Chuẩn bị xét xử bác sĩ mổ nâng ngực “chui”, gây chết người
Viện Kiểm sát nhân dân quận 1, TP HCM vừa tống đạt cáo trạng đến hai bị can là bác sỹ Lê Bá Hùng và bác sỹ Trương Thị Mỹ Hạnh cùng công tác tại Bệnh viện Bình Dân vì đã vi phạm các quy định về khám chữa bệnh, mổ nâng ngực "chui", gây ra cái chết của chị Văn Thị Bích Thuỷ.
Công tác điều tra nguyên nhân làm chết người được làm rõ thông qua giám định pháp y, được Hội đồng khoa học TP Hồ Chí Minh chuẩn y, thông qua.
Lê Bá Hùng là bác sĩ điều trị làm việc tại Khoa ngoại tổng quát, Bệnh viện Bình Dân thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và là người đứng đầu phòng khám chuyên khoa ngoại tổng quát, hành nghề theo hình thức tổ chức khám chuyên khoa ngoài giờ tại số 52 đường Trần Khắc Chân, quận 1, TP Hồ Chí Minh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể và giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề do UBND quận 1, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cấp.
Cùng làm việc dưới sự quản lý của bác sĩ Lê Bá Hùng còn có bác sĩ Trần Thị Minh Tâm, ngụ tại 287/12 đường Âu Dương Lân, quận 8 và điều dưỡng Đinh Thị Kim Oanh, ngụ tại số 99C/33 đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.
Vốn là chỗ quen thân với chị Văn Thị Bích Thủy, 40 tuổi, ngụ tại số 47/2 đường Trường Chinh, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Min, theo chỉ dẫn của bác sĩ Lê Bá Hùng, Bích Thủy đã đi xét nghiệm máu, chụp citi cắt lớp và khám tổng quát rồi đem kết quả về cho Lê Bá Hùng xem qua. Sau đó, bác sĩ Lê Bá Hùng đồng ý giải phẫu thẩm mỹ để thay hai túi nước nhân tạo mà Văn Thị Bích Thủy đã đặt 5 năm trước ở ngực, nay đã biến dạng.
Việc giải phẫu sẽ thực hiện tại phòng khám riêng của Lê Bá Hùng vào ngày 4/2/2006. Để thực hiện ca mổ, bác sĩ Lê Bá Hùng còn đề nghị bác sĩ gây mê Trương Thị Mỹ Hạnh là bác sĩ gây mê hồi sức đang làm việc tại khoa phẫu thuật Bệnh viện Bình Dân TP Hồ Chí Minh gây mê cho Văn Thị Bích Thủy.
Khoảng 9h sáng 4/2/2006, Văn Thị Bích Thủy cùng em gái đến phòng khám của bác sĩ Lê Bá Hùng theo lời hẹn. Và gần 12h cùng ngày thì bác sĩ Lê Bá Hùng thực hiện ca mổ bởi sự gây mê đường tĩnh mạch của bác sĩ Trương Thị Mỹ Hạnh, sự hỗ trợ kỹ thuật của bác sĩ Tâm và điều dưỡng Oanh.
Sau khi bác sĩ Lê Bá Hùng rạch da được 4 cm dưới quầng núm vú phải thì lấy được túi nước thứ nhất ra. Trong lúc rạch núm vú trái của Văn Thị Bích Thủy thì bác sĩ Tâm phát hiện máu chảy ra ngả màu đen là hiện tượng thiếu oxy, nên bác sĩ Lê Bá Hùng ngưng thao tác. Bác sĩ gây mê Trương Thị Mỹ Hạnh và điều dưỡng Oanh sửa tư thế nằm của Văn Thị Bích Thủy lại, cho đến khi máu trở lại màu hồng bình thường, bác sĩ Lê Bá Hùng mới tiếp tục các thao tác giải phẫu tiếp.
Quá trình thao tác tách lấy túi nước thì Văn Thị Bích Thủy có "cựa mình" thể hiện bị đau, nên bác sĩ gây mê Mỹ Hạnh có tiêm thêm thuốc gây mê vào tĩnh mạch của nạn nhân và nạn nhân nằm im. Khi bác sĩ Lê Bá Hùng thao tác lấy túi nước thứ hai thì Văn Thị Bích Thủy có dấu hiệu co thắt phế quản, môi và tay tím tái, co giật không bắt mạch được (hiện tượng ngưng tim mạch).
Ca mổ dừng lại để sơ cứu ban đầu. Bác sĩ Tâm gọi xe cấp cứu, bác sĩ Lê Bá Hùng xoa bóp tim bên ngoài lồng ngực, bác sĩ Hạnh tiêm thuốc phục hồi tĩnh mạch và trực tiếp dùng miệng hà hơi thổi ngạt vào miệng bệnh nhân, vì phòng khám không có phương tiên hô hấp cấp cứu.
Khoảng 15 đến 20 phút sau thì xe của trung tâm cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương đến đưa nạn nhân vào Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cấp cứu hồi sức. Tuy được các y, bác sỹ tận tình cứu chữa nhưng nạn nhân Văn Thị Bích Thủy đã qua đời lúc 2h ngày 5/2/2006.
Để làm rõ nguyên nhân tử vong của Văn Thị Bích Thủy, Giám định pháp y đã vào cuộc. Tại Bản kết luận giải phẫu tử thi số 055/GPTT của tổ chức Giám định pháp y TP Hồ Chí Minh chẩn đoán nạn nhân Văn Thị Bích Thủy tử vong do choáng phản vệ.
Hội đồng Khoa học công nghiệp, tại Biên bản số 1062/ SYT-NVY của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kết luận: quá trình gây mê đường tĩnh mạch và phẫu thuật, nạn nhân Thủy có dấu hiệu sốc dẫn đến suy tuần hoàn hô hấp, dù có sơ cứu ban đầu tại chỗ và sau đó đội cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn tích cực cấp cứu hồi sức nhưng không kết quả vì não đã tổn thương không phục hồi do thiếu oxy kéo dài.
Việc gây mê tĩnh mạch để phẫu thuật cho nạn nhân Văn Thị Bích Thủy tiến hành trong điều kiện thiếu các phương tiện về cấp cứu hô hấp như mặt nạ, bóng Ambu, đèn soi thanh quản…
Cơ sở phòng khám của Lê Bá Hùng không chấp hành quy định trong hướng dẫn quy trình kỹ thuật bệnh viện theo Quyết định số 5490/2000/BYT-QĐ ngày 19/12/2000 của Bộ Y tế. Bác sĩ Lê Bá Hùng hành nghề không đúng phạm vi cho phép trong giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tư nhân