Chuyến công tác 11 địa phương của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thứ Năm, 31/07/2008, 09:05
Trong gần 2 tuần vừa qua (từ ngày 17 – 29/7), Đoàn đại biểu Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu, đã làm việc với các tỉnh, TP: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cần Thơ kiểm tra tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các biện pháp từ nay đến hết năm 2008; đặc biệt là việc triển khai các giải pháp kiềm chế lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.

Vấn đề nổi bật mà người đứng đầu Chính phủ lưu ý và đề nghị lãnh đạo các địa phương cần nghiêm túc triển khai chính là sự chủ động, sáng tạo và phát huy trách nhiệm của bộ máy quản lý nhà nước trong khai thác các lợi thế tại chỗ để phát triển kinh tế - xã hội. Chuyến công tác của Đoàn đã tạo cơ sở cho những quyết sách quan trọng của các địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiềm chế lạm phát, nâng cao tốc độ tăng trưởng và đảm bảo đời sống cho người dân...

Theo ghi nhận của phóng viên tháp tùng Đoàn công tác của Chính phủ thì với trách nhiệm cao nhất trước nhân dân, người đứng đầu Chính phủ đã tận dụng mọi thời gian để lắng nghe, tìm hiểu nắm tình hình địa phương từng ngành, từng lĩnh vực và đặc biệt dành sự quan tâm tới đồng bào vùng sâu, vùng xa và ngư dân... Trực tiếp cùng lãnh đạo các địa phương nhìn thẳng những tồn tại, những việc chưa làm được để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm phát huy tiềm lực tại chỗ, tạo đột phá trong phát triển kinh tế.

Làm việc tại 7 tỉnh, thành phố miền Trung: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp đi thị sát nhiều công trình, dự án quốc gia, trực tiếp cùng lãnh đạo tỉnh, thành đến tận những khu vực, địa phương với các tiềm năng phát triển kinh tế trong vùng.

Với các tỉnh miền Trung, Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các tỉnh cần sáng tạo hơn nữa trong việc khai thác lợi thế về địa lý, nhằm tạo bước nhảy vọt về thu hút đầu tư về du lịch và công nghệ cao. Các địa phương cần sớm cập nhật lại quy hoạch phục vụ các dự án lớn; gắn với quy hoạch tổ chức lại dân cư, từ đó xác định lại các giải pháp để phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt là tính hiệu quả trong thu hút đầu tư, nhất là dự án về du lịch.

Muốn làm được điều đó, Thủ tướng đề nghị các địa phương miền Trung cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Phải đảm bảo đủ vốn cho các doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và triển khai hỗ trợ cho ngư dân theo chủ trương của Chính phủ.

Quan tâm đến đời sống đồng bào vùng sâu, vùng xa, nhất là bà con ngư dân các tỉnh miền Trung, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để đầu cơ tăng giá và chăm lo nhiều hơn nữa đến đời sống bà con; tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân về xăng dầu theo quy định của Chính phủ để bà con cải thiện đời sống.

Tại thành phố cảng Đà Nẵng, trung tâm của nền kinh tế miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo thành phố phải tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao, nhất là công nghiệp dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu trong công nghiệp có giá trị gia tăng cao để xuất khẩu, nhất là công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực và giải quyết việc làm.

Kiểm tra tiến độ thực hiện dự án Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi, Thủ tướng nhấn mạnh, chỉ còn hơn 7 tháng nữa là đến thời điểm đưa nhà máy vào vận hành trong khi mùa mưa bão sắp tới. Điều này đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt, nhất là đối với chủ đầu tư để kiểm soát chặt tiến độ.

Với Ban lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, đề cập đến lợi thế về du lịch chất lượng cao và cảng biển của tỉnh, Thủ tướng khẳng định: Nếu khai thác hiệu quả những lợi thế này, sẽ mở ra triển vọng lớn cho Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế năng động của cả nước.

Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, yếu kém của Khánh Hòa trong lĩnh vực phát triển du lịch và yêu cầu tỉnh phát huy lợi thế về vị trí địa lý tự nhiên. Trong thời gian làm việc tại Ninh Thuận, Thủ tướng cũng trực tiếp xuống thị sát tận cánh đồng muối Quán Thẻ; khu liên hợp thép và cảng biển Dốc Hầm - Cá Ná, và địa điểm chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân công suất 4.000 MW tại xã Phước Dinh thuộc huyện Ninh Phước.

Tận mắt chứng kiến những công trình tiềm ẩn những nguồn lợi lớn cho địa phương, Thủ tướng cho rằng, triển vọng để Ninh Thuận phát triển rất lớn như cảng biển, dự án thép, muối công nghiệp, điện gió và điện hạt nhân, titan là rất rõ ràng, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện sao cho có hiệu quả...  

Trong chuyến công tác dài ngày tại các tỉnh miền Trung, Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Bình Thuận. Đoàn còn đến thăm và dâng hoa tưởng niệm tại di tích lịch sử Trường Dục Thanh, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã từng dạy học vào năm 1910, khi mới 20 tuổi.

Nhân kỷ niệm 61 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2008), Thủ tướng và đoàn đã đến thắp hương tưởng nhớ những chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Cà Mau, đến thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại tỉnh Cần Thơ.

Đến với đồng bào, chiến sỹ đất mũi Cà Mau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Cà Mau cần phát huy lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm sú công nghiệp nhằm nâng cao đời sống nhân dân.

Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, yếu kém kìm hãm sự phát triển của tỉnh cũng như cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long, là hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực và khả năng ứng dụng công nghệ vào sản xuất còn nhiều hạn chế.

Do đó, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh nối tới Cà Mau và đường cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Cà Mau và có chính sách hỗ trợ tỉnh về đào tạo nguồn nhân lực...

Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là rất nặng nề, do vậy từng địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu, lao động, vốn vay... cho các doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, đồng thời chăm sóc, bảo vệ lúa hè thu và phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm.

Các địa phương cần hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp và thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của ngành kinh tế mũi nhọn này. Khuyến khích các dịch vụ hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả nuôi trồng, khai thác hải sản, thực hiện nuôi thủy sản sạch và nhanh chóng khắc phục diện tích nuôi tôm bị thiệt hại, dịch bệnh vật nuôi, cây trồng...

Trước bối cảnh nền kinh tế cả nước đang có dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt những dấu hiệu trông thấy từ những giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ thì chuyến công tác tới 11 địa phương đã giúp các địa phương tháo gỡ hàng loạt vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm theo chỉ tiêu Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII đã đề ra

Minh Thư
.
.
.