Chuyện lão nông dũng cảm đi tìm công lý

Thứ Sáu, 18/11/2011, 18:51
Hai lần bị trả thù, một bên chân phải gần như bại liệt phải lê từng bước nhưng suốt gần chục năm trời, ông Đào Văn Xạ, 64, trú tại thôn 9, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng vẫn dũng cảm trên con đường đi tìm công lý. Được sự động viên ủng hộ của các cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương, ông đã góp phần quan trọng đưa 8 kẻ tham nhũng ra ánh sáng…

Dũng cảm đấu tranh, làm sáng tỏ sự thật

Cuộc hành trình đầy khổ ải của ông Xạ bắt đầu từ năm 2001 khi những sai phạm nghiêm trọng của một số cán bộ chủ chốt xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng bị phanh phui về quản lý đất đai, lạm thu các khoản đóng góp của dân… nhưng UBND xã này chỉ rút "kinh nghiệm nội bộ", không đưa ra hình thức kỷ luật nào.

Là một lão nông cả đời và cả cơ nghiệp chỉ trông vào mảnh đất, ông Xạ không đành lòng. Cú đáp trả đầu tiên ông được nhận là UBND xã Kiến Quốc vào những ngày đó từ chối xác nhận hồ sơ thi đại học của cậu con út vì lý do "chưa đóng góp nghĩa vụ 120.000 đồng". Nén lại chuyện riêng, ông về bảo vợ bán nốt tạ thóc được 270.000 đồng, "nộp" 120.000 đồng cho xã, số còn lại dùng làm lộ phí đi "tìm công lý".

Người đàn ông lam lũ trong bộ quần áo đã ngả màu dắt chiếc xe đạp cũ, trên tay là tập đơn tìm đến trụ sở UBND huyện Kiến Thụy. Sau khi đọc lá đơn, một vị lãnh đạo huyện cười, vỗ vai ông: "Anh em cơ sở làm có đúng có sai, sao bác cố chấp thế". Không thuyết phục được lão nông kiên nghị, chất phác, Văn phòng Ủy ban huyện liền giới thiệu ông gửi đơn lên thanh tra cùng cấp. Địa chỉ tiếp theo, ông Xạ tìm đến là trụ sở tiếp dân của UBND TP Hải Phòng. Nhưng theo quy định, hồ sơ vụ việc lại được chuyển về huyện rồi cứ nằm im tại đó hàng năm trời. Ông Xạ tiếp tục lên Thủ đô. Trước thái độ kiên quyết của ông, huyện đã buộc phải chỉ đạo cấp dưới xác minh…

Trong ngày giỗ tổ, một cán bộ huyện nghỉ hưu là người trong họ nhắc nhở ông: "Vấn đề anh tố cáo, huyện có nhờ tôi nói anh rút đơn đi cho đỡ phức tạp". Một cán bộ xã lúc đó cũng nài nỉ: "Có gì không phải mong bác bỏ qua, chúng em không để bác thiệt" kèm theo là chiếc phong bì được dúi vào tay ông nhưng ông Xạ kiên quyết chối từ bởi ông muốn sai phạm được xử lý triệt để như chủ trương của Đảng, của Nhà nước.

Sau một thời gian xác minh, tháng 6/2006, Thanh tra huyện Kiến Thụy đã kết luận: "Những tố cáo của ông Xạ không có cơ sở. Việc cắt đất làm nhà, thu chi tài chính đều đúng theo quy định". Khi nhận được tin trên, ông Xạ vô cùng thất vọng, tìm đến người anh ở xóm trên tâm sự. Khi đạp xe về đã gặp "sự cố". Từ phía sau, một đối tượng bất ngờ đấm thẳng vào gáy khiến ông ngã nhào bất tỉnh. Không dừng lại ở đó, sau khi ông dưỡng thương từ bệnh viện trở về, gia đình ông còn bị những đối tượng lạ "dằn mặt". Chúng nhổ hết rau trên cánh đồng đang đến kỳ thu hoạch. Đêm đêm, những mẩu giấy với nội dung "đừng đem trứng chọi đá" được bí mật ném vào nhà, khiến mọi người sống trong lo âu và sợ hãi.

