Chuyển giao trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài: Có hay không việc lập mới những trạm thu phí lậu?
Bàn giao nguyên trạng bao gồm những trạm nào?
Cần nhắc lại, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Văn bản 5324/VPCP-KTN ngày 5/8/2009 của Văn phòng Chính phủ, cho phép chuyển giao nguyên trạng trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài (bao gồm cả trạm chính và trạm phụ) cho Công ty Vietracimex 8 thu phí từ ngày 1/9/2009, để hoàn vốn cho Dự án xây dựng quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngày 25/8/2009, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định 2465/QĐ-BGTVT về việc chuyển giao nguyên trạng trạm thu phí trên cho Công ty Vietracimex 8 (ở thời điểm đó đang do Công ty 234 quản lý, khai thác).
Quyết định 2465/QĐ-BGTVT nêu rõ mức thu phí từ ngày 1/9/2009 đến khi Dự án xây dựng quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc hoàn thành đưa vào sử dụng, thực hiện theo Thông tư 90/2004/TT-BTC ngày 7/9/2004 của Bộ Tài chính; quy định việc sử dụng tiền thu được từ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, trong đó có khoản đóng vào ngân sách Nhà nước; trách nhiệm của đơn vị nhận bàn giao và của Cục Đường bộ Việt Nam liên quan đến trạm thu phí kể trên.
Trạm thu phí Vĩnh Thanh hoạt động theo Quyết định 745/KHĐT ngày 7/7/1994 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. |
Ngày 1/9/2009, đại diện Khu Quản lý đường bộ II, Công ty 234 (đơn vị bàn giao), Công ty Vietracimex 8 (đơn vị nhận bàn giao), Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài dưới sự chứng kiến của một số đơn vị chức năng đã ký biên bản bàn giao theo quy định.
Theo đó, nội dung bàn giao bao gồm tài sản và trang thiết bị phục vụ thu phí, hồ sơ 155 cán bộ, nhân viên, vé thu phí… của trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài. Tinh thần quán triệt khi tiến hành bàn giao là chuyển giao nguyên trạng trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài (bao gồm cả trạm chính và trạm phụ) từ Công ty 234 sang Công ty Vietracimex 8 quản lý, khai thác theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Cả trạm chính và trạm phụ nghĩa là bao nhiêu trạm và điểm thu phí? Trong khi biên bản bàn giao (mục tên tài sản) kê rõ hai trạm là trạm thu phí Vĩnh Thanh (thuộc xã Hải Bối, huyện Đông Anh) và trạm thu phí bán tự động - Km 10 đường Thăng Long - Nội Bài (trạm chính), thì thực tế nguyên trạng lại khác, nó bao gồm cả ba điểm thu phí khác đặt ở những vị trí khác nhau mà đơn vị quản lý trước đó đã lập và khai thác.
Ba điểm thu phí hoạt động, được phép của cơ quan có thẩm quyền
Để làm rõ có bao nhiêu trạm chính và trạm thu phí phụ đã được bàn giao, nhóm phóng viên Báo CAND làm việc với ông Trần Văn Sơn - Phó Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ II (đơn vị cấp trên của Công ty 234).
Ông Sơn cũng là người trực tiếp chỉ đạo công tác bàn giao trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài cho biết: Đúng là trong mục ghi tài sản bàn giao của biên bản, chỉ ghi tên hai trạm như đã nêu ở trên, còn các điểm thu phí khác thì ông không nắm được vì ông mới nhận nhiệm vụ ở Khu Quản lý đường bộ II.
Trước phóng viên, ông Vũ Đức Toàn - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần Thương mại xây dựng Vietracimex (công ty mẹ của Vietracimex 8) khẳng định: Giữa Công ty 234 và Công ty Vietracimex 8 đã bàn giao chi tiết, đầy đủ các trạm và điểm thu phí, bao gồm: Trạm chính trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài; trạm Vĩnh Thanh (xã Hải Bối), điểm thu phí ngã tư đường Thăng Long - Nội Bài đi huyện Mê Linh; điểm thu phí ngã tư đường Thăng Long - Nội Bài đi huyện Đông Anh (xã Nam Hồng) và điểm thu phí khu vực cầu Kênh Giữa (thuộc xã Kim Chung, huyện Đông Anh).
Bên bàn giao trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, ông Nguyễn Đình Hoan - Giám đốc Công ty 234 khẳng định: "Chúng tôi đã bàn giao hai trạm và ba điểm thu phí cho Công ty Vietracimex 8 đúng như những gì bên nhận bàn giao đã nêu. Các trạm và điểm thu phí đó hoạt động trên cơ sở được phép của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, ba điểm thu phí (ở xã Nam Hồng và xã Kim Chung, huyện Đông Anh) được cấp thẩm quyền cho phép hoạt động nhằm chống thất thu phí trên tuyến Thăng Long - Nội Bài. Hàng năm, các điểm thu phí này được quản lý, nộp tiền vào ngân sách theo quy định. Riêng trạm thu phí Vĩnh Thanh (xã Hải Bối, Đông Anh) hoạt động theo Quyết định 745/KHĐT ngày 7/7/1994 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, nay còn hiệu lực".
Điểm thu phí Nam Hồng nay đã dừng thu phí. |
Nhằm làm rõ hơn các điểm thu phí đó có từ bao giờ, nhóm phóng viên đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tại đây, cả ông Chủ tịch UBND xã Tạ Xuân Hòa lẫn ông Phó Chủ tịch xã đều khẳng định: Xuất xứ điểm thu phí ngã tư Nam Hồng (giao cắt giữa đường Thăng Long - Nội Bài đi Đông Anh) trên đường 23A được Công ty Quản lý và Xây dựng đường bộ 234 thành lập và khai thác từ năm 1994. Khu vực này còn một điểm nữa (cũng đặt trên đường 23A) đoạn từ đường Thăng Long đi về hướng huyện Mê Linh.
Tận mắt chứng kiến trạm thu phí Vĩnh Thanh và ba điểm thu phí trên, chúng tôi thấy tất cả các điểm và trạm này đều tạm dừng thu phí. Lãnh đạo địa phương nơi có các trạm và điểm thu phí cho biết: Kể từ ngày 23/10/2009, các trạm và điểm thu phí đó tạm dừng thu phí để phục vụ yêu cầu giao thông trong khi sửa chữa cầu Thăng Long.
Được biết, ngày 30/10/2009, Bộ Giao thông vận tải vừa có Văn bản số 7617/BGTVT-TC gửi Bộ Tài chính đề nghị thống nhất cho tạm dừng thu phí tại các trạm phụ thuộc trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài trong thời gian thi công sửa chữa cầu Thăng Long. Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý khoản giảm thu do tạm dừng thu phí tại các trạm phụ thuộc trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài.
Trên cơ sở các văn bản của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và những ghi nhận từ thực tế, không có việc lập các trạm thu phí lậu thuộc trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài như một số thông tin đã đưa