Chuyện cảm động về “bà Liên cứu hộ” trên QL5

Thứ Hai, 07/05/2012, 23:57
Với kinh nghiệm 30 năm trong nghành Y, bà Đào Thị Liên cùng với các con đã cho ra đời “Trạm sơ cứu tai nạn tại gia” chỉ với một chiếc giường sắt cũ, một tủ thuốc nhỏ, song cũng nhờ có trạm sơ cứu này mà rất nhiều người không may bị tai nạn trên QL 5 đã được mẹ con bà cứu sống.

Sau 30 năm cống hiến cho ngành Y, tháng 1/2011, bà Đào Thị Liên, Trưởng khoa Hành chính Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành, Hải Dương được nghỉ hưu theo chế độ.

Không an phận nghỉ dưỡng tuổi già, bà vẫn mang hết tâm lực tham gia các hoạt động y tế cộng đồng. Tại căn nhà nhỏ ven QL5, thuộc xã Phúc Thành, huyện Kim Thành, tâm sự với chúng tôi, bà Liên cho biết, từng làm nghề, từng chứng kiến rất nhiều vụ TNGT thương tâm và thấu hiểu những hậu quả đau lòng do người bị nạn không được sơ –cấp cứu kịp thời hoặc cấp cứu sai quy trình...

Thế rồi, từ đầu năm 2006, trên QL5 (đoạn qua huyện Kim Thành), “Trạm sơ cứu tai nạn tại gia” của Bà Liên và các con ra đời chỉ với một chiếc giường sắt cũ, một tủ thuốc nhỏ. Cũng thật lạ, lòng thương người, cái tâm, cái đức của bà Liên không biết tự lúc nào cũng truyền sang cả người con trai Đoàn Ngọc Quý (36 tuổi) và nay là đứa cháu nội Đoàn Thị Ngọc Ánh (15 tuổi). Cứ lúc nào nghe có người bị tai nạn cần được giúp đỡ, mẹ con bà Liên liền tức tốc mang bông băng cầm máu, gạc khử trùng vết thương có mặt sơ cứu chuyển nhanh tới bệnh viện, bỏ qua những lời ong tiếng ve của số ít người cho rằng mẹ con bà “dỗi hơi”.

Bà Liên chuẩn bị dụng cụ y tế sơ cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông.

Trao đổi với PV Báo CAND, bà Liên cho biết, ngã tư Phúc Thành, lại là đầu mối giao thông của huyện Kim Thành nằm gần 3 trường THPT, có hệ thống đường sắt nên tình hình TTATGT rất phức tạp. Cho tới giờ, bà Đào Thị Liên không nhớ hết mình đã tham gia cứu được bao nhiêu người bị tai nạn dọc các tuyến “ngã tư tử thần” này. Tuy nhiên, bà con trong xã, số người được mẹ con bà cứu sống không dưới 400 trường hợp. Nhiều người còn nhớ mãi vụ anh Nguyễn Khắc H., 37 tuổi, ở thị trấn Phú Thái, bị xe tải cán gãy chân. Sau khi sơ cứu, bà Liên đưa H. tới bệnh viện huyện. Xét nghiệm máu, các bác sĩ phát hiện anh bị HIV. Không đành lòng, bà ân cần đưa người bị nạn về băng bó, trị thương tại nhà mình. Cảm tạ lòng tốt của ân nhân, H. đã gọi bà là “mẹ” bởi bà không chỉ cứu đôi chân mà còn cứu cả tâm hồn của anh...

Quanh chuyện cứu người, cũng có không ít lần, mẹ con bà Liên phải liên lụy. Đó là 2 vụ thủy thủ tàu Viễn Dương đi xe máy qua địa bàn bị tai nạn. Khi tới nơi, 2 người đã tử vong. Mẹ con bà lặng lẽ gom xác nạn nhân rồi chuyển giao cho cơ quan Công an. Sau đó vài ngày, bà Liên “tá hỏa” khi bị hỏi về 2kg vàng của nạn nhân. Mang nặng nghi án chiếm đoạt vàng của người chết, nhiều đêm bà Liên không ngủ. Con trai của bà cũng rất buồn. Nhưng rồi nửa tháng sau, thủ phạm đã được Công an huyện tìm ra và mẹ con bà được minh oan.

Được biết, với đồng lương hưu ít ỏi nhưng bà Liên vẫn cố gắng trích một khoản tiền ra mua bông băng, nước khử trùng... để không lúc nào ngừng công việc tự nguyện đầy nhân văn này. Tiếng lành đồn xa, Hội Liên hiệp đoàn Y tế Quốc tế biết tiếng đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chọn “Trạm sơ cứu tai nạn” của bà Liên làm địa điểm để tiến hành “Dự án nâng cao năng lực hệ thống sơ-cấp cứu TNGT QL5 - thuộc tỉnh Hải Dương”.

Hội có hỗ trợ dụng cụ sơ cứu nhưng số lượng không đủ dùng nên bà Liên phải mua thêm. Năm 2009, dự án kết thúc, người thân trong gia đình khuyên bà nghỉ ngơi vì tuổi đã cao nhưng bà Liên không chịu. Bà bảo sẽ làm tới khi nào không còn sức nữa thì thôi. Với những gì đã làm được, bà Liên là một trong những người đầu tiên, được Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương được nhận thù lao cho công việc nặng nhọc của mình với mức tiền: 150.000 đồng/tháng.

Bà Đào Thị Liên cũng cho biết, nhiều nạn nhân sau khi thoát nạn đã tìm đến bà để cảm ơn và gửi quà biếu nhưng bà không nhận. Bà thực sự là tấm gương cảm động về lòng tận tụy cứu nhân độ thế và trong cả việc nâng cao ý thức của người dân đối với ATGT

Đăng Hùng
.
.
.