Ông Xạ tâm sự, đó là những thời khắc kinh khủng nhất nhưng ông quyết không chùn bước. Cái ác, kẻ tham nhũng không thể không bị trừng phạt. Được một số cán bộ trong cơ quan bảo vệ pháp luật của huyện động viên kịp thời, lão nông càng thêm quyết tâm. Sau thời gian dài thu thập thông tin, ông phát hiện từ 2004-2006, UBND xã Kiến Quốc đã "cắt" đất nông nghiệp bán gần 200 lô làm nhà ở, đồng thời cho doanh nghiệp thuê khu đầm 40ha trái thẩm quyền… Số tiền nuôi heo, nuôi gà của gia đình chỉ để phục vụ cho ông in tài liệu, làm lộ phí.

Chưa hết, người đàn ông tật nguyền còn không nề hà đi mò cua, bắt ốc giúp vợ. Cảm thông hoàn cảnh của người nông dân này, một xưởng da giày trong xã đã nhận ông vào làm bảo vệ. Những nỗ lực không biết mệt mỏi ấy đã được đền đáp, năm 2009, Thanh tra TP Hải Phòng vào cuộc xác minh những nội dung tố cáo của ông Xạ là đúng.

Theo đó, UBND xã Kiến Quốc đã giao trái thẩm quyền cả trăm lô đất, thu chi tài chính sai nguyên tắc, lạm thu các khoản đóng góp... UBND huyện sai phạm không thực hiện đấu giá đất, thiếu sát sao kiểm tra, giám sát.

Ông Xạ bên hồ sơ về các sai phạm tại địa phương.

Cần có nhiều người dũng cảm như lão nông Xạ…

Tối 28/10/2009, khi đạp xe từ xưởng may về nhà, ông phát hiện hai thanh niên bịt mặt dừng xe máy bên đường. Rồi bỗng nhiên đèn đường khu vực vụt tắt. Ở phía sau, hai tên bịt mặt vung dao chém sượt qua vai ông. Nhát thứ hai ông bị trúng vào đầu. Rất may, do có chiếc mũ cối nên ông đã thoát hiểm.

Ông Xạ vừa kêu cứu liền bị một sát thủ túm lấy chân. Sau đó, hắn lạnh lùng đâm liên tiếp ba nhát dao vào đùi ông. Sau khi gây án, hai hung thủ bịt mặt lên xe máy tẩu thoát. Do vết thương khá nặng, ông phải chuyển lên Hà Nội để phẫu thuật nối gân chân. Thương ông khó khăn, người dân trong làng đã gom góp được mấy chục triệu đồng giúp ông điều trị. Cảm phục trước tinh thần dũng cảm của người nông dân chống tiêu cực, các bác sỹ của bệnh viện đã trả ông tiền phẫu thuật. Kết quả giám định, ông Xạ có tỷ lệ thương tật trên 45%.

Rồi việc đến sẽ phải đến, UBND huyện Kiến Thụy đã có những động thái kiên quyết. Đầu năm 2011, Huyện ủy Kiến Thụy đã ra quyết định kỷ luật các cán bộ xã Kiến Quốc vi phạm. Theo đó, cách hết chức vụ Đảng đối với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã. Cán bộ tài chính bị đuổi việc. Bảy người khác bị cảnh cáo, khiển trách. Mới đây, Công an huyện Kiến Thụy đã ra quyết định khởi tố 8 bị can nguyên là cán bộ xã, trong đó có bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong căn phòng nhỏ tại xưởng da giày, người đàn ông ngoài lục tuần giở từng trang tài liệu đã mờ, với chúng tôi, còn nhiều sai phạm tuy chưa được làm rõ nhưng ông rất mừng vì công lý đã được thực thi.

Theo Thượng tá Đặng Bá Cường, Trưởng Công an huyện Kiến Thụy, việc ông Xạ bị tấn công có nhiều dấu hiệu trả thù người đấu tranh chống tiêu cực. Hung thủ có thể là một trong những cán bộ xã sai phạm. Vụ việc sẽ tiếp tục được điều tra, làm rõ. Chúng tôi sẽ thông tin tới bạn đọc khi Công an huyện tìm ra thủ phạm

Đăng Hùng
.
.
.