Chuyện kể về phát lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh

Chủ Nhật, 25/04/2010, 11:32
Người phát thanh viên chương trình phát thanh cách mạng đầu tiên trong ngày lịch sử đó chính là ông Nguyễn Hữu Thái. Ông Thái nói trực tiếp vào micro và đài cũng phát trực tiếp. Tuy vậy, câu từ mạch lạc, khúc chiết và lần đầu tiên Sài Gòn được gọi là TP Hồ Chí Minh...

Giữa cái se lạnh trong đợt gió mùa cuối đông một ngày hạ tuần tháng Tư, tôi may mắn được trò chuyện cùng ông Nguyễn Hữu Thái, khi ông có mặt ở Hà Nội, tham dự Đại hội kiến trúc Việt Nam lần thứ VIII (diễn ra từ ngày 22 đến 24/4).

Trước mặt tôi là một ông già có dáng người thanh nhã, mái tóc bạc trắng, đôi mắt sáng thông tuệ sau cặp kính dày. Ông là người đã chứng kiến và tham gia vào sự kiện lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập. Cùng chung những cảm xúc về ngày 30 tháng 4 lịch sử, câu chuyện giữa chúng tôi diễn ra chân thực, cởi mở và sinh động.

Nhân vật của "thành phần thứ ba"

"Tầm 10h30' (tức 11h30', giờ Sài Gòn trước đây, chậm hơn hiện nay 1 tiếng) ngày 30/4/1975, chúng tôi chợt nghe tiếng xe tăng vọng tới. Từ sảnh Dinh Độc Lập nhìn ra đại lộ Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), một cảnh tượng hoành tráng đang diễn ra: đoàn xe tăng rầm rộ tiến về hướng Dinh. Bỗng chốc chiếc cổng bị húc đổ, những chiếc xe tăng nhuốm màu khói súng cày lên thảm cỏ, tiến thẳng về phía thềm dinh...". Dù sự kiện này đã được sử sách ghi chép khá đầy đủ, nhưng khi được trực tiếp nghe ông Nguyễn Hữu Thái kể lại, tôi vẫn thấy trào dâng niềm xúc động đến khó tả.

Sinh trưởng ở Đà Nẵng trong một gia đình cha làm công chức, mẹ là tiểu thương, Nguyễn Hữu Thái là anh cả của 9 người em. Từ tấm bé, Thái là niềm kì vọng của cả gia đình; được ăn học tử tế để mai sau trưởng thành, làm gương cho các em. Năm 1958, Nguyễn Hữu Thái đỗ Tú tài tại Trường Thiên Hựu (Huế), rồi vào Viện Đại học Sài Gòn học ngành Kiến trúc và Luật.

Theo đuổi ước nguyện trở thành một kiến trúc sư giỏi, song bầu máu nóng của chàng thanh niên Nguyễn Hữu Thái đã thôi thúc anh cùng các sinh viên xuống đường đấu tranh chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, đòi tự do, dân chủ, chống phân biệt đối xử các tôn giáo...

"Thực ra, lúc đó tôi cũng chưa có ý thức gì về cách mạng, những điều đã biết thì cũng rất mơ hồ. Nhưng là thanh niên trong cảnh đất nước tao loạn, khiến tôi không thể không tham gia tranh đấu" - ông Nguyễn Hữu Thái kể.

Ông được bầu làm Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (nhiệm kì 1963-1964) - một chức vụ do giới sinh viên lựa chọn từ những thủ lĩnh sinh viên các trường Đại học. Do tích cực tham gia đấu tranh, ông 3 lần bị chế độ Sài Gòn cầm tù trong những năm 1964 đến 1974.

Vị cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn bồi hồi nhớ lại những ngày sục sôi tranh đấu: “Sau cuộc đảo chính tháng 11/1963, phái quân sự lên nắm quyền, sinh viên tiếp tục xuống đường tranh đấu. Sang năm 1964 thì tôi bị bắt giam ở khám Chí Hòa. Cùng phòng giam có một số cán bộ "Việt cộng"; ngay trong đêm đầu tiên, giữa tôi và họ đã tranh luận gay gắt về phương pháp đấu tranh..."

