Chưa kiềm chế được tai nạn đường sắt

Chủ Nhật, 06/09/2015, 10:17
Nếu 8 tháng đầu năm 2014, trên cả địa bàn Hà Nội xảy ra 45 vụ tai nạn, so với năm 2013 giảm 15 vụ, thì riêng 8 tháng đầu năm và vài ngày đầu tháng 9 năm 2015, đã xảy ra tới 44 vụ, tăng 11 vụ, 2 người chết, 9 người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái.

Một câu hỏi được đặt ra, vì sao các giải pháp kìm chế tai nạn gia tăng liên tục được đưa ra, rồi một khoản tiền không nhỏ đầu tư vào tu sửa, xây dựng hàng rào và đường gom, vậy mà tai nạn vẫn cứ tiếp diễn?

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn Hà Nội có 5 tuyến đường sắt đi qua với tổng chiều dài khoảng 160km, trong đó, tuyến Hà Nội-TP Hồ Chí Minh dài 40,85km; tuyến Yên Viên -Lào Cai dài 37km; tuyến Gia Lâm - Hải Phòng dài 11,61km; tuyến Hà Nội - Đồng Đăng dài 13,62km; tuyến Đông Anh-Quán Triều dài 20,3km. Ngoài 5 tuyến đường sắt trên còn có đường sắt vành đai từ ga Bắc Hồng đến ga Văn Điển dài 38,73km. 

Tương ứng với các tuyến đường sắt trên thì tất cả 78 đường ngang hợp pháp có gác, 69 đường ngang có cán bộ tuần đường và 20 đường ngang có barie cảnh báo. Thế nhưng, hiện đang có tới 403 lối đi dân sinh qua 5 tuyến đường sắt này. Bởi vậy, chỉ 8 tháng đầu năm 2015 xảy ra 44 vụ TNGT, tăng 34,3% số vụ so với cùng kỳ. Ngoài số vụ tai nạn đã xảy ra ở trên còn có 15 sự cố do va chạm với ôtô không có thiệt hại về người hoặc ôtô chết máy trên đường sắt làm ảnh hưởng đến chạy tàu.

Liệu cơ quan chức năng có làm ngơ trước tình trạng này? Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, năm qua riêng trên địa bàn Hà Nội, ngành đường sắt đã nỗ lực rất nhiều. Cụ thể, trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, các đơn vị của Tổng Công ty đã phối hợp với các chính quyền địa phương giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn huyện Thường Tín, giải tỏa các nhà tạm che khuất tầm nhìn đường ngang, lập và ký 106 biên bản cam kết tự đảm bảo an toàn với từng hộ dân, tổ chức có đường ngang tự mở trái phép và cam kết không để phát sinh thêm lối đi dân sinh tự mở trái phép; tổ chức bố trí người cảnh giới tại 6 đường ngang có mật độ giao thông cao; lắp đặt máy điện thoại hỗ trợ cảnh giới hỗ trợ báo tàu cho lực lượng cảnh giới tại các đường ngang do địa phương cảnh giới. Ngoài ra, ngành đường sắt còn nâng cấp các đường ngang có gác thành các đường ngang dàn chắn điện bán tự động cần chắn điện bán tự động ở 31 vị trí; lắp thêm cần chắn tự động cho các đường ngang có thiết bị cảnh báo tự động tại 6 vị trí. 

Vì sao tai nạn vẫn đang gia tăng và diễn biến phức tạp? Một phần là do vẫn còn tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, tình trạng mất cắp vật tư, thiết bị, cắt phá hàng rào hộ lan can. Việc kết nối tín hiệu giữa đường bộ và đường sắt trên địa bàn thành phố có 13 điểm cần kết nối nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được điểm nào. Theo Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, có tới khoảng 80% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên địa bàn Hà Nội là do người dân thiếu chú ý quan sát khi qua đường. Mới đây vào khoảng 9 giờ sáng 3-9, tại ngõ 148 đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, một người đàn ông điều khiển xe máy Honda Dream mang BKS 29H4 - 2540 lưu thông trên đường Ngọc Hồi theo hướng bến xe Nước Ngầm - ga Văn Điển, khi đến ngõ 148 đường Ngọc Hồi, đã rẽ phải băng qua đường sắt, do không quan sát nên bị đoàn tàu thống nhất Bắc - Nam chạy hướng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh tông trực diện.

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho hay, dù phân tích cho thấy phần lớn nguyên nhân từ việc người dân thiếu ý thức, song ngành đường sắt không thể không nhìn lại mình. Tới đây, bằng những việc làm thiết thực như: trên tuyến đường sắt Hà Nội-TP Hồ Chí Minh, Tổng Công ty sẽ bổ sung 1.704m hàng rào, đường gom; cắm biển “chú ý tàu hỏa” tại 217 đường; rào thu hẹp 144 đường, rào kín xóa bỏ lối đi dân sinh 2 đường; cắm biển cấm xe cơ giới 53 đường; cảnh giới an đảm bảo an toàn 8 đường. Đối với tuyến Gia Lâm-Hải Phòng sẽ  được cắm biển “chú ý tàu hỏa” ở 31 đường, cắm biển cấm xe cơ giới 3 đường. 

Còn tuyến đường sắt vành đai Bắc Hồng -Văn Điển cũng sẽ được cắm biển cảnh giới đảm bảo an toàn tại 4 đường dân sinh; rào thu hẹp 4 đường; bổ sung đầy đủ biển báo 6 đường; giải tỏa tầm nhìn 6 đường... Ngành đường sắt hy vọng sẽ kìm chế được tình trạng tai nạn đường sắt diễn biến phức tạp.

Từ ngày 16/11/2014 đến 4/9/2015, CSGT Hà Nội đã xử phạt 315 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt, tháo dỡ 19 lều quán, chặt tỉa 385 cành cây che khuất tầm nhìn. 

Phạm Huyền
.
.
.