Chương trình, sách giáo khoa, hệ thống trường sư phạm sẽ được ưu tiên cho “trận đánh lớn”

Thứ Bảy, 14/12/2013, 16:02
Chiều 13/12, Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ với một số cơ quan báo chí xung quanh Nghị quyết số 29 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI với nội dung Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, trong năm 2014, sẽ tập trung một số mũi nhọn vào “trận đánh lớn”, đó là: thiết kế xong chương trình, SGK phổ thông mới sau năm 2015; thay đổi đào tạo của các trường sư phạm và quyết liệt nâng cao chất lượng của giáo dục đại học.

Bộ trưởng chia sẻ, sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 29 thì sắp tới sẽ có một Chương trình hành động của Chính phủ; hiện Thủ tướng đã giao cho Bộ GD & ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và một số cơ quan khác xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ 29. Về Đề án đổi mới CT – SGK phổ thông sau năm 2015, hiện Bộ GD & ĐT đang xin ý kiến các chuyên gia lần cuối để hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận còn cho biết, Bộ đang xây dựng một Đề án hành động của ngành và của Bộ GD & ĐT để triển khai NQ 29, trong đó bao gồm rất nhiều vấn đề như: đổi mới giáo dục phổ thông; giáo dục ĐH; thiết kế chương trình – SGK, phương pháp dạy và học, thi và kiểm tra đánh giá, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên…

Đổi mới giáo dục sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các em.

Với quan điểm, đổi mới giáo dục toàn diện phải bắt đầu từ con người, từ nhận thức, từ đội ngũ nhà giáo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, năm 2014, ngành Giáo dục sẽ tăng tốc, đẩy mạnh đổi mới giáo dục phổ thông (bằng việc thiết kế CT – SGK mới), trong đó CT – SGK mới sẽ là tiền đề để xây dựng sách đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Bộ GD & ĐT đã lựa chọn 6 trường sư phạm lớn nhất trong cả nước làm đầu tàu. Với đào tạo giáo viên, các trường sư phạm sẽ ưu tiên theo lộ trình sau: bậc đào tạo đại học và sau đại học thì ưu tiên đào tạo đại học; giữa đào tạo chính quy và phi chính quy, ưu tiên đào tạo chính quy; giữa đào tạo mới và đào tạo lại, ưu tiên đào tạo lại (đối tượng đào tạo lại là đội ngũ giáo viên đang công tác); giữa đào tạo và bồi dưỡng thì ưu tiên, chú trọng bồi dưỡng. Từ đó sẽ quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm trên toàn quốc.

Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã chỉ ra một số tiêu chí thực hiện: Với giáo dục mầm non, sẽ hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020. Đối với giáo dục phổ thông, hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn sau năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020, có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương. Đối với giáo dục nghề nghiệp, tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp.

Đối với giáo dục đại học, tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học. Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, trong đó, có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế…

Thu Phương
.
.
.