"Những cán bộ "Việt cộng" này đa phần hoạt động ở vùng nông thôn nên chưa hiểu lắm tình hình đô thị. Tuy vậy, càng tranh luận thì tôi càng bị họ thuyết phục và hiểu rằng ngoài cuộc đấu tranh của sinh viên, trí thức chống chế độ Sài Gòn, còn có cuộc đấu tranh lớn lao của những người Cộng sản... Từ đây, tôi dần dần có thiện cảm với họ và chuyển hướng đấu tranh của mình; đặc biệt là sau khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, năm 1965".

Sau khi ra tù năm 1964, Nguyễn Hữu Thái là cái gai trong mắt của các cơ quan mật vụ. Để bảo vệ an toàn cho ông, một số người có ảnh hưởng với chính quyền đã đưa ông đến nương thân trong nhà một người Mỹ, là ông Wilson, Phó Giám đốc điều hành Cơ quan viện trợ của Mỹ tại Nam Việt Nam (USAID). "Ông Wilson có vai trò gần như một viên "Công sứ" của Mỹ tại Sài Gòn.

Ổng rất quý mến tôi vì thấy tôi thạo tiếng Anh. Hằng ngày, tôi còn dạy ổng tiếng Pháp để giao tiếp với các quan chức Sài Gòn (hầu hết họ đều thạo tiếng Pháp, nhưng ít người thạo tiếng Anh). Wilson gợi ý tôi sang Mỹ học tiến sĩ, với học bổng toàn phần do ổng tìm giúp... Tôi đứng trước ngã ba đường: hoặc sang Mỹ học tiến sĩ, hoặc ở lại trong nước đi theo cách mạng.

Tôi quyết tâm thoát ly ra "cứ" hoạt động, song không được toại nguyện. Sau này, tôi được biết, cũng có ý kiến nghi ngại tôi giao tiếp nhiều với người Mỹ, cần phải có thời gian thử thách; có ý kiến cho rằng, tôi ở lại Sài Gòn hoạt động công khai thì có lợi hơn...” - ông Thái kể.

Rồi, Nguyễn Hữu Thái bị bắt quân dịch, trở thành giảng viên chiến tranh chính trị trong quân đội Sài Gòn rồi lại bị bắt đi tù… Ra tù lần thứ ba, ông tiếp tục hoạt động công khai, trở thành cây bút chủ lực của Báo Điện Tín do Dương Văn Minh chủ trương.

Nguyễn Hữu Thái ngày càng gắn bó hơn với nhóm trí thức trẻ thân cận với Dương Văn Minh, như Ngô Công Đức, Phan Xuân Huy, Nguyễn Văn Binh, Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Huỳnh Bá Thành...

Họ là những người được coi như "thành phần thứ ba" có xu hướng vận động chính quyền Sài Gòn đi vào con đường hoà giải, hoà hợp dân tộc. Và đó cũng là những tiền đề để ngày 30/4/1975, Nguyễn Hữu Thái có mặt trong Dinh Độc Lập chứng kiến lịch sử sang trang.

Người giới thiệu tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh  trên sóng phát thanh

Nhớ lại thời khắc lịch sử tại Dinh Độc Lập, ông Nguyễn Hữu Thái xúc động kể: Khoảng 10h sáng 30/4/1975, tôi cùng nhà báo Nguyễn Văn Hồng và Giáo sư Huỳnh Văn Tòng lên chiếc xe Renault màu xanh của Hồng, xe này có giấy phép đặc biệt ra vào Phủ Tổng thống. Đường phố vắng tanh.

