Chuyện lão ngư giành lại mạng sống hàng chục người từ thủy thần

Thứ Năm, 11/07/2013, 11:47
Trong suốt 20 năm qua, ông Mai Văn Dàn (52 tuổi), ở khu phố 7, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị đã dũng cảm vật lộn với thủy thần giành giật lại mạng sống cho hàng chục người không may mắn bị chìm thuyền, đuối nước...

Khu phố 7, thị trấn Cửa Việt cách đây 8 năm thuộc xã Gio Hải, huyện Gio Linh - một vùng biển bãi ngang rất nghèo khó. Đến bây giờ, cái nghèo vẫn còn bám riết nhiều hộ dân, nhưng đối với hộ gia đình ông Dàn thì chuyện đó nay chỉ còn trong kỷ niệm. Ông còn được biết đến nhiều hơn bởi lòng dũng cảm và những việc làm cao đẹp của mình. Ở các vùng biển của tỉnh Quảng Trị, ông là một trong số ít những người dám “bước qua lời nguyền” đối chọi với thủy thần để cứu người bị đuối nước trên các con sông và biển cả...

Đường về nhà ông Dàn không khó tìm, nhưng đến nơi thì ông đang ở bãi biển để trực cứu hộ cứu nạn. Biển Cửa Việt mùa nắng nóng rất đông du khách, đang lúc loay hoay tìm ông Dàn thì chủ một quán ăn hỏi tôi với vẻ lo lắng: “Có chuyện không hay hả chú?”. Sau này mới biết, chủ quán hỏi vậy vì nghĩ tôi tìm ông Dàn là để xin cứu giúp tìm thi thể của người thân không may bị đuối nước. Vì nhiều năm qua ở vùng biển bãi ngang Gio Hải, Cửa Việt và các nơi khác trong tỉnh mỗi khi có người đuối nước không tìm được xác đều tìm đến ông Dàn để nhờ giúp đỡ. Khi tôi hỏi chuyện này, ông Dàn chỉ cười hiền, bảo: “Tui chẳng tài cán hay kinh nghiệm gì nhiều, nhưng việc làm đó đã vận vào tui như một cái duyên, hễ là tui tìm thì thế nào cũng tìm được xác”...

Mỗi ngày nắng nóng, ông Dàn (người cầm loa) xung phong đảm nhận việc ứng trực cứu hộ, cứu nạn du khách tại bãi tắm Cửa Việt.

Ông Dàn kể rằng, năm 1988, khi ông đang tham gia đánh giặc ở vùng biên giới phía Bắc thì nhận được tin dữ. Bố và chú ruột của ông đi biển, không may bị gió to sóng dữ làm lật thuyền, nhưng không được các bạn thuyền cứu giúp. Đến năm 1991, ông rời quân ngũ trở về quê nhà, tiếp tục nghề đi biển. “Việc trở lại nghề với tui mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt là để gìn giữ những kỷ niệm thiêng liêng với cha tui lúc tui còn ở nhà theo ông ấy đi biển, nữa là để mưu sinh và cứu giúp những bạn thuyền không may bị gặp nạn”, ông Dàn bày tỏ.

Ba năm sau, trong một lần ra biển đảo Cồn Cỏ đánh bắt, thấy bạn thuyền gặp nạn, ông không một chút ngần ngại, lao ngay ra giữa biển cả đang sóng to gió dữ, vật lộn với muôn vàn con sóng để giành lại mạng sống cho một bạn thuyền. Một số người cùng đi thuyền với ông, vì mê tín tỏ ra e ngại, vì họ sợ “giật miếng ăn” của thủy thần sẽ bị bắt đền mạng. Nhưng ông khảng khái bảo họ, sẽ chẳng có thủy thần nào đòi mạng cả. Sống ở đời làm việc tốt thì sẽ gặp những điều tốt đẹp, bởi ông trời sẽ rất công bằng, không phụ lòng người tốt. Những năm sau đó, năm nào ra biển, ông đều có dịp cứu người bị đuối nước, lúc là bạn thuyền, lúc thì du khách về đây tắm...

Trong hàng chục bức thư gửi bày tỏ lòng tri ân đối với ông Dàn, có bức thư của một cán bộ công tác ở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam viết rất xúc động. Bức thư nay chỉ còn một phần nội dung của nó, bởi năm tháng đã làm phai mờ các nét chữ, mặt khác với người làm ơn như ông Dàn, chưa một lần màng tưởng tới ai đó sẽ nhớ tới việc nghĩa của mình. Nội dung phần còn lại của bức thư viết: “…Anh Lượng đã không may mắn như tôi, bởi lúc anh (ông Dàn-PV) biết được việc chúng tôi bị đuối nước thì sóng dữ đã nhấn chìm anh ấy mất rồi. Bản thân tôi sẽ không bao giờ quên ơn cứu mạng của anh, hơn hết là lòng cảm phục, trân trọng trước việc làm dũng cảm, nhân hậu của anh…”.

Theo thống kê của chính quyền địa phương, 20 năm qua, ông Dàn đã vật lộn với sóng nước cứu giúp hơn 20 người khỏi bàn tay thủy thần và tìm kiếm nhiều thi thể nạn nhân bị đuối nước trôi dạt trên các con sông và biển cả. Năm 2012, ông Dàn là 11 người trong cả nước được Tổ chức Total tặng danh hiệu “Hiệp sĩ giao thông” vì đã có những sáng tạo thiết thực đối với giao thông đường biển, cứu sống thành công hàng chục con người không may bị đuối nước trên biển... Song, ông Dàn thì không nhớ rõ. “Tui cứu sống họ có nghĩa là tui hưởng được cái phúc, cái phước rồi chú ạ!”, ông Dàn cười hiền nhìn ra biển cả bao la đang tung những cột sóng trắng xóa, như đang thách thức, như đang đợi chờ lòng dũng cảm của lão ngư này...

Phan Thanh Bình
.
.
.