bộ Tư lệnh Thông tin, đơn vị phía Nam) là người sở hữu nhiều bộ sưu tập cổ vật giá trị như trống trận, kiếm trận triều Tây Sơn… cùng nhiều bộ sưu tập giá trị không kém như trống đồng, rìu đá của người Việt cổ…

Trò chuyện về những lọc lừa trong thế giới cổ vật, Ung Thanh Dũng tâm sự anh đến với thú đam mê sưu tầm cổ vật từ năm 1980. Khoảng năm 2000, khi gây dựng được gia tài cổ vật khá đồ sộ, Ung Thanh Dũng tâm sự anh gần như suy sụp khi được "vua ấn triện" Nguyễn Văn Phẩm (nổi tiếng với bộ sưu tập ấn triện của các vương triều phong kiến, đặc biệt là triều Tây Sơn) lúc đến chơi đã thẳng thắn nói rằng "phần lớn đồ của ông toàn đồ giả cổ".

Cũng theo tâm tình của nhà sưu tập Ung Thanh Dũng, giới gian thương trong lĩnh vực buôn cổ vật có rất nhiều tuyệt chiêu siêu hạng để đẩy đưa con mồi nào đó vào tròng. Trước khi muốn câu con mồi nào đó, bọn gian thường tìm hiểu cặn kẽ người đó rằng tiềm lực tài chính của họ ra sao, anh ta thích sưu tầm món gì, anh ta thích sưu tầm cổ vật chỉ để khoe mẽ hay ngoài cái thú đam mê còn là người có tâm huyết… Khi đã tận tường con mồi rồi, chúng sẽ dựng ra đủ thứ kịch bản lừa. Khi thì chúng đóng giả là người dân tộc tình cờ đào được món đồ xưa hay có món đồ gia bảo nhưng do kẹt tiền nên muốn bán gấp… "Cũng có khi chúng đóng vai người chỉ điểm, vờ tình cờ biết ở tỉnh A, tỉnh B có ai đó đang sở hữu món đồ độc cần bán. Khi dụ mình đến nơi cần đến, chúng lại cho người đóng vai tay chơi hay chuyên gia am tường đến xem món hàng và trả giá cao, mục đích để mình tin đó là hàng thật, có giá trị"…

Từ những sẻ chia tâm tình của người trong cuộc, mới thấy gắn liền với thú chơi cổ vật có quá nhiều cạm bẫy. Một lời khuyên mà nhà sưu tầm Trần Sơn và Ung Thanh Dũng khuyên là nếu không am tường về cổ vật thì tuyệt đối đừng đụng tới món đồ được ai đó đồn đại hoặc tuyên bố đẹp, cổ, quý hiếm hay giá trị.

Anh Ung Thanh Dũng lưu ý: "Nếu hỏi một người chuyên về sành sứ món đồ liên quan đến chất liệu đồng thì rõ là khó có được kết quả chính xác. Nên khi quyết định mua món đồ nào đó, bên cạnh lý lịch cổ vật phải rõ ràng, nhất thiết phải nhờ chuyên gia am tường thẩm định. Bằng không mọi sự khinh xuất dễ dẫn đến thảm cảnh trả tiền thật rinh đồ… giả cổ"

T.D. - B.K.
.
.
.