Khi xe chạy vào cửa hông Dinh trên đường Nguyễn Du, cửa mở sẵn nên chúng tôi chạy thẳng luôn vào thềm Dinh. Khoảng 10h30' (11h30' giờ Hà Nội), chúng tôi thấy một đoàn xe tăng ầm ầm tiến về phía Dinh... Tôi, anh Huỳnh Văn Tòng và một số người khác đưa anh bộ đội (Bùi Quang Thận) vào thang máy, lên cắm cờ Mặt trận trên nóc Dinh Độc Lập.

Sau đó, chúng tôi trở xuống tầng hai của Dinh rồi cùng bộ đội đưa Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và Tổng trưởng Thông tin Lý Quý Chung ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Khi tới Đài, lực lượng cách mạng đã làm chủ đài, nhưng không ai biết vận hành máy móc. May sao, anh em sinh viên đi tìm được kĩ thuật viên Trần Văn Bảng.

Về nội dung bản tuyên bố đầu hàng, tôi chứng kiến giữa ông Dương Văn Minh và ông Bùi Văn Tùng có lời qua tiếng lại. Ông Minh không muốn nêu chữ Tổng thống mà chỉ muốn dùng chữ Đại tướng, vốn quen thuộc hơn. Ông Tùng cương quyết không chịu vì cho rằng dẫu sao thì tướng Minh cũng đã là Tổng thống chính quyền Sài Gòn và phải tuyên bố với tư cách đó mới ra lệnh được cho cả bên dân sự lẫn quân sự. Thu băng và thử đi thử lại mấy lần mới xong.

Ông Nguyễn Hữu Thái đứng thứ hai bên phải, tay cầm tập giấy, chứng kiến Tổng thống chính quyền Sài Sòn Dương Văn Minh chuẩn bị tuyên bố đầu hàng. (Ảnh do ông Nguyễn Hữu Thái cung cấp). Ảnh Kỳ Nhân.

Người phát thanh viên chương trình phát thanh cách mạng đầu tiên trong ngày lịch sử đó chính là ông Nguyễn Hữu Thái. Tố chất của một cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trải qua bao năm lăn lộn đấu tranh công khai, đã được dồn nén và phát lộ đúng lúc.

Ông Thái nói trực tiếp vào micro và đài cũng phát trực tiếp. Tuy vậy, câu từ mạch lạc, khúc chiết và lần đầu tiên Sài Gòn được gọi là Thành phố Hồ Chí Minh... Đó thực sự là tiếng nói của cách mạng, mở đầu cho một trang sử mới của nước Việt Nam: "Chúng tôi là những người đại diện cho Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Chúng tôi là những người đầu tiên tới Dinh Độc Lập trước 12 giờ và đã cùng anh em Quân giải phóng cắm cờ trên Dinh Độc Lập... Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - thành phố HCM, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng... Xin giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng...".

Cảm xúc tháng tư trào dâng trong hai chúng tôi... Ông Thái lấy ra một tấm ảnh đã rất quen thuộc với không chỉ người Việt Nam từ 35 năm qua, chụp cảnh tuyên bố đầu hàng của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và cẩn thận ghi lời tựa phía sau bức ảnh tặng tôi.

Trước lúc tạm biệt, ông nói: Vài hôm nữa, tôi bay vào Sài Gòn. Tôi vừa nhận được giấy mời tham dự Lễ kỉ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước!

Sau ngày giải phóng đến năm 1980, ông Nguyễn Hữu Thái công tác tại Thành đoàn TP HCM. Từ 1980-1985, ông làm việc tại Viện Quy hoạch kiến trúc thành phố. Năm năm sau, ông Thái làm cho một công ty khai thác gỗ tại Lào và đến năm 1990 thì xuất cảnh sang Canada theo diện đoàn tụ gia đình.

Đến năm 1995, vợ chồng ông trở lại quê hương. Hiện nay, nhiều thành viên trong gia đình ông Nguyễn Hữu Thái đã trở lại Việt Nam làm ăn, sinh sống.

Trần Duy Hiển
.
